Cây gậy và củ cà rốt
“Tài cao, phận thấp, chí khí uất. Giang hồ mê chơi, quên quê hương”.
Ở Thung lũng Yên Hòa có một bầy thỏ. Dưới sự quản lý của vua thỏ, cả bầy ngoài lúc kiếm mồi thì nhảy múa hát ca, thơ họa hò vè. Cuộc sống khoái hoạt lắm. Nhưng số lương thực kiếm về ngày một ít. Vua thỏ nhận ra là một số thỏ trở nên lười biếng.
Số thỏ chăm cho rằng làm nhiều làm ít cũng như nhau, vậy nỗ lực để làm gì? Thế là vua thỏ quyết tâm thay đổi, tuyên bố thỏ nào biểu hiện tích cực sẽ được thưởng cà rốt.
Việc một chú thỏ xám được ban thưởng củ cà rốt đầu tiên làm dậy sóng trong bầy thỏ, nhưng tác động lại ngược chiều. Mấy lão thỏ tìm vua kể lể tội lỗi của chú thỏ xám. Vua thỏ nói:
- Ta nhận thấy thỏ xám làm việc không tồi. Nếu các anh cũng có “biểu hiện” tích cực như thỏ xám thì tự nhiên sẽ được khen thưởng.
Thế là bầy thỏ phát hiện ra bí quyết để được khen. Cả bọn cho rằng: chỉ cần giỏi "thể hiện" trước vua là được nhận cà rốt. Dần dà, phong cách làm việc đóng kịch nổi lên.
Để loại bỏ thói làm ăn gian dối, nhờ sự giúp đỡ của nhóm thỏ trọng thần, vua thỏ ban bố quy định khen thưởng. Theo đó, thực phẩm bọn thỏ đem về đều phải qua nghiệm thu, sau đó căn cứ vào số lượng mà thưởng.
Cả bọn lúc đầu hăng hái lắm, nhưng khi nguồn cà rốt trong thung cạn kiệt, chẳng mấy kẻ chịu đi xa tìm nguồn thức ăn mới. Một chú thỏ trắng tai dài chỉ trích vua thỏ chỉ biết đến số lượng, dung dưỡng thói ăn xổi ở thì, không có tầm nhìn bền vững.
Vua thỏ thấy có lý nên lao tâm khổ tứ suy nghĩ. Một hôm, có chú thỏ xám không hoàn thành nhiệm vụ, thỏ bông bạn chú liền bớt phần mình giúp thỏ xám. Vua thỏ nghe chuyện, khen ngợi không ngớt và thưởng gấp đôi cho thỏ bông. Lệ mới mở ra, phong trào "đóng kịch" lại nổi lên. Những chú thỏ không biết cách làm hài lòng vua thì tìm đến kêu khóc làm vua thỏ đứng ngồi không yên. Có con nói:
- Tôi làm việc rất tích cực, hoá ra thu nhập lại ít hơn trước, thật không công bằng!
Một thời gian sau, tình hình càng gay cấn, nếu không thưởng hậu thì không ai còn muốn làm việc. Thế nhưng không ai làm việc thì lấy đâu ra mà thưởng? Vua thỏ không chịu nổi, phải chỉ dụ, thỏ nào tình nguyện cống hiến cho cả bầy sẽ được thưởng một giỏ cà rốt đầy. Vua thỏ nghĩ, thưởng hậu tất sẽ có thỏ giỏi.
Nào ngờ số thỏ này vẫn không hoàn thành nhiệm vụ. Vua thỏ giận dữ tới trách móc chúng. Bọn thỏ đều trả lời như nhau:
- Xin đừng trách chúng tôi. Khi trong tay đã có cà rốt, ai còn muốn đi làm nữa?
