Thứ Năm, 20/09/2012 13:37

'Chứng' và chiêu bán khống kiểu Việt

“Bán khống kiểu Việt” là một “thuật ngữ” được giới chơi chứng khoán thông thuộc đã từ lâu, nhưng không mấy ai nói và cũng không mấy ai tự xưng mình là “dân chơi bán khống”, vì như vậy thì chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này”…

Biểu đồ giao dịch của HSX từ 31/8 đến 13/9. TTCK đã có 1 giai đoạn xuống sân ngay sau quyết định cấm bán khống của SSC.

Thuật ngữ này mới đây vừa được xới lại, gây ồn ào trên thị trường chứng khoán nhân vụ Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Cty CP Chứng khoán Đại Nam do Cty này cho khách hàng vay chứng khoán để bán với mức phạt lên đến 250 triệu đồng, bao gồm cả việc vi phạm tự doanh nhưng chưa được cấp phép.

Cơ quan quản lý vào cuộc

Nhân đó và sau đó ít ngày, SSC cũng đã có Công văn số 3229/UBCK-QLQ gửi các Tổ chức kinh doanh chứng khoán và các Ngân hàng lưu ký, ngân hàng giám sát về việc chấn chỉnh các hoạt động về chứng khoán và TTCK. Trong công văn đặc biệt nhấn mạnh đến việc tổ chức kinh doanh chứng khoán (Cty quản lý quỹ, Cty chứng khoán) không được thực hiện bán hoặc cho khách hàng bán chứng khoán khi không sở hữu chứng khoán và cho khách hàng vay chứng khoán để bán. Nghĩa là cơ quan quản lý đã chính thức cấm hình thức bán khống chứng khoán trên thị trường.

Nhiều nhà đầu tư (NĐT) đón nhận lệnh cấm này với tâm trạng hoang mang. Biểu hiện là các phiên giao dịch thanh khoản sụt giảm, điểm của hai chỉ số cũng đổ đèo dù cho trước đó vài ngày, chứng khoán đã được nâng đỡ bằng “đòn bẩy tâm lý” bằng quyết định rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+3. Trong ngắn hạn mấy phiên gần đây, chứng khoán đã bật dậy khi sau gói nới lỏng định lượng QE3 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ban hành, và không chỉ riêng chứng khoán VN mà gần như toàn bộ các chỉ số chứng khoán, hàng hóa trên toàn cầu cũng đều ngẩng cao đầu như thế. Mặt khác, một tin vui nóng của TTCKVN là Quỹ MSCI Frontier Market 100 Fund đã chính thức ra mắt với bảy mã chứng khoán nằm trong rổ chỉ số. Nhưng trong dài hạn, câu hỏi về cấm bán khống trên thị trường vẫn còn lửng lơ trên đầu thị trường, khi lệnh cấm vẫn chưa có các văn bản chi tiết đi kèm để cho thấy quyết định này là thật sự hợp tình hợp lý, hơn thế, sẽ có hiệu quả cho sự minh bạch và an toàn của TTCK trong tương lai, cũng như bảo vệ quyền lợi của các NĐT dù nhỏ lẻ.

Đặc trưng của “bán khống kiểu Việt”

Trước tiên, cũng phải nói rằng thuật ngữ “bán khống kiểu Việt” là từ tạm mượn từ một bài viết chính thức đăng tải trên một trang blog cá nhân của ông Hoàng Thạch Lân - Giám đốc Môi giới Cty chứng khoán MHBS. Theo bloger này thì cách đây không lâu, khi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức hội thảo giới thiệu chỉ số HN-30, một vị lãnh đạo của SSC đã phát biểu là sẽ gắn vấn đề bán khống với vấn đề quỹ mở và quỹ ETF theo hướng cho làm, bởi đơn giản bán khống là 1 hành vi giao dịch cần thiết đối với loại hình quỹ 2 trong 1 này. “Ở chứng trường xứ ta, đối với các quỹ đầu tư nhiều khi mua còn dễ hơn bán. Với những loại quỹ “đánh đấm” liên tục mà muốn họ chơi ở các sàn có thanh khoản yếu và rủi ro hệ thống cao, không cho bán khống thì khó mà điều chỉnh danh mục cho sát với chỉ số cũng như đáp ứng được nhu cầu rút vốn của NĐT”, ông Lân chia sẻ.

