Bất ổn trong giám sát giá xăng
Tổ giám sát giá xăng dầu liên ngành vừa thẩm định - đề xuất mức giá vừa giám sát giá như thể vừa đá bóng vừa thổi còi.
Trong cơ chế điều hành giá xăng dầu, cùng song hành giúp việc, tham mưu cho Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu (tổ giám sát).
Điều hành giá kiêm giám sát giá
Ngay sau khi Nghị định 84/2009 về kinh doanh xăng dầu ra đời, Bộ Tài chính có quyết định thành lập Tổ giám sát liên ngành về xăng dầu. Ngày 23-11-2011, Bộ Tài chính tiếp tục ban hành quy chế làm việc của tổ giám sát.
Tổ trưởng tổ giám sát do cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) đảm nhận; phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) làm tổ phó; các thành viên là phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh và một số thành viên thuộc Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.
Tổ giám sát có nhiệm vụ giúp lãnh đạo liên bộ tiếp nhận hồ sơ đề xuất về giá xăng dầu của các DN đầu mối. Kể từ khi nhận được hồ sơ, chậm nhất sau ba ngày, tổ trưởng tổng hợp ý kiến của các thành viên để xem xét, đề xuất báo cáo mức giá với lãnh đạo liên bộ. Trường hợp phát hiện giá DN đề xuất không hợp lý, tổ giám sát sẽ thông báo bằng văn bản gửi DN yêu cầu phải bán với giá hợp lý.
Ngoài ra, khi các yếu tố cấu thành giá biến động làm cho giá cơ sở tăng (hoặc giảm) trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành hoặc việc điều chỉnh giá xăng dầu có tác động bất lợi, tổ giám sát phải kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá.
Như vậy, vai trò của tổ giám sát này có ý nghĩa quyết định đến chỉ đạo của lãnh đạo liên bộ trong việc điều hành giá xăng dầu. Đặc biệt hơn, dù DN đầu mối được trao quyền tự quyết về giá nhưng tổ giám sát có thể can thiệp trực tiếp làm thay đổi các quyết định tăng, giảm giá bán lẻ xăng dầu.
Giá, thuế thiếu tính chia sẻ
Chỉ khoảng hai tháng sau khi trao quyền định giá xăng cho DN từ 29-6 đến nay, thị trường phải chứng kiến đến năm lần điều chỉnh giá. Trong đó, chỉ duy nhất một lần DN giảm giá, còn lại là bốn lần tăng giá. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã có sáu lần tăng với tổng mức tăng là 5.400 đồng/lít đối với xăng và 3.150 đồng/lít đối với dầu diesel. Chỉ riêng trong tháng 8, giá xăng tăng tới 11%, còn giá dầu diesel tăng trên 7%.
Trước đó, ngay sau khi được trao quyền định giá thì hầu hết DN đều tuyên bố sẽ công khai con số từng chi phí cụ thể của giá xăng để người dân biết nhưng thực tế đến nay vẫn chưa thấy DN nào đả động đến. Phải chăng do thông tin từ bộ này đưa ra đã được hợp lý rồi?
Trong khi đó, dưới góc độ tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải VN cho biết giá xăng dầu chi phối rất lớn đến giá cước vận tải. “Cơ quan quản lý không có sự linh hoạt để cân đối quyền lợi. Mức thuế, phí thu trên 1 lít xăng Bộ Tài chính áp dụng chiếm tỉ lệ cao trong giá bán lẻ thế nhưng sự điều hành giá, thuế, phí lại không hợp lý”. Ông Hùng dẫn chứng: Đợt điều chỉnh thuế nhập khẩu ngày 9-6, liên bộ Tài chính đã quyết định tăng thuế nhập khẩu lên 5% đối với dầu diesel, dầu hỏa và trích thêm quỹ bình ổn 100 đồng/lít đối với xăng, thay vì thời điểm ấy cần giảm giá để bớt khó khăn. Thêm nữa, trong tháng 8 giá xăng dầu thế giới tăng liên tiếp thì Bộ lại không chịu hạ thuế, hạn chế mức giá tăng cao để chia sẻ với người dân và DN.
Trao đổi với báo giới ngày 31-8, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết năm nay nguồn thu ngân sách sẽ không ảnh hưởng bởi thuế nhập khẩu xăng dầu. Ý kiến này trái ngược với quan điểm của Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Tiến Thỏa ngày 28-8. Cục trưởng nói: Sở dĩ Bộ Tài chính chưa giảm thuế bởi hiện nguồn thu thuế đang mất cân đối do chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho đối tượng DN khác.
Tính độc lập giám sát ở đâu?
Sự bất cập trong điều hành giá xăng dầu được cán bộ kinh doanh của một DN đầu mối phân tích: Bộ Tài chính giao quyền tự quyết giá cho DN nhưng bản chất không có gì khác so với trước đây. “Đáng ra nhiệm vụ của tổ giám sát là xem xét mức tính toán của DN có hợp lý hay không và tính đến phương án thuế rồi để tự DN cân đối giá bán. Cách làm hiện nay của tổ giám sát là vừa áp đặt cơ chế xin-cho lại vừa giám sát cơ chế đó. Cách làm này có đúng với cơ chế thị trường minh bạch hay không?” - vị này đặt vấn đề.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM , ông Hoàng Thọ Xuân, nguyên Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), cho biết: Cơ chế quyết định giá và cách tính giá cơ sở trong tổ giám sát phần lớn phụ thuộc vào Cục Quản lý Giá, Bộ Công Thương chỉ làm nhiệm vụ đưa ra ý kiến thảo luận để tạo sự đồng thuận. “Phương án biểu quyết cuối cùng trong cuộc họp của tổ giám sát thường do Cục Quản lý Giá. Trong các cuộc họp thường không có các DN xăng dầu tham gia, trừ phi cơ quan quản lý yêu cầu tính toán thêm thì DN có nghĩa vụ báo cáo” - ông Xuân nói.
Là một người từng được mời tham dự một số cuộc họp của tổ giám sát, TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính), nhận định: “Trong các cuộc họp, các thành viên tổ giám sát chủ yếu dựa trên kết quả báo cáo của DN đầu mối. Tính độc lập trong giám sát chưa phát huy hết, tính phản biện trong thảo luận chưa cao, còn dựa trên tính toán một chiều từ DN. Các thành viên tổ giám sát được cử ra chỉ từ cơ quan quản lý giá, vừa làm nhiệm vụ thẩm định vừa giám sát thì liệu có khách quan hay không?” - ông Long băn khoăn.
Điều đáng nói là các mức giá đều đã được tổ giám sát giá thông qua. Nếu tổ giám sát là cơ quan điều hành giá, đưa ra sự đồng thuận về mức giá mà DN đưa ra và giờ lại giám sát mức giá đó thì vô hình trung mức giá đó đã là hợp lý rồi. Như vậy, Cục Quản lý cạnh tranh đâu còn có thể điều tra được gì nữa? DN cũng chẳng cần phải có động thái giải thích hay giải trình thêm với người tiêu dùng.
Một chuyên gia về Luật Cạnh tranh
TRÀ PHƯƠNG - MAI PHƯƠNG
Pháp luật TPHCM
|