Xung quanh câu chuyện đại lý xăng dầu than... lỗ
Thời gian qua, giá xăng liên tục được điều chỉnh tăng. Chưa hết tháng 8, xăng được điều chỉnh tăng giá 2 lần chỉ cách nhau 10 ngày.
Tuy tăng giá xăng nhưng, sau lần tăng giá gần nhất hôm 13/8, lần đầu tiên, cơ quan quản lý thị trường có tuyên bố trực diện về trách nhiệm của các đơn vị cung ứng xăng dầu đầu mối thay vì đổ lỗi toàn bộ cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu... Không chỉ tố tổng đại lý không cung cấp hàng, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu còn liên tục kêu lỗ, kinh doanh khó khăn do chiết khấu hoa hồng quá thấp. Xung quanh câu chuyện này cũng có không ít những ý kiến trái chiều.
Đại diện một đại lý bán lẻ xăng dầu nằm trên trục đường Km6, Đại Lộ Thăng Long, Hà Nội thừa nhận cho đến năm ngoái, đại lý vẫn kinh doanh thuận lợi. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh năm nay gặp nhiều khó khăn, sản lượng sụt giảm tới 1/3. Nguyên nhân được cho là do sụt giảm lượng lớn doanh thu từ các phương tiện vận chuyển cho nhiều dự án bất động sản ngừng hoạt động khu vực quanh đó. Thậm chí, ngay cả người sử dụng phương tiện xe máy, nếu trước kia đến mua là đổ đầy bình thì nay nhiều người chỉ đổ 20.000 - 30.000 đồng/lần.
Bên cạnh đó, có không ít đại lý bán lẻ xăng dầu lại than lỗ, kinh doanh khó khăn bởi thiếu hàng do tổng đại lý không cung cấp hàng hay chiết khấu hoa hồng thấp, có khi chỉ còn 100 đến 150 đồng/lít.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Minh Phong, tại một thời điểm ngắn nhất định, đại lý có thể lỗ, nhưng vừa qua, sau khi giá xăng được điều chỉnh, chiết khấu hoa hồng cũng từ 300 đến 600 đồng/lít, đại lý không thể lỗ. Thậm chí, ông Phong cho rằng, việc đại lý kêu lỗ nhiều chỉ là cách để tạo sức ép cho tổng đại lý và cơ quan quản lý.
Chưa biết thực hư câu chuyện lỗ - lãi của đại lý bán lẻ xăng dầu ra sao. Chỉ có một thực tế mà ai cũng nhìn thấy, là mỗi lần xăng dầu rục rịch chuẩn bị tăng giá, lại xuất hiện hiện tượng nhiều cây xăng đóng cửa với muôn vàn lý do như hết hàng, mất điện…
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên trong lần kiểm tra của Chi cục quản lý thị trường Hà Nội vừa qua, một số cửa hàng đóng cửa với lý do mất điện ở huyện Quốc Oai đều có giấy thông báo mất điện của Công ty điện lực huyện và thời điểm thông báo sẽ có điện cũng đúng vào thời điểm giá xăng chính thức được điều chỉnh. Theo quy định, nếu mất điện, các cây xăng đều phải có máy phát điện dự phòng. Tuy nhiên, khi được hỏi thì máy phát điện tại các cây xăng này đều… đang hỏng.
Người tiêu dùng vẫn than phiền vì giá xăng mỗi ngày một tăng cao. Trong khi đó, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, đại lý lớn cũng như đại lý nhỏ đều than lỗ. Hoạt động kinh doanh thì vẫn diễn ra. Không biết liệu ai đang có lời?
Hằng Nga
vtv
|