TTCK: Tháng 9 bình yên?
Từ đầu tháng 8 cho đến trước ngày 21-8 (thời điểm “bầu” Kiên bị bắt), TTCK đã có những diễn biến khá tích cực, VN Index tăng từ 410 điểm lên gần 440 điểm, HNX dao động trong khoảng 68-70 điểm và một số CP cũng có sóng. Thế nhưng tất cả đã bị xóa sạch kể từ sau ngày 21-8. Liệu tháng 9 TTCK có bình yên để lấy lại đà?
Thực ra trước ngày 21-8, sự tích cực chỉ diễn ra trong phạm vi hẹp, một số CP, như VNM đã tăng 1 mạch từ 8.6 lên 11.8, xấp xỉ tỷ lệ 40%; hay nhóm blue chip thuộc họ Petro như GAS, PVD, DPM đã tăng giá rất tích cực, trong khi SSI, REE hay VCB không có nhiều dấu ấn; nhóm CP tầm trung và penny chip biến động rất kém và không để lại dấu ấn.
Thông tin về việc chính thức triển khai T+3 cũng xuất hiện đã củng cố niềm tin NĐT, đến nửa đầu tháng 8 có thể nhìn ra một xu hướng thị trường có thể không tăng mạnh nhưng sẽ có sự tích cực mang tính bền vững. Nhưng sau ngày 21-8 xảy ra biến cố không thể lường trước. Cũng vì điều này, thị trường đã có những diễn biến gần như không thể dự đoán, gần nhất là phiên 24-8, khi VN Index tăng gần 7 điểm lên sát 400 điểm, nhiều người dự đoán TTCK đã hết “sốc” và có thể “cầm máu”.
Phiên 27-8, cả 2 sàn đều lao dốc mạnh nhưng những phiên gần đây có những tín hiệu khả quan hơn. Mặc dù tâm lý của NĐT lúc này có thể đã tốt hơn sau một biến cố quá lớn, những đồn đại cũng đã được hóa giải, nhưng nhìn chung yếu tố phòng thủ vẫn đang được đề cao đến mức tối đa.
Một số NĐT chuyên nghiệp cho biết, rất khó để nói rằng không có hiện tượng bán khống trong thời gian vừa qua, nhưng lưu ý những ai sử dụng “sản phẩm chui” này cũng khó lòng “ăn đậm” vì e ngại những diễn biến khó lường của thị trường.
Một minh chứng dễ thấy là vào ngày 21-8, mặc dù thị trường giảm nhưng lực bắt đáy vẫn khá mạnh, chính vì vậy nếu ai đó bán ra trong ngày này và ngày 22-8 CP vẫn tiếp tục giảm sàn, lãi được 5% là lập tức mua vào ngay. Thị trường khó khăn, lãi 5% không phải là ít trong khi rủi ro bị bên mua “đánh úp” vẫn hiện hữu nên nhiều người chấp nhận “ăn non”.
Những CP có tính chất đầu cơ không tăng ở giai đoạn đầu tháng 8, nhưng sau ngày 21-8 vẫn giảm mạnh. Từ đây, đã xuất hiện những đồn đoán về việc các CTCK giải chấp cũng như các “đội lái” bỏ chạy. Về vấn đề giải chấp, có thể nói kể từ tháng 5 đến nay thị trường diễn biến không thuận lợi, đồng thời lãi suất margin không thấp nên khó có chuyện NĐT sử dụng nhiều đòn bẩy tài chính để mua vào.
Chưa cần đến ngày 21-8, mà chỉ sau thông tin khởi tố một số nhân vật của các CTCK, thì các “đội lái” cũng đã chùn tay. Nếu các đội lái nắm trong tay một lượng hàng lớn, đủ để tác động theo ý của mình, thì việc CP giảm mạnh trong ngắn hạn không có nhiều ý nghĩa, trái lại còn là cơ hội để gia tăng sở hữu giá rẻ.
