Bước "đột phá" mới của ECB để giải cứu Eurozone
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố sẽ mua lại không giới hạn trái phiếu của một số nước đang gặp nhiều khó khăn tài chính như Tây Ban Nha, Italy.
Đây được coi là "vũ khí mới" mà ngân hàng này sử dụng để giải cứu Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) và đồng tiền chung châu Âu.
Cho dù vẫn còn có ý kiến phản đối, nhưng hầu hết giới chuyên gia đều cho rằng đó là quyết định mang tính bước ngoặt lớn nhất của ECB kể từ khi thành lập.
Một quyết định đầy khó khăn
Suốt một năm qua, ECB đã để cho sự hỗn loạn trên thị trường trái phiếu ngăn cản việc thực hiện chính sách tiền tệ của mình.
Giờ đây, thể chế tài chính này đã phải đưa ra chương trình mới có tên gọi "Giao dịch tiền tệ công khai" (OMT), tiếp nối Chương trình thị trường chứng khoán (SMP), được khởi động từ tháng 5/2010, khi cuộc khủng hoảng nợ công bùng lên ở Hy Lạp, nhưng đã bị tạm dừng được từ tháng Bảy năm nay.
Lý do là SMP không đủ khả năng giúp châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ công vì bị giới hạn về thời gian và khối lượng giao dịch.
Chủ tịch ECB Mario Draghi tuyên bố rằng cần phải thực hiện OMT do các biến động nghiêm trọng trên thị trường trái phiếu, xuất phát từ những lo ngại không có cơ sở từ phía các nhà đầu tư về khả năng chuyển đổi của đồng euro.
Trên cơ sở đó, ECB có thể mua trái phiếu chính phủ với khối lượng lớn và thời gian đáo hạn từ một đến ba năm.
Tuy nhiên, ECB đề ra những điều kiện chặt chẽ khi tiến hành mua lại trái phiếu: Chương trình này chỉ áp dụng đối với những nước đã từng phải nhờ đến sự trợ giúp của Quỹ ổn định tài chính châu Âu hoặc của Cơ chế Bình ổn châu Âu.
Chẳng hạn, cho đến nay, Tây Ban Nha tỏ ra dè dặt trong việc kêu gọi châu Âu hỗ trợ tài chính, song để được hưởng chương trình OMT, trước hết Madrid phải chính thức đề nghị Brussels giúp đỡ.
Các nhà lãnh đạo châu Âu và các nước thành viên EU đã hoan nghênh quyết sách mới của ECB.
Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Francois Hollande, trong cuộc hội đàm tại London, cho rằng ECB đã hành động đúng với nhiệm vụ được giao là "bảo vệ tăng trưởng ở châu Âu. Động thái của ECB không chỉ quan trọng đối với các nước Eurozone, mà còn cả một nước đứng ngoài Eurozone như Anh."
Từ Italy, Thủ tướng Mario Monti đã gọi đó là một bước tiến quan trọng đối với Eurozone. Theo ông Monti, chi phí vay mượn tăng cao không còn là vấn đề của riêng Italy, mà là mối đe dọa toàn khối Eurozone.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đồng tình với ECB và nói rằng sẽ ủng hộ ECB trong khả năng của mình. Tổng Giám đốc IMF Christine Largade khẳng định thể chế tài chính đa phương này sẵn sàng tham gia vào quá trình hoạch định và giám sát việc thực hiện kế hoạch đó.
Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) vẫn giữ quan điểm phản đối như trước đây với lý do mua lại trái phiếu chẳng khác nào tài trợ cho Chính phủ các nước bằng cách in thêm tiền.
Trong thông cáo của mình, Bundesbank đã nhắc lại lập trường mà theo đó nếu chương trình dẫn đến việc các nước đẩy lùi thời điểm thực hiện các cải cách cần thiết thì điều này sẽ lại làm mất lòng tin về khả năng của giới lãnh đạo chính trị trong việc giải quyết khủng hoảng.
Còn Thủ tướng Đức Angela Merkel, dù thừa nhận là ECB hành động một cách độc lập và trong khuôn khổ quy chế của ngân hàng này, song cũng nêu rõ Berlin không ủng hộ việc mua nợ công.
Theo các chuyên gia tài chính, ban đầu ECB thành lập nhằm bảo vệ sự ổn định của đồng euro và không chịu sự kiểm soát của bất cứ một thể chế nào.