Dù đây chỉ là một phát ngôn mang tính “tự sự cá nhân” nhưng Hoàng Thạch Lân là một cái tên mà dân chơi chứng khoán hầu như ai cũng biết. Chưa kể tới sự “bảo chứng” bằng kinh nghiệm của một broker lâu năm, đây rõ ràng là một nhận xét sát gần với những quan điểm của các quỹ đầu tư, nhất là quỹ mở và quỹ ETF vốn luôn có nhu cầu điều chỉnh danh mục, rút vốn không ấn định sẵn thời hạn và vẫn đang còn ít nhiều dè dặt với TTCK VN. Nhiều quỹ đầu tư khi tìm hiểu TTCK xứ ta, đều có 2 quan ngại cơ bản: Thứ nhất, quy mô vốn của thị trường còn thấp, không đủ các quỹ lớn “bỏ công” chăm sóc. Thứ hai, các sản phẩm giao dịch phái sinh còn trống vắng, và đặc biệt hoạt động đầu cơ giá xuống gần như không có. Theo đó, ứng dụng quyền chọn mua và bán khống, hoặc cao cấp và phức tạp hơn khi kết hợp bán quyền chọn khống hoặc bán quyền chọn mua – những chiến lược kinh doanh chứng khoán bảo vệ NĐT khỏi rủi ro hoặc tranh thủ cơ hội trên thị trường – đều không được phép ứng dụng. Dĩ nhiên, một khi đã “nhập gia” thì NĐT phải “tùy tục”. Do đó họ không tránh khỏi “ngán”, “ngại”.

Riêng với các NĐT nội, sự “khôn lanh” đã khiến nhiều người “lách” Luật (cũng do 12 năm trước đây Luật chưa cấm), thực thi “bán khống kiểu Việt” theo hình thức rất giản đơn: Hợp đồng “miệng” với nhau, khi có người có nhu cầu mua chứng khoán mà người được hỏi mua không có hàng, thì mượn tạm hàng của người khác để bán.

Cấm bán khống có tăng minh bạch?

Nói như vậy, “bán khống kiểu Việt” về cơ bản là một hình thức lách luật “khôn ngoan”, nhưng lại không phải là giao dịch với nghiệp vụ bán khống “chuẩn” và phức tạp như ở thị trường quốc tế. Do đó, các giao dịch này cũng ít tạo ra sức ép để kéo thị trường lao dốc khi nhiều NĐT hoặc tổ chức cùng thực hiện bán khống cổ phiếu. Và cũng do đặc trưng giao dịch đơn giản như vậy, nên việc cấm, chỉ căn cứ trên một văn bản cấm và các chế tài đưa ra mức phạt nặng, theo nhiều chuyên gia, có thể chưa đủ để “cấm tiệt” hoạt động bán khống tại thị trường VN, do nhiều NĐT sẽ còn “sáng tạo” ra các chiêu bán khống mới mà cơ quan quản lý khó thanh tra, giám sát cho tới, cũng như khó đưa ra các chế tài phù hợp nếu “kết án”.

Một chuyên gia nêu giả thiết: Hiện tại, trên TTCK đang nói nhiều đến “Hội bán khống”. Đó có thể hình dung như một nhóm các NĐT cá nhân “chơi” và cho nhau mượn cổ phiếu bán khống. Nhưng liệu có ai nhắc đến chuyện các CTCK cũng thỏa thuận cho nhau mượn cổ phiếu để bán hay không? “Kinh nghiệm cho thấy, trong các “đội lái” mà chúng ta hay nói, có nhiều “lái tàu” đến từ các CTCK. Mỗi cuối ngày, và mỗi giờ giao dịch trong phiên, họ skyper với nhau, nhắn tin, điện thoại… kết hợp với nhau để “giải quyết” một vài cổ phiếu đã được thống nhất từ trước. Vì “dính chùm” với nhau như như vậy nên khi cần, “lái tàu” của CTCK này mượn cổ phiếu của “lái tàu” ở CTCK kia cũng là chuyện bình thường. Không có hợp đồng. Mượn miệng. Bán và trả lại cũng là thỏa thuận trao tay, kể cả phí lẫn lãi. Các thanh tra, giám sát viên của SSC dù có phối hợp với cả VDS – Trung tâm lưu ký đi nữa, cũng khó phát hiện được. Mà có phát hiện được cũng chỉ là “phạt nguội”, chưa kể rất khó thuyết phục thị trường nếu không có “tang chứng vật chứng. Ngay cả khi các “lái tàu” hoặc những tay chơi bán khống bị “nợ đìa” không trả nổi, “bùng” khỏi thị trường, sự việc vỡ lỡ thì những “đội bạn” cho vay chứng khoán bán không thường cũng im hơi lặng tiếng, sợ “lạy ông tôi ở bụi này”.