Vua thỏ bực lắm định trừ bổng lộc của cả đàn, nhưng nhìn quanh toàn thấy con cháu với chiến hữu vào sinh ra tử, nên lại chần chừ. Thấy chủ khó nghĩ, có gã quân sư ghé vào tai vua thỏ thầm thì: thế này, thế này…
Thế rồi một ngày đẹp trời, vua thỏ thoái vị. Trong chiếu nhường ngôi có đoạn thế này: “Trẫm từ ngày nhận thiên mệnh cai quản vương quốc thỏ chớp mắt đã già 20 niên kỷ. Kể ra thì nhiệt huyết vẫn tràn đầy, nhưng bên dưới nhiều kẻ đã mất động lực phấn đấu. Xét ra cũng bởi tại trẫm ra ân quá nhiều mà dùng uy lại ít. Đó cũng là cái biểu hiện của bệnh già vậy. Nay trong hoàng tộc, trẫm chọn ra một hổ tướng để nhường ngôi. Các ngươi phải theo phò vua mới, chớ có hai lòng làm phụ bụng trẫm”.
Chiếu thư là một chuyện, nhưng vốn tính lo xa, vua thỏ vẫn che rèm nhiếp chính, tự xưng là thái thượng hoàng. Rồi ban đầu lại mời một trọng thần tạm xử lý công việc triều chính, dù hoàng thái tử thỏ khi lên 3 đã mơ 4 tuổi sẽ làm chúa tể rừng xanh. Cũng là có ý chí ngất trời vậy!
Khi vua mới đăng cơ, cả vương quốc nháo nhác vì quân lệnh ban ra. Đàn thỏ nào một ngày không kiếm được cà rốt: rà soát toàn diện; hai ngày vẫn trắng tay: can thiệp toàn diện; 3 ngày vẫn thế: thỏ đầu đàn mất chức… Tân vương ra khẩu dụ: “Vương quốc thỏ đã mất quá nhiều thời gian để ca hát thành tựu, thay vì bắt tay vào làm việc”.
Vua trẻ, máu nóng sục sôi. Nguyên tắc là gậy đi trước, cà rốt theo sau… Giải pháp là dẫn cả đàn chạy thật nhanh. Thỏ nào chậm chân tụt lại thì cho tuột xích. Thậm chí, hay thở (than) lung tung cũng bị cho là “vật cản” ý chí cả đàn...
Nhưng chả hiểu có phải là điềm giời hay không mà khi giao lại quyền chấp chính cho hoàng thái tử, vị trọng thần, thay vì tặng cà rốt thì lại biếu một tảng đá đặt trong lồng kính. Người ta đồn đoán là nó nhiều thâm ý lắm. Ngôi vua thì nặng tựa thái sơn mà… Chỉ biết rằng, sau thời trăng mật thì trời không chiều lòng người. Thời tiết thất thường khiến năng suất cà rốt ngày càng kém.
Kế sách bá đạo của vua thỏ cũng dần mất tác dụng vì nhiều kẻ sợ quá hóa bực. Tiếng kêu ca oán thán vang khắp hang cùng ngõ hẻm. Chuyện trong chuyện ngoài khiến vua trẻ đông sức cũng cáo ốm du Tây chữa trị.
Ấy thế mà nào đã xong. Hết đồn nọ đoán kia. Nào là không săn được thỏ thì phải diệt cả chó săn, nào là thích dùng gậy thì gậy ông đập lưng ông. Kẻ mê tín còn bảo, hay là vua thỏ năm nay năm xung, muốn đi nghỉ để tránh hai tháng… cô hồn.
Nhưng người lạc quan lại hy vọng, biết đâu vua thỏ du Tây điều nghiên, xem nuôi con gì trồng cây gì. Có khi chọn giống chọn má tốt, cà rốt to bằng cái phích thì sao… Cũng mong thế lắm lắm, vì rừng rú dạo này đã quá tiêu điều như có bão lớn quét qua. Toàn cỡ cổ thụ ngã như ngả rạ. Nhiều vị đang đeo đá trong lòng vì nỗi lo “khi nào kiểm lâm, tuần rừng ghé nhà”…
Nói đến đá mới nhớ, vị trọng thần tặng đá dạo nào hình như đã cáo lão về quê. Ngày ngày khi chén rượu, lúc cuộc cờ nhàn tản lắm. Đến lúc ngâm ngợi đón trăng thì giọng mới có phần u uất:
“Tài cao, phận thấp, chí khí uất
Giang hồ mê chơi, quên quê hương”
Con cháu có gặng hỏi cũng chả nói gì. Lát sau chỉ lẩm bẩm một mình: cà rốt, cây gậy, cây gậy, cà rốt…
Phí Trọng Hiếu
đầu tư chứng khoán
|