Chủ Nhật, 19/08/2012 09:30

Thị trường cà phê: hàng giấy hại hàng thực

Một lượng hợp đồng hàng giấy được các nhà đầu cơ trên sàn kỳ hạn robusta mua khống cao đến mức kỷ lục. Giá robusta xuống trong hai ba tuần qua chính là hệ quả của việc thanh lý các lô mua khống ấy bằng cách bán ra. Giá cà phê nội địa lãnh đủ.

Biểu đồ 1: Giá kỳ hạn sàn robusta London sau 11 ngày giao dịch (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ 1: Giá kỳ hạn sàn robusta London sau 11 ngày giao dịch (tác giả tổng hợp)

Hàng giấy bán xả

Như các đập thủy điện ở một số nơi ở nước ta, sau nhiều ngày tích nước, lúc mưa to, phải xả bớt nước. Hệ quả là nước ở các đập thủy điện vùng trên xả nhiều bao nhiêu, ruộng đồng nhà cửa vùng dưới ngập lụt bấy nhiêu.

Đó chính xác là hình ảnh của thị trường cà phê robusta trong chừng mươi ngày qua.

Hàng giấy (paper market) là các hợp đồng mua bán kỳ hạn, tại nước ta, trước đây thường được gọi là “chợ trên mạng”, chỉ mua bán và thanh toán trên giấy tờ là chủ yếu chứ không trao đổi hàng thực. Trong khi đó, chợ hàng thực (physical market) là các thương vụ mua bán trao đổi hàng-tiền với nhau.

Đón giá cao để bán, đầu cơ tài chính to nhỏ trên sàn kỳ hạn robusta Liffe NYSE đã tích cóp mua hàng giấy dần dần từ khi giá sàn kỳ hạn còn thấp. Nhờ mua và rủ nhau cùng mua nhiều, nên giá mỗi lúc trên sàn mỗi tăng. Đến tuần trước, họ đã mua khống một lượng hợp đồng kỳ hạn lớn kỷ lục. Có lúc, theo báo cáo định kỳ hàng tuần, họ đã tích được một lượng hợp đồng mua khống lớn kỷ lục, hơn 38.000 lô hay 380.000 tấn.

Tuy nhiên, có nhận định cho rằng, trong một vài ngày giao dịch, con số này phải trên 400.000 tấn, là lượng hợp đồng mua khống kỷ lục của đầu cơ trên sàn Liffe NYSE từ trước đến nay. Tiếc thay, họ không mua hàng thực (nhiều nơi còn gọi là hàng vật chất) mà chỉ là hàng giấy, chỉ cam kết giao và nhận hàng nhưng họ sẽ không giao nhận hàng thực mà chỉ thanh lý với nhau bằng các chứng từ có giá.

Nhờ động tác mua và kích mua này, giá sàn kỳ hạn cơ sở giao dịch tháng 9-2012 của những ngày giao dịch trong tháng trước đã tăng lên các mức cao, có khi trên 2.250 đô la/tấn sau khi giảm về gần 2.000 đô la/tấn.

Thời gian qua, do tích quá nhiều lượng hàng giấy đã mua ở mức cao kỷ lục, đầu cơ đã bắt đầu bán xả để thanh lý. Nếu như trước đây họ đã mua hàng giấy từ thấp đến cao, nay là lúc bán xả ra từ cao đến thấp để thu lợi nhuận. Giai đoạn này được gọi là bán thanh lý vị thế bằng cách xả “hàng” đã mua. Các hợp đồng mua rồi, muốn thanh lý nó, phải bán ra lại, tạo hiệu ứng giá rớt trên sàn kỳ hạn. Nên, trong những giai đoạn như thế này, vai trò của cung-cầu chỉ là thứ yếu. Ngược lại, sức mạnh của tài chính thường quyết định giá cho những đợt như thế này. Nên, hai tuần vừa qua, giá rớt trên sàn kỳ hạn là điều không lạ.

Để che lấp các hành vi thao túng, đầu cơ thường dùng các lý do bên ngoài như tăng giảm của đồng đô la, các tin tức kinh tế vĩ mô của thế giới như một cách giải thích giá lên xuống để khỏa lấp chuyện khuynh loát thị trường của mình.

Giá giảm khắp nơi

Đến khuya hôm qua, giá robusta trên sàn kỳ hạn Liffe NYSE London cơ sở tháng 9-2012 tại phiên đóng cửa cuối tuần chỉ còn ở mức 2.063 đô la/tấn. Như vậy, tuần qua, mất thêm 104 đô la; nếu so với giá đóng cửa ngày 6-8, mất đến 165 đô la Mỹ/tấn (xin xem biểu đồ 1 phía trên).

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên cũng rời mức đỉnh của niên vụ này là 44.000 đồng/kg ở cuối tháng trước để xuống dần đến mức 41.000 đồng trong tuần này. Như thế, so với tuần trước, giá nội địa mất thêm 1.500 đồng/kg.