Để đảm bảo đúng tôn chỉ mục đích, ECB bị cấm in tiền để tài trợ cho thâm hụt ngân sách và nợ công ở các nước thành viên EU. Do đó quyết định mới của ECB được hiểu là in tiền để giải quyết thâm hụt ngân sách và nợ công của các nước thành viên.
ECB lập luận rằng nếu không làm như thế, các nước thành viên trong Eurozone sẽ bị vỡ nợ, kéo theo sự sụp đổ của đồng euro. Khi đó ECB chẳng còn lý do gì để tồn tại.
Các thành viên được cứu chưa thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ bởi ECB, IMF và EU đặt ra nhiều điều kiện ngặt nghèo.
Bằng quyết định mua trái phiếu ECB chuyển từ mục tiêu bảo vệ sự ổn định sang duy trì sự sống của đồng euro bằng mọi giá. Theo các chuyên gia tiền tệ, đó là quyết định về chính trị chứ không phải tài chính.
Thách thức đối với OMT
Mặc dù hành động của ECB dường như là cách tốt nhất để chấm dứt cuộc khủng hoảng đã bắt đầu từ năm 2010, nhưng ngân hàng này cũng làm tăng độ rủi ro đáng kể của các chính phủ thành viên.
Theo chương trình OMT, ECB có thể thay thế các luồng ngoại tệ rút ra từ các thị trường trái phiếu chính phủ thông qua việc mua trực tiếp, đặt Tây Ban Nha (nước đang nợ nần chồng chất) ngang hàng với các nước ngoài Eurozone như Anh.
Nếu ECB không muốn mua khối lượng không hạn chế những trái phiếu chính phủ để đạt được mục tiêu giảm thiểu nguy cơ tái thay đổi mệnh giá đồng euro, Eurozone sẽ tiếp tục phải chịu sức ép của nguồn tài trợ bên trong.
Chương trình OMT đang phá vỡ chu kỳ thanh khoản, bắt nguồn từ việc "thiếu kinh niên" tài sản thế chấp ngân hàng và một cơ chế chuyển giao tài chính hạn chế.
Nói một cách rộng hơn, công cụ cho vay thanh khoản của ECB là một phương tiện gián tiếp của tiền tệ hóa nợ công.
Đây là cách ít trực tiếp hơn để giải quyết phần nợ tư nhân có liên quan. Nhưng mọi việc có thể xấu đi. ECB đang "câu giờ", nhưng ngân hàng này cũng làm tăng rủi ro.
Tín nhiệm cam kết của ECB đang phụ thuộc vào việc họ sẽ mua số lượng không hạn chế trái phiếu chính phủ của các nước cam kết cải cách và không mua trái phiếu của những nước không thực hiện điều kiện trên.
Tuy nhiên, cam kết trên của ECB đang cung cấp "bữa trưa miễn phí" cho các nhà đầu tư và các chính phủ.
Sau cùng, nếu các thị trường thực sự tin rằng ECB sẽ không hỗ trợ những chính phủ không chịu cải cách, các nhà đầu tư sẽ rời bỏ các thành viên Eurozone ngay từ dấu hiệu đầu tiên cho thấy họ không thể đáp ứng điều kiện.
Chương trình OMT sẽ giúp nới lỏng các điều kiện tín dụng, nhưng không đảo ngược được sự phân chia tài chính trong Eurozone, đã diễn ra trong 3 năm qua.
Việc đảo ngược tiến trình này chỉ có thể diễn ra nếu EU đạt được ba thành tố chủ yếu của một liên minh ngân hàng là cơ chế giám sát chung, bảo hiểm tiền gửi chung và một quỹ giải quyết chung.
Dù có OMT, Eurozone vẫn dễ gặp khó khăn về tài chính một khi sức tăng trưởng kinh tế của các nền kinh tế ngoại vi vẫn yếu.
Trong thời gian trước mắt, OMT có thể khiến các thị trường tài chính dễ thở hơn. Nhưng thách thức hiện hữu là thỏa thuận chính trị về những thành tố chủ chốt của một liên minh ngân hàng và tài chính, chỉ mới bắt đầu. Nếu không đáp ứng được, sự phân chia tài chính của Eurozone cuối cùng sẽ lại xảy ra./.
Hoàng Hà
vietnam+
|