Mơ hồ nhà đầu tư của Chính phủ
Nếu như ở Singapore, Temasek, NĐT tư của Chính phủ được tách bạch khỏi nghĩa vụ đầu tư công ích thì ở Việt Nam lại chưa có quy định nào rõ ràng.
Kết luận của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đối với việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tại CTCP Bảo vệ Thực vật An Giang (AGPPS - AnGiang), đồng thời xem xét việc chuyển quyền quản lý phần vốn nhà nước do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp này về UBND tỉnh An Giang khiến câu chuyện bấy lâu nay về vai trò của SCIC lại được giới đầu tư quan tâm.
AGPPS có vốn điều lệ 600 tỷ đồng, là doanh nghiệp thuộc nhóm kinh doanh hiệu quả trong danh mục của SCIC. Bất đồng về các dự án đầu tư lớn, trong đó có đầu tư mạnh cho lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu gạo với chương trình cánh đồng mẫu lớn đã dẫn đến sự phản ứng quyết liệt của nhóm cổ đông nước ngoài gồm VinaCapital, Vietnam Holding, Duxton, chiếm tỷ lệ sở hữu 37% cổ phần. Nhóm nhà đầu tư đã bỏ phiếu phủ quyết mọi vấn đề trong đại hội cổ đông thường niên 2012 của AGPPS.
Một lý do được nhóm cổ đông nước ngoài chia sẻ là đầu tư cho lúa gạo không phải ngành nghề kinh doanh chính của AGPPS. Doanh nghiệp mới đầu tư 3/12 nhà máy, hoạt động hơn 1 năm mà đã lỗ từ hoạt động này hàng chục tỷ đồng. Là những nhà đầu tư tài chính, điều họ quan tâm số một là lợi nhuận. Với chính quyền địa phương là tỉnh An Giang, dự án hướng đến quyền lợi của người nông dân nên được quan tâm đặc biệt và cũng được ủng hộ đặc biệt. Nếu là nhà đầu tư, với UBND tỉnh An Giang, yếu tố lợi nhuận không phải là điều kiện tiên quyết khi xem xét dự án.Giữa 2 dòng nước, không rõ SCIC ứng xử thế nào nhưng nếu việc điều chuyển quyền quản lý vốn nhà nước tại AGPPS diễn ra, đây có phải trường hợp sẽ tạo tiền lệ. Trước đó, việc quản lý vốn nhà nước tại Vietcombank cũng đã được điều chuyển từ SCIC về Ngân hàng Nhà nước.
Thời điểm này, các tập đoàn, tổng công ty đã trình lên Chính phủ đề án tái cơ cấu, trong đó mỗi đề án đều cố gắng làm rõ chức năng và con đường họ sẽ đi. Song SCIC là một tổng công ty đặc biệt, Nghị định về hoạt động của Tổng công ty này vẫn ở dạng dự thảo sau nhiều lần chỉnh sửa. Hơn thế, câu chuyện lớn hơn khi thị trường nhìn vào động thái điều chuyển vốn “ngược” là vai trò của SCIC sẽ ra sao? Rất mơ hồ.
Tại hội thảo Đổi mới cơ chế chính sách tài chính hỗ trợ tái cơ cấu DNNN do Bộ Tài chính phối hợp với ADB tổ chức, một nội dung được Bộ Tài chính gợi ý các đại biểu tham gia ý kiến, đó là thẩm quyền đầu tư vốn. Đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh vì lợi nhuận? Vai trò của SCIC là gì? Phân công, phân cấp các tổ chức sau thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu theo quy định của Chính phủ như thế nào để đảm bảo quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và trách nhiệm của đơn vị quản lý vốn.
Nếu như ở Singapore, Temasek, nhà đầu tư của Chính phủ được tách bạch khỏi nghĩa vụ đầu tư công ích và hoạt động với tôn chỉ kiếm tìm lợi nhuận, thì ở Việt Nam, tôn chỉ hoạt động của nhà đầu tư của Chính phủ lại chưa có quy định nào rõ ràng. Các tổ chức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, do vậy cứ mỗi khi có cơ hội đối thoại với Bộ Tài chính và Chính phủ đều lặp lại đề nghị “Xin làm rõ vai trò của SCIC”.
Đầu tư chứng khoán
|