Vận son trong "tháng đen"
Số liệu thống kê cho thấy thị trường chứng khoán (TTCK) tỏ ra chiều lòng giới đầu tư trong “tháng cô hồn”. Cụ thể, 11 năm qua chỉ có 4 lần thị trường giảm điểm vào tháng 7 Âm lịch, trong khi có tới 7 lần tăng điểm. Đặc biệt 8 năm gần đây, chỉ duy nhất 1 lần thị trường giảm nhẹ (0,23%), còn lại nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán toàn thủ thắng!
Hàng hiệu kéo “đuôi dài”
Với thông tin chia thưởng cổ phiếu 2:1, đầu tháng 8, cổ phiếu VNM của Vinamilk được giới đầu tư đặc biệt săn đón và có đợt tăng giá ấn tượng: 30%. Bất chấp tình hình kinh tế khó khăn, 6 tháng đầu năm, Vinamilk thông báo cả doanh thu và lợi nhuận vẫn tăng 30%.
Vài năm gần đây, Vinamilk liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, lợi nhuận đạt xấp xỉ vốn điều lệ. Cổ phiếu VNM trở thành bluechip hàng hiệu hấp dẫn nhất thị trường.
Mới đây, Công ty Chứng khoán Bản Việt đưa ra ý kiến nhận xét cổ phiếu sữa đang được giao dịch thấp hơn 32% so với các công ty cùng ngành trong khu vực dù dư địa tăng trưởng khá dồi dào. Chưa kể Vinamilk có hệ thống phân phối rộng lớn, mức tiêu thụ sữa của Việt Nam mới bằng nửa so với các quốc gia phát triển.
Nhưng có một trở ngại nhỏ khi đầu tư vào VNM là thanh khoản. “Room” 49% cho khối ngoại của cổ phiếu sữa đã hết từ lâu. Vinamilk vẫn tăng trưởng tốt nên các quỹ đầu tư không muốn bán ra.
Mới đây, khi Epsom Limited sang tên 1 triệu cổ phiếu sữa cho Deutsche Bank AG London, bên bán xin đặc cách không thông qua sàn, giá bán cao hơn giá thị trường khoảng 25%. Loại trừ thêm số cổ phiếu do cổ đông nhà nước nắm giữ, hiện nay chỉ vài phần trăm cổ phần VNM trôi nổi trên thị trường.
NĐT cá nhân mua cổ phiếu sữa cũng đa phần có tầm nhìn dài hạn, thường nói là của để dành. Vài năm qua, Vinamilk thực hiện chia thưởng khá thường xuyên. Đây là giải pháp pha loãng, hạ thấp giá cổ phiếu, tạo thêm nguồn cung cho thị trường, cải thiện thanh khoản nhằm thu hút thêm các NĐT dài hạn.
Điều dễ nhận thấy là VN-Index còn một khoảng cách rất xa so với đỉnh 480 điểm vào tháng 4, nhưng hiện tại, nhiều cổ phiếu “hàng hiệu” đã vượt hoặc tiệm cận mức giá ở đỉnh gần nhất. Không chỉ VNM, dòng tiền thông minh đang hướng đến một cách có chọn lọc cổ phiếu của những công ty có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm vượt trội, như: Đạm Phú Mỹ (DPM), PV Gas (GAS), Nhựa Bình Minh (BMP)...
Bên cạnh đó, dòng tiền đầu cơ cũng ráo riết hoạt động thoắt ẩn thoắt hiện, bất ngờ len lỏi đến nhiều cổ phiếu nhỏ. Miễn nhiễm với thông tin thua lỗ và bê bối trong quá khứ được phanh phui, vài tuần giao dịch gần đây cổ phiếu SBS của Công ty Chứng khoán Sacombank vẫn tăng giá 50%.
Hậu “tin vịt” sáp nhập với Vinamilk, chỉ trong vòng một tháng qua, cổ phiếu VPK của Công ty CP Bao bì Thực vật vẫn được giới đầu cơ tiếp tục đẩy giá tăng gấp đôi.
Lãi nhẹ sau nhiều quý thua lỗ liên tiếp, cổ phiếu IFS của Interfood lùi lũi đi lên. Nhiều phiên cổ phiếu này được kéo lên tăng trần với một lô khớp lệnh tối tiểu và hiện đã tăng giá gấp bốn lần so với cách đây hai tháng.
Quan sát sự vận động của dòng tiền kể từ khi hai chỉ số chứng khoán chớm có dấu hiệu mỏi mệt, ông Phan Dũng Khánh, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Kim Eng, đưa ra nhận xét: “Mặc dù 4 tháng qua, thị trường bước vào giai đoạn điều chỉnh, nhưng giá trị giao dịch trung bình vẫn cao hơn 50% so với con số trung bình của năm ngoái. So sánh với các kênh đầu tư khác, từ đầu năm đến nay, chứng khoán vẫn đang là kênh đầu tư đáng để xem xét nhất khi vàng đứng giá, lãi tiền gửi giảm xuống mức một con số, thị trường bất động sản vẫn trầm lắng. Khi cả dòng tiền đầu tư và đầu cơ còn tiếp tục ở thị trường thì có thể dự báo thị trường sẽ phục hồi hoặc đi ngang trong 4 tháng còn lại của năm 2012”.
Sóng dồn sóng
Ông Nguyễn Sỹ Hà, chuyên viên phân tích kỹ thuật của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HCM), nhận định, tháng 8 thông thường là thời điểm bắt đầu một chu kỳ mới của thị trường. Đồng thời vào “tháng cô hồn”, diễn biến thị trường lại khá khả quan, trái ngược hoàn toàn với quan điểm duy tâm trong kinh doanh.
Chuyên viên phân tích của HSC cho biết, nhiều chỉ báo kỹ thuật và dòng tiền đang củng cố cho quan điểm thị trường có thể bước vào xu thế đảo chiều.
“60% khả năng thị trường sẽ tăng điểm” là đánh giá của ông Fiachra Mac Cana, Giám đốc Phân tích HCM. Một loạt các thông tin kém tích cực gần đây đã xuất hiện nhưng VN-Index vẫn trụ vững cho thấy cổ phiếu đã miễn nhiễm với tin xấu và phản ánh vào giá - dấu hiệu thị trường ở đáy.
Bên cạnh đó, gần đây, áp lực bán ròng của NĐT nước ngoài đã giảm và có dấu hiệu các định chế tài chính bắt đầu giải ngân trở lại vào thị trường. Ông Mac Cana đánh giá, thời gian tới, thị trường sẽ hưởng ứng với một số thông tin tích cực như kế hoạch giải quyết nợ xấu khối ngân hàng và khả năng trần lãi suất huy động giảm thêm 1%.
“Chiến lược giao dịch hiệu quả là tập trung vào các cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt hoặc các đón đầu các câu chuyện nóng về chia thưởng như Vinamilk”, ông Mac Cana nêu khuyến nghị.
Tuy nhiên, chuyên gia của HSC đánh giá mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2012 chỉ vào khoảng trên dưới 5% và nền kinh tế chưa thể phục hồi mạnh trước năm 2013. Một đợt tăng giá dài của TTCK bao giờ cũng cần chống lưng bởi các yếu tố cơ bản.
Chính vì vậy, ông dự báo khi bức tranh vĩ mô chưa có các chuyển biến mang tính đột phá thì chứng khoán được kỳ vọng đi lên chậm, chắc chắn nhưng các nhóm cổ phiếu sẽ có thể thay phiên nhau “tạo sóng” khi dòng tiền dịch chuyển.
Gia Khôi
Doanh nhân sài gòn
|