Trừ khi thấy thị trường không còn cơ hội hoặc CP đã “tệ” hết mức, các đội lái mới chọn giải pháp bán ra. Như vậy, khả năng những đội lái bỏ chạy vẫn có nhưng cũng có khả năng CP đầu cơ giảm mạnh là do các NĐT lo ngại bán ra trong khi bên mua vào chỉ chấp nhận giá sàn, đã dẫn đến việc giá CP lao dốc không phanh.
Tin xấu đã xuất hiện hết hoặc không xuất hiện thêm có thể là thị trường tạo đáy, nhưng để bật trở lại thì cần thông tin hỗ trợ. Có thể nói, sau khi đã thu được lợi nhuận từ khoảng tháng 2 đến tháng 5, nhiều NĐT đã bắt đầu “mất” trở lại trong tháng 5 và những ngày gần đây.
Việc chỉ trong thời gian rất ngắn, thiệt hại đến 15-20% có thể khiến nhiều người “sốc” và dễ thấy là tâm lý trong ngắn hạn chưa thể ổn định được. Như vậy, khi sự thận trọng đã và đang bao trùm thì thị trường sẽ khó có thể tăng một cách vững chắc.
Những phiên tăng mạnh về điểm số vẫn có thể xuất hiện, nhưng với thanh khoản không cao, khả năng chỉ có thể trụ được khoảng 2 phiên. Những ngày vừa qua, giá xăng dầu tiếp tục tăng, giá vàng ở mức cao đã khiến nhiều NĐT trên sàn chứng khoán thực sự buồn lòng.
NĐT có thể bán chứng khoán vào ngày T+3 kể từ 4-9 là yếu tố hỗ trợ khá tích cực cho thị TTCK trong tháng 9. Một trong những thuận lợi của việc thu ngắn thời gian giao dịch là NĐT sẽ giảm thiểu được rủi ro khi nắm giữ CP, đồng thời cũng bảo vệ lợi nhuận tốt hơn.
Điều này cũng có thể khiến cho dòng tiền trên thị trường xoay vòng nhanh hơn, gia tăng được thanh khoản. Có thể kỳ vọng về một sự tích cực sẽ xuất hiện giống như thời điểm TTCK bắt đầu giao dịch buổi chiều, nhưng ở đây cũng cần lưu ý rằng, trước thời điểm đó TTCK đã có diễn biến khá thuận lợi, còn hiện nay đang ở tình trạng tổn thất sau một trận “bão”.
Khi vẫn còn T+4, các “nhà cái” vẫn có thể đánh CP tăng T+2 hoặc T+3 để “hạ gục” NĐT, như vậy nếu hạ thời hạn thanh toán xuống T+3 sẽ lại có sóng T+1 hoặc T+2. Chỉ trừ khi thị trường được rút xuống T+0, sự thiệt thòi giữa NĐT không có CP so với NĐT có sẵn CP mới được xóa bỏ.
Có thể thấy được rằng, khi chưa có một động lực đủ mạnh để kéo cả thị trường cùng đi lên, trong khi NĐT cá nhân đánh T+3 vẫn không thể thắng được “nhà cái”, thì sự rụt rè sẽ lại bao trùm là điều chắc chắn.
Tháng 9 cũng là thời điểm cuối quý III, khả năng kinh doanh nói chung và hoàn thành kế hoạch năm nói riêng sẽ được hé mở, dẫn đến những động thái tạm ứng cổ tức, chia cổ tức trong thời gian vừa qua như VNM, PNJ, SMC… đã thực hiện.
Như vậy, nếu giá CP không tăng cũng có thể hình thành một mặt bằng giá rẻ để NĐT mua và yên tâm nắm giữ. Trong những ngày qua, có thể nhận thấy phần nào về sự phục hồi tại một số blue chip như GAS, DPM, VNM, VCB… nếu những CP này đủ sức “rướn” thêm khoảng 5-10% về gần mức giá trước 21-8, VN Index quay lại vùng 400-410 điểm.
Lúc này tâm lý của NĐT có thể yên tâm hơn, ngược lại nếu thị trường trong những ngày đầu tháng 9 vẫn ở dưới ngưỡng 400 điểm, có thể tháng 9 sẽ là một tháng yên bình nếu không muốn nói là buồn tẻ trên TTCK.
Thái Ca
sài gòn đầu tư tài chính
|