Cơ hội cho sự minh bạch
Kể từ khi thành lập, thị trường chứng khoán đã chứng kiến khoảng 70 phiên giá cổ phiếu đồng loạt giảm hết biên độ, trắng bảng bên mua, bất kể doanh nghiệp niêm yết tốt xấu. Giới đầu tư gọi đó là những ngày “đen tối”. Năm ngoái có tới 23 phiên như vậy. Năm nay nó bất ngờ xuất hiện với sự kiện ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt, tạo ra một điều chưa có tiền lệ.
Việc ông Kiên bị bắt có đáng để chứng khoán giảm sâu ba phiên liền, từ ngày 21 đến ngày 23-8-2012, giá trị vốn hóa thị trường giảm hơn 61.000 tỉ đồng, tương đương 3 tỉ đô la Mỹ? Chắc chắn là không! Ông Kiên, trên giấy trắng mực đen, theo thông báo của một số tổ chức tín dụng, không nắm giữ nhiều cổ phần như người ta tưởng. Ông cũng không nắm giữ chức vụ hay vị trí nào tại các ngân hàng đó. Đối với ngân hàng ACB ông là một cổ đông nhỏ.
Rõ ràng các nhà đầu tư đã phản ứng thái quá, thể hiện tâm lý đám đông – một đặc trưng phổ biến ở các thị trường cận biên.
Lẽ ra nhà đầu tư cần hiểu rằng việc bắt ông Kiên cho thấy Nhà nước đang ra tay chấn chỉnh những hoạt động kinh tế ngầm, những động thái biểu hiện của làm giá, lũng đoạn thị trường và như vậy chứng khoán có cơ hội trở nên minh bạch. Với một số ngân hàng, việc loại bỏ ảnh hưởng, nếu có, của ông Kiên ở vai trò cổ đông cũng làm cho họ trong sạch hơn và gây dựng niềm tin tốt hơn với khách hàng. Tại sao những khía cạnh tích cực ấy đã không được nhìn nhận đúng mức như nó phải có?
Chứng khoán không thể giảm mãi vì sự việc của một vài cá nhân. Khi nhà đầu tư bình tĩnh trở lại, khi sự việc lắng xuống, VN-Index phục hồi. Những nhà đầu tư theo tâm lý bầy đàn, vội vàng bán ra cổ phiếu có thể đã mất tiền. Họ là những người thiệt thòi một khi không tỉnh táo, để bị cuốn theo những đồn thổi vô căn cứ.
Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại. Đến cuối ngày giảm điểm thứ ba khi không khí bi quan lấn chiếm sự lạc quan, bất chấp sự mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới có công văn hỏa tốc gửi tới hai Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và TPHCM, yêu cầu kiểm soát các hoạt động bất thường, lợi dụng tâm lý thị trường để trục lợi, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư bình tĩnh. Đáng lẽ tiếng nói chính thức của cơ quan quản lý phải đến được nhà đầu tư ngay từ phiên giảm điểm đầu tiên trong ba phiên. Phản ứng chậm là điều không thể không thừa nhận, nhưng quan trọng hơn là những động thái để ổn định tâm lý cho nhà đầu tư vẫn chưa bắt đầu.
Chúng tôi muốn đề cập đến hiện tượng bán khống mà một số tổ chức, cá nhân có thể đã nhanh chân tận dụng để trục lợi. Khi thị trường lao dốc, bán khống là cú đánh bồi gây ra sự bán tháo với bất cứ giá nào. Rất may trước đó biên độ dao động của cả hai sàn đã không được điều chỉnh, bởi nếu không, có thể chúng ta đã phải chứng kiến mức rớt bạo hơn của VN-Index.
Phí bán khống, theo tìm hiểu của TBKTSG, đã tăng đáng kể thời gian gần đây. Mức phí phổ biến mà khách hàng tham gia bán khống phải trả khoảng 0,7%/ngày. Để đảm bảo có lời, với một cổ phiếu thị giá 10.000 đồng, người bán khống phải tìm được chênh lệch tối thiểu từ hai lai trở lên (200 đồng/cổ phiếu). Nghĩa là nếu họ bán ra ở mức giá 10.000 đồng, họ phải mua lại được ở mức 9.800 đồng mới hòa vốn.
Những tổ chức hoặc cá nhân đóng vai trò trung gian trong bán khống, để tạo được nguồn hàng cung cấp cho khách hàng, mà người ta gọi là “kho”, hiện thường trả cho những người sở hữu cổ phiếu có ý định đầu tư lâu dài, hoặc không có nhu cầu bán ra vào thời điểm hiện tại, chừng 0,5%/ngày giá trị cổ phiếu. Phí càng cao, nguồn hàng tìm được càng đa dạng, dồi dào.
UBCKNN phàn nàn rất khó phát hiện bán khống nếu không muốn nói là “nhiệm vụ bất khả thi” vì sự vay mượn không làm dịch chuyển số lượng cổ phiếu trong tài khoản nhà đầu tư. Đó là sự thật. Những đối tượng tạo nguồn hàng và kết nối khách hàng tham gia bán khống với chủ sở hữu cổ phiếu không dại gì gom cổ phiếu về một mối để “lạy ông tôi ở bụi này”, nên Trung tâm lưu ký không thể can thiệp. Thế nhưng nếu thanh tra UBCKNN chịu khó điều tra trong vai nhà đầu tư, họ sẽ tiếp cận được trung tâm câu chuyện.
Thí dụ một công ty chứng khoán cho bán khống, khách hàng không hạch toán trực tiếp với Trung tâm lưu ký. Họ hạch toán cả cục trong tài khoản tổng của công ty. Lời lỗ của khách hàng tham gia bán khống được hạch toán vào tài khoản của từng người với những khoản chuyển tiền ra, cắt tiền vào mà không có sự thay đổi cổ phiếu.
Bán khống chỉ áp dụng với những cổ phiếu thanh khoản cao, dễ dàng bán, dễ dàng mua lại. Cơ quan quản lý có thể chọn một hai mã chủ chốt nào đó, thanh khoản tốt, có ảnh hưởng đến thị trường chung và thanh, kiểm tra những tài khoản có số lượng giao dịch lớn những mã này là có thể lần ra đầu mối.
Trong ba ngày thị trường “đỏ lửa” tuần trước, những tay bán khống có thể có lời tới 10-15%. Sự đảo chiều của thị trường phiên thứ Sáu 24-8-2012 được nghi ngờ là bán khống mua lại hàng, nhất là khi thanh khoản hai sàn vượt 150 triệu cổ phiếu. Đó là “thời điểm vàng” để thanh tra chứng khoán vào cuộc.
Thị trường đang chờ phản ứng nhanh hơn nữa của cơ quan quản lý.
Hải Lý
tbktsg
|