"Động mạch chủ” ở ngay thị trường căn hộ
Nếu tình hình kinh tế của Việt Nam năm 2013 ổn định như dự đoán sẽ không chỉ có tác động tích cực đến các khu vực đầu tư, mà cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, do Việt Nam là thị trường đang phát triển nên rất khó để đưa ra những con số cụ thể.
Với tình hình năm 2013, có hai vấn đề quan trọng cần được giải quyết là tăng trưởng tín dụng và làm sao để thị trường căn hộ phải “chạy”. Một khi tháo gỡ nút thắt ở thị trường căn hộ sẽ kéo theo nhiều lĩnh vực khác, trong đó có tồn kho vật liệu xây dựng, thanh khoản ngân hàng (NH) lẫn vấn đề nợ xấu NH.
Đối với tăng trưởng tín dụng, nhiều nhà phát triển bất động sản (BĐS) đã hoàn tất quá trình chuẩn bị dự án nhưng thiếu vốn, phía NH cũng nên xem xét nếu dự án có đầu ra tốt hay như những dự án xây dựng nhà máy để phục vụ cho sản xuất (BĐS phục vụ cho sản xuất)... Thực chất, không ít doanh nghiệp (DN) hiện nay có nhu cầu vay để giải quyết vốn lưu động cho công ty, thậm chí, về lâu dài, họ vay để tài trợ cho tài sản cố định.
Trong khi đó, để kích thị trường căn hộ, cũng có hai biện pháp là phía chủ đầu tư giảm giá, còn Nhà nước phải giúp dân mua nhà. Vấn đề đặt ra là thực hiện bằng cách nào? Trước hết, phía Nhà nước và NH cần có sự phối hợp chặt chẽ trên cơ sở xem xét hợp đồng vay. Theo đó, với những người sở hữu căn hộ đầu tiên (không mua để đầu cơ), Nhà nước có thể đứng ra bảo lãnh hoặc tài trợ lãi suất. Chẳng hạn, họ mua căn hộ 1 tỷ đồng, vay 70% giá trị căn hộ, trong 1 - 2 năm đầu tiên, Nhà nước sẽ tài trợ một phần lãi suất.
Còn đối với các NH có nhiều nợ xấu mà tài sản cầm cố là BĐS, Nhà nước đề nghị các NH tổ chức đấu giá các tài sản đó. Ai sẽ là người được tham gia đấu giá? Đó là các DN và nhà phát triển BĐS chuyên nghiệp. Những ai trúng đấu giá, Nhà nước có thể lấy từ quỹ bảo lãnh cho DN vay 70% giá trị dự án, với lãi suất ưu đãi từ 5 - 6% và quy định trong vòng 3 năm, DN trúng đấu giá phải phát triển và bán sản phẩm từ BĐS đó để trả tiền gốc lẫn lãi suất cho nhà nước.
Trong “cuộc chơi” này, bên nào sẽ lỗ? Đó là NH, vì bán tài sản với giá thấp. Về nguyên tắc, đây không phải là vấn đề lớn nếu thực thi đúng. Bởi, khi cho vay, phía NH đã thẩm định và chỉ cho DN vay từ 50 - 60% giá trị tài sản cầm cố, cộng với phần lãi suất đã thu và phần thu về từ tài sản đấu giá, họ cũng không mất gì. Còn Nhà nước cho vay cũng không mất đi đâu vì có thể thu lãi suất từ các nhà phát triển BĐS tài trợ lại cho người mua. Theo quan điểm của chúng tôi, phương pháp khép kín này có thể phần nào khơi thông “dòng chảy” cho cả thị trường
Andy Ho
Doanh nhân sài gòn
|