Chủ Nhật, 05/08/2012 16:13

Vẫn khó mua doanh nghiệp Việt Nam

Dù liên tục tăng trưởng và đạt được các giá trị cao trong các thương vụ, nhưng thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều trở ngại do hành lang pháp lý chưa rõ ràng, khiến cho nhiều nhà đầu tư vẫn than không dễ mua được doanh nghiệp.

Ông Đỗ Huy Dũng, Giám đốc Vietnam Investment Group, cho biết việc mua công ty ở Việt Nam hiện còn rất khó.

“Ở nước ngoài, nếu 90% cổ đông đồng ý bán, thì 10% còn lại phải bán và bên mua đi thuê nhóm độc lập để định giá, tạo công bằng cho mọi người. Trong khi đó, ở Việt Nam, nếu các cổ đông nhỏ không muốn bán thì họ cứ ngồi ỳ ra đó, không chịu bán và ép giá”, ông nói về khó khăn cho các thương vụ M&A tại thị trường Việt Nam trong một hội thảo gần đây ở TPHCM.

Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp thường định giá rất cao trong thương lượng. Cơ sở để các công ty làm việc này, thứ nhất là thương hiệu trên thị trường, và thứ hai là giá trị của các tài sản bất động sản mà họ có được.

Trong khi đó, theo ông Dũng, cách nhìn của nhà đầu tư chiến lược là khi mua công ty, họ kỳ vọng vào việc tạo ra lợi nhuận chứ không phải chuyện mua một nhà máy trên một miếng đất nào đó.

Trong rất nhiều thương vụ, bên bán thường đưa yếu tố bất động sản mà nhà máy đang tọa lạc để đưa ra mức giá cao. Cách giải quyết, theo ông Dũng, là cứ để bên bán giữ phần bất động sản, còn bên mua sẽ đi tìm thuê mặt bằng khác để khỏi phải vướng vào những tranh cãi về định giá bất động sản.

Một số thương vụ tìm nhà đầu tư chiến lược không thành của một vài ngân hàng lớn ở Việt Nam trong thời gian qua, cũng là do định giá quá cao, khiến các đối tác phải tháo chạy. Kết quả là, các ngân hàng này, sau đó đã phải bán cổ phiếu ra thị trường với mệnh giá thấp hơn so với mức giá thỏa thuận với các đối tác trước đó.

Tuy nhiên, vẫn có những thương vụ thành công và bán được với mức giá cao hơn thị trường rất nhiều. Chẳng hạn, với thương vụ nhà đầu tư Ấn Độ mua Công ty hàng tiêu dùng quốc tế (IPC), theo các chuyên gia, cũng là một thương vụ hời.

Ban đầu, IPC thuê một công ty tư vấn từ Singapore, và được đối tác này hướng dẫn các bước, cũng như tìm kiếm được một danh mục 17 khách hàng quan tâm. Điểm hai bên không nhất trí chính là giá. Trong khi nhà tư vấn môi giới đưa ra một mức giá mà họ cho là phù hợp để chào bán, ICP lại cho rằng mức giá phải cao hơn nhiều.

Sau một năm, thì đường ai nấy đi, và ICP tự mình đi tìm khách hàng. Ba vị khách lọt vào tầm ngắm đều từ nước ngoài, một ở Anh, một ở Nhật Bản, và một Ấn Độ. Cuối cùng, doanh nghiệp người Ấn đã được chọn, và theo ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc ICP, thì kể từ khi thương vụ hoàn tất, “công ty có mức tăng trưởng trưởng tốt nhất trong 5 năm vừa qua".

Hoàng Phi

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Thoái vốn vì thị phần giảm? (04/08/2012)

>   SGP sắp phát hành hơn 1.4 triệu cp thưởng tỷ lệ 5:1 (04/08/2012)

>   OPC sẽ phát hành 572,000 cp ESOP (04/08/2012)

>   Chưa ngán chứng khoán, VPBank "đổ" thêm 300 tỷ đồng vào VPBS (03/08/2012)

>   NTW: 08/08 GDKHQ mua 2 triệu cp theo tỷ lệ 3:2 với giá 10,500 đ/cp (03/08/2012)

>   DAG: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu ra công chúng (03/08/2012)

>   SHB được phát hành 405 triệu cổ phiếu để sáp nhập HBB (03/08/2012)

>   SC5 và AVF sẽ phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán ra công chúng (03/08/2012)

>   GIL: Chào bán 600,000 cổ phần cho CBCNV (02/08/2012)

>   Lotte: Cờ đã vào thế (02/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật