Hạt điều đang gặp khó khăn
Được xem là một trong những mặt hàng chủ lực của lĩnh vực xuất khẩu nông sản nhưng ngành điều đang phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, như: thiên tai làm giảm nghiêm trọng sản lượng, doanh nghiệp thiếu vốn, thị trường ngày càng bị thu hẹp… Hiện Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ ba thế giới về xuất khẩu điều, sau Ấn Độ và Bờ Biển Ngà nhưng nguy cơ tụt hạng hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông Nguyễn Thái Học - Chủ tịch Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, do biến đổi khí hậu dẫn đến nắng mưa thất thường, cộng với sương mù nên tại các vùng điều trọng điểm như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương,… mặc dù cây ra hoa nhiều nhưng nhiều diện tích hoa bị khô, héo, tỷ lệ đậu trái chỉ đạt 30%-40%. Đặc biệt, sau cơn bão số 1 đổ bộ vào nước ta vào đầu tháng 4, nhiều diện tích điều đã bị gãy đổ, bông bị cháy đen, không có khả năng đậu trái, những hạt còn lại cho thu hoạch chất lượng xấu.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn các tỉnh, hiện nay tổng diện tích cho sản phẩm/tổng diện tích cây điều của cả nước tiếp tục giảm, chỉ còn hơn 315 ngàn ha/hơn 355 ngàn ha (giảm so với năm 2011 là 330.390/362.560ha). Năng suất điều bình quân của cả nước cũng giảm chỉ còn 8,4 tạ/ha (năm 2011 đạt 9,1 tạ/ha); sản lượng điều thu hoạch toàn niên vụ giảm mạnh so với năm 2011, chỉ đạt chưa đầy 265 ngàn tấn.
Tổng Cục Hải quan cũng cho biết, 6 tháng đầu năm cả nước xuất khẩu được 88.532 tấn điều nhân các loại, với kim ngạch xuất khẩu hơn 602 triệu USD, tăng 28,2% về lượng và tăng gần 14% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6.826 USD/tấn. Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn chiếm giữ vị trí số 1 với lượng và kim ngạch nhập khẩu lần lượt là 28.804 tấn (168 triệu USD); tiếp theo là Trung Quốc 16.276 tấn (107,74 triệu USD), tăng 16% về lượng nhưng giảm 4,44% về trị giá so với năm 2011.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều trong nước dự báo, do khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng nợ châu Âu dẫn đến kinh tế Mỹ, châu Âu vẫn trong tình trạng trì trệ, thu nhập và tiêu thụ giảm sút, nhập khẩu giảm, đơn hàng giảm. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó có xuất khẩu hạt điều. Nông sản xuất khẩu, bao gồm hạt điều, ngoài khó khăn về thị trường sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật thương mại của các quốc gia nhập khẩu, như Luật sửa đổi bổ sung các quy định an toàn thực phẩm (FSMA) của Cục An toàn thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) – Hoa Kỳ, các quy định kiểm soát nhập khẩu mới của EU, các rào cản kỹ thuật của thị trường Trung Quốc. Mặt hàng điều có thể bị đưa vào diện điều tra chống bán phá giá vì gần đây Hải quan Trung Quốc yêu cầu người mua xác nhận giá mua điều nhân từ Việt Nam là giá thị trường tại thời điểm hiện tại, không được phép quá thấp so với thị trường.
Ông Nguyễn Đức Thanh – Phó Chủ tịch Vinacas cho rằng, việc suy giảm cả diện tích, năng suất và sản lượng cây điều năm 2012 là nỗi lo, thách thức lớn đối với ngành chế biến điều trong thời gian tới. Theo ông Thanh, đã đến lúc bộ, các ban, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, người nông dân, nhà khoa học cùng ngồi lại để xem xét một cách nghiêm túc các nguyên nhân và đề xuất các giải pháp duy trì sản xuất và đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm tái cấu trúc ngành điều theo hướng phát triển bền vững.
Về chế biến, theo phản ánh của doanh nghiệp trong ngành, mặc dù lãi suất giảm dần thời gian qua nhưng một số doanh nghiệp chưa đáp ứng được điều kiện cho vay của ngân hàng nên khó tiếp cận được vốn vay với lãi suất mới, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, chuyển đổi lĩnh vực hoạt động hoặc tạm ngưng hoạt động. Cũng theo Sở Công thương Bình Phước, 6 tháng đầu năm 2012 có khoảng 70% số doanh nghiệp chế biến điều tại Bình Phước gặp khó khăn về tài chính do hoạt động kém hiệu quả; một số sản xuất cầm chừng và đi gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều lò chẻ tư nhân đã ngưng sản xuất. Vì vậy, dự báo sản lượng chế biến của toàn ngành 6 tháng cuối năm sẽ giảm mạnh.
Trước hàng loạt những khó khăn trên, Vinacas khuyên các doanh nghiệp chủ động thu mua, nhập khẩu nguyên liệu theo diễn biến thị trường trên cơ sở tiềm lực tài chính của mỗi doanh nghiệp. Không khuyến khích nhập khẩu số lượng lớn và không nên gia tăng công suất chế biến trong thời điểm hiện nay. Cần đầu tư nâng cao chất lượng, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thái Học đề nghị các bộ cần tạo điều kiện hỗ trợ cho ngành điều phát triển, trong đó đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục có giải pháp xử lý đối với việc gia hạn thời hạn nộp thuế, đặc biệt đối với nguyên liệu nhập khẩu, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp; đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo tiến hành dự án lập quy hoạch phát triển ngành điều, xây dựng chiến lược phát triển điều các tỉnh phía Nam đến năm 2020; Bộ Công thương hỗ trợ tiến hành triển khai chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường tiềm năng,…
Quốc Định
Đại đoàn kết
|