Với những NĐT cá nhân, quyết định cấm bán khống có thể là một hình thức “chặn cửa” khiến họ tạm thời mất cơ hội sinh lợi lớn. Nhiều NĐT cho rằng họ vẫn sẵn sàng chịu thiệt nếu vì thế sự minh bạch trên thị trường tăng lên. Nhưng về cơ bản, với viễn cảnh cấm bán khống có hạn chế hoạt động của các hội, nhóm, đội lái” rất mù mờ như hiện nay, NĐT vẫn lấy làm ấm ức. Theo những NĐT này, rất khó để có thể “triệt tiêu” cấm bán không trên thị trường. Bằng chứng là nhiều CTCK đang đứng trong top đầu bảng xếp hạng thị phần môi giới của các CTCK trên HoSE và HNX trong 2 quý đầu năm 2012, vẫn thực thi chính sách bán không để cạnh tranh thu hút khách hàng. “Nhiều CTCK niêm yết còn thực hiện chính sách cho vay cổ phiếu bán khống bao gồm cả cổ phiếu của Cty mình” - ông Nguyễn Hoàng, NĐT chứng khoán cho biết.

Như vậy, một khi các CTCK đã và vẫn đang “đi đêm” với hoạt động bán khống, việc SSC ra lệnh cấm trong tức thời, và có thể đạt đến mục tiêu tăng tính minh bạch, cũng như bảo đảm an toàn cho thị trường khỏi những nguy cơ hai mặt của nghiệp vụ này, có lẽ câu chuyện sẽ không chỉ nằm ở lệnh cấm, chế tài và các án phạt. NĐT vẫn đang chờ đợi những chính sách thuyết phục, với các hướng dẫn về giới hạn, hạn mức phạt, chế tài... một cách rõ ràng hơn; cũng như, chờ đợi sự “sáng suốt” của cơ quan quản lý trong việc đề ra các chính sách có ý nghĩa động lực dài hạn cho thị trường chứng khoán.

Ông Nguyễn Hải Thanh - Chủ tịch Stocks&Friends (Chứng khoán và những người bạn):

TTCKVN thường phổ biến 2 loại bán khống: Bán khống có hàng và bán khống không có hàng. Về bản chất đã gọi là bán khống, nghĩa là là không có hàng mà bán ra. Nhưng trên thực tế ở VN việc này diễn ra chủ yếu theo cách thức người A vay hàng của người B trước để bán và sẽ trả lại sau cho người B, thì ta nên gọi chính xác là chứng khoán bán trước. Việc cấm bán khống “toàn phần” của cơ quan quản lý vừa qua, có thể sẽ chưa sát sao với thực tiễn thị trường. Vì sẽ có nhiều tổ chức, CTCK, NĐT lớn vẫn tiếp tục thực hiện bán khống dưới những biến tướng khác. Trong khi đó, bán khống, hiểu theo nghĩa tích cực, vẫn có tác động nâng đỡ thị trường không lao dốc mạnh khi nhiều NĐT thực hiện ra chốt lời sẽ có động cơ để mua vào tiếp theo, hoặc NĐT bán ra để kỳ vọng đầu cơ chứng khoán giá giảm. Việc cấm bán khống, nếu có hiệu dụng, sẽ chỉ nên thực thi khi cơ quan quản lý có đủ thời gian xác định các phạm vi, hình thức, giới hạn bán khống; đặc biệt có đủ năng để giám sát hoạt động bán khống hàng ảo mang tính cá cược như đã nêu. Việc bán khống hàng ảo theo đó nên được cấm hoàn toàn để tránh sự biến động của giá trị tiền thật, trên dòng tài sản ảo, gây nên những bất ổn khó lường cho toàn thị trường.


Lê Mỹ

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Chậm đăng ký công ty đại chúng, Petrolimex bị phạt (20/09/2012)

>   20/09: Bản tin 20 giờ qua (20/09/2012)

>   Ai giám sát thị trường chứng khoán?! (19/09/2012)

>   Nhiều "sếp" bị giải chấp cổ phiếu (19/09/2012)

>   Dấu hỏi về hiện tượng DHI tăng trần liên tiếp (19/09/2012)

>   Khi thanh tra đóng vai... NĐT chứng khoán (19/09/2012)

>   19/09: Bản tin 20 giờ qua (19/09/2012)

>   ITA vào diện cảnh báo kể từ ngày 20/09 (18/09/2012)

>   Phiên 18/09: Ai đã kịp “thoát hàng” cổ phiếu ACB và EIB? (18/09/2012)

>   Chứng khoán ACBS bị phạt 70 triệu đồng (17/09/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật