Thị trường vốn lo gánh nền kinh tế
TS. Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, định hướng của Việt Nam là tái cấu trúc TTCK, phấn đấu tới năm 2020 đưa thị trường này trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế; hỗ trợ tích cực cho thị trường tiền tệ trong quá trình tái cơ cấu các TCTD.
Lối thoát hiểm và kỳ vọng
Khi kinh tế đình trệ, thị trường vốn là lối thoát cho nhiều quốc gia. Kinh nghiệm này được nêu lên tại Hội thảo “Phát triển thị trường vốn trong quá trình tái cơ cấu hệ thống tài chính Việt Nam”. Hội thảo do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp cùng với Cơ quan Viện trợ Ailen tại Việt Nam (Irish Aid) và Tập đoàn Quản lý tài sản Vina Capital tổ chức.
Nhật Bản, Ailen đã từng rơi vào khủng hoảng kinh tế mà nguyên nhân từ chính những dòng đầu tư quá nóng, bất cân đối và những bong bóng tài sản. Không ít người dân và DN đầu tư vào chứng khoán, BĐS, vào những tài sản tài chính khác. Bong bóng căng làm méo mó nguồn lực, kéo theo đó là khủng hoảng và suy thoái kinh tế. Để giải quyết những vấn đề của khủng hoảng và suy thoái, các nước này đã phải dùng đến khối lượng ngân sách lớn và phải bù đắp thâm hụt ngân sách bằng cách đẩy mạnh phát hành trái phiếu Chính phủ.
Nhìn lại TTCK Việt Nam giai đoạn 2005 – 2011, thông qua TTCK, Chính phủ đã huy động được 625 nghìn tỷ đồng trái phiếu; DN đã huy động được gần 400 nghìn tỷ đồng qua đấu giá cổ phần hoá và phát hành cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư; tăng hàng trăm lần so với giai đoạn 2000-2005.
Hoạt động phát hành trái phiếu thông qua đấu thầu trên TTCK dần trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho Chính phủ thay thế cho việc bán lẻ thông qua hệ thống Kho bạc Nhà nước, đưa tổng dư nợ thị trường trái phiếu lên 20,6% GDP năm 2010 và năm 2011 là 17,9% GDP. Quy mô thị trường trái phiếu DN cũng tăng trưởng rất mạnh năm 2010 đạt khoảng 6,6% GDP so với mức 0,1% GDP của năm 2001.
Tuy nhiên, vai trò của thị trường vốn cần lớn hơn để thực sự trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính cho DN và nền kinh tế, đồng thời chia sẻ áp lực đối với hệ thống NHTM đồng thời cũng giúp các NHTM gia tăng tiềm lực tài chính đáng kể. Ngoài ra, thông qua TTCK, một lượng vốn nhàn rỗi lớn từ công chúng đầu tư đã được huy động, góp phần thúc đẩy nhanh việc sắp xếp khu vực DNNN và thu hồi vốn cho ngân sách Nhà nước.
TS. Vũ Bằng – Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, định hướng của Việt Nam là tái cấu trúc TTCK, phấn đấu tới năm 2020 đưa thị trường này trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế; hỗ trợ tích cực cho thị trường tiền tệ trong quá trình tái cơ cấu các TCTD.
Cần niềm tin bằng chỉ số vĩ mô
Tình hình kinh tế khó khăn cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển và hoạt động của TCTK Việt Nam. Rõ ràng yếu tố niềm tin luôn luôn là nền tảng và động lực phát triển của mọi TTCK, nhất là TTCK non trẻ của Việt Nam. Niềm tin của thị trường về cơ bản được xây dựng trên niềm tin của công chúng đầu tư đối với triển vọng thị trường và niềm tin vào các công ty niêm yết trên thị trường. “Niềm tin này chỉ được tạo dựng khi mà công chúng đầu tư có thể tin tưởng vào số lượng, hay tính đầy đủ, toàn diện và chất lượng của các thông tin trong những bản cáo bạch mà họ được cung cấp”, ông Trần Phú Sơn - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam phát biểu.
Đồng quan điểm này, ông Vũ Quang Đông - Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận xét, sự hấp dẫn nguồn vốn dài hạn chảy vào TTCK và chảy vào DN qua kênh phát hành cổ phiếu ở TTCK phụ thuộc vào sự chắc chắn về tổng thể vĩ mô. Theo ông, ít nhất có thể hình dung là sự ổn định tương đối của hai yếu tố lạm phát và tăng trưởng kinh tế. “Quan sát hai tháng qua: chúng tôi thấy có vẻ lạm phát sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn nhưng cần thêm thời gian để định hình được mức biến động hợp lý”, ông Đông cho biết. Ông cũng cho rằng, khi tăng trưởng tiếp tục giảm nhẹ so với năm trước nhưng có thể được hồi phục nhẹ vào năm sau. Vì vậy, bất ổn vĩ mô của Việt Nam có thể sẽ giảm bớt trong thời gian tới đây. Và sự ổn định ngắn hạn không thể làm khơi thông việc huy động vốn thông qua TTCK, sự ổn định dài hạn mới là cần thiết.
Ngược lại, TTCK phát triển bản thân cũng sẽ hỗ trợ cho sự ổn định vĩ mô dài hạn, ít nhất là giảm sự biến động của các cú sốc kinh tế, đặc biệt là các cú sốc tài chính.
Linh Ly
thời báo ngân hàng
|