Tuy hiện nay, hàng tồn kho trên thị trường nội địa không nhiều vì đã cuối vụ, giá giảm mạnh do chịu ảnh hưởng từ hàng giấy đã làm cho nhiều người còn một ít cà phê phải lo ngại. May mà ở dịp cuối vụ và hàng thực còn ít nên ảnh hưởng kinh tế của đợt xuống giá này không lớn. Trong những năm trước, nhiều đợt bán xả thanh lý của thị trường hàng giấy xảy ra khi thị trường nội địa vẫn còn nhiều hàng thực, đã làm điêu đứng cho rất nhiều người, từ nông dân đến các nhà xuất khẩu.

Giá rớt, thị trường xuất khẩu yên ắng hẳn. Một số nhà nhập khẩu vẫn trả trừ 30 đô la/tấn FOB cho loại 2, 5% đen vỡ nhưng bên bán khó chấp thuận vì không kết được với giá nội địa.

Tia sáng cuối đường

Không chỉ robusta giảm, giá arabica sàn kỳ hạn Ice New York cũng tiếp tục giảm trước tin tồn kho cà phê tại Mỹ tăng mạnh.

Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê Mỹ đến 7-2012 theo Hiệp hội Cà phê hạt của Mỹ (NewEdge)
Biểu đồ 2: Tồn kho cà phê Mỹ đến 7-2012 theo Hiệp hội Cà phê hạt của Mỹ (NewEdge)

Tồn kho cà phê nhân toàn Mỹ theo Hiệp hội Cà phê nhân Mỹ (GCA – Green Coffee Association) bất ngờ tăng mạnh. Tính đến hết tháng 7-2012, lượng tồn kho này tăng lên mức 5.187.449 bao, cao hơn tháng trước trên 400.000 bao. Đây là tháng có lượng tồn kho bình quân tăng mạnh nhất kể từ tháng 1-2007. Nếu chỉ tính trong tháng 7 hàng năm, từ năm 1989, lượng tăng bình quân của tháng 7 chỉ ở mức 65.000 bao.

Cũng vậy, lượng tồn kho được các sàn hàng hóa xác nhận tại Mỹ trong tháng 7 vừa qua cũng tăng thêm 143.523 bao. Còn tồn kho không được xác nhận cũng ở mức cao nhất tính từ 15 năm nay (xin xem biểu đồ 2 phía trên).

Điều này, chứng tỏ các nước xuất khẩu arabica như Brazil, Colombia và các nước Mỹ La tinh chấp nhận giá thị trường, nên bán và giao hàng khá mạnh ngay từ những ngày hàng vụ mới ra từ những ngày đầu tiên.

Với tin này, giá đóng cửa sàn arabica Ice cuối tuần chỉ còn 160,30 cts/lb, giảm 5,95 cts/lb hay chừng 131 đô la/tấn so với cuối tuần trước.

Giá xuống trên cả 2 thị trường làm cho nhiều người “ngậm” hàng không bán được. Song, giá xuống đợt này đã tạo thuận lợi cho robusta khi giá cách biệt giữa 2 loại arabica và robusta đã co lại ở mức kích thích các hãng rang xay sử dụng robusta nhiều hơn.

Biểu đồ 3: Giá cách biệt ara/rob co lại có lợi cho robusta (tác giả tổng hợp)
Biểu đồ 3: Giá cách biệt ara/rob co lại có lợi cho robusta (tác giả tổng hợp)

Tính đến sáng 18/08, mức cách biệt giữa 2 sàn arabica và robusta chỉ còn ở mức 65,9 cts/lb hay 1453 đô la/tấn. Đây là mức lý tưởng để rang xay có thể chấp nhận sử dụng trong các mẻ rang của họ vì robusta rẻ hơn nhiều so với arabica. Mức này trước đây có khi trên 4.000 đô la/tấn (xin xem biểu đồ 3 phía trên).

Nguyễn Quang Bình

tbktsg online

Các tin tức khác

>   Hạt điều đang gặp khó khăn (18/08/2012)

>   Giá cà phê giảm mạnh trong tuần này (18/08/2012)

>   Giá lúa gạo tăng mạnh (17/08/2012)

>   Thái Lan khư khư “ôm” gạo chờ giá tăng leo thang (17/08/2012)

>   3 nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới hợp tác chống sụt giá (16/08/2012)

>   Chưa vội mừng khi giá lúa gạo tăng (15/08/2012)

>   Nông dân đốn bỏ sơri hàng loạt (15/08/2012)

>   Giá cacao, cà phê và đường giảm (15/08/2012)

>   Việt Nam thành nước xuất khẩu cà phê số 1 thế giới (14/08/2012)

>   Các nước chủ chốt G-20 sắp họp về giá lương thực (14/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật