Thứ Năm, 16/08/2012 09:46

Phác thảo hình hài nợ của DNNN

Những câu chuyện doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mất khả năng thanh toán và được các bộ chủ quản xin Bộ Tài chính đứng ra trả nợ thay đã dần được biết đến nhiều hơn sau khi được giữ kín trong thời gian dài.

Ngày 23-5 vừa qua, Bộ Xây dựng đã phải làm công văn cầu cứu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho tập đoàn Sông Đà vay từ Quỹ Tích lũy trả nợ nước ngoài cho dự án Nhà máy Xi măng Hạ Long. Số tiền mà Bộ Xây dựng đề nghị khoảng 437 tỉ đồng để trả nợ Ngân hàng Natixis trong năm 2012 và một kỳ trả nợ vào tháng 6-2013.

Nhà máy Xi măng Hạ Long trị giá gần 6.469 tỉ đồng của Công ty cổ phần Xi măng Hạ Long, một thành viên của tập đoàn Sông Đà, bắt đầu vận hành đầu năm 2010, song cho kết quả kinh doanh thật tệ hại: lỗ hơn 581 tỉ đồng năm 2011 và dự kiến lỗ tiếp gần 496 tỉ đồng 2012. Một quan chức của Bộ Xây dựng giải thích: “Việc xin Bộ Tài chính cho trả nợ là bình thường vì đây là nợ được Chính phủ bảo lãnh”.

Sự việc trên chỉ là một phần trong câu truyện xin trả nợ của Bộ Xây dựng. Xi măng Đồng Bành, cũng thuộc Sông Đà, đã được Bộ Tài chính trả thay cho một phần khoản nợ với Ngân hàng ANZ sau khi công ty này chịu khoản lỗ tới 141 tỉ đồng. Bộ Xây dựng cho biết Đồng Bành còn thiếu nợ tới 607 tỉ đồng phải trả trong năm năm tới. Tương tự là tình trạng không trả được nợ vay nước ngoài của Tổng công ty Cơ khí xây dựng và nhiều DNNN khác đang đề nghị Nhà nước hỗ trợ vì đây là các khoản vay do Nhà nước bảo lãnh...

Những câu chuyện DNNN mất khả năng thanh toán và được các bộ chủ quản xin Bộ Tài chính đứng ra trả nợ thay như trên đã dần được biết đến nhiều hơn sau khi được giữ kín trong thời gian dài. Quỹ trả nợ nước ngoài, theo Kiểm toán Nhà nước, còn số dư tới 32.050 tỉ đồng tính tới cuối năm 2010. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ được báo chí trích dẫn trả lời rằng: “Nợ Chính phủ bảo lãnh, chúng tôi coi nó là nghĩa vụ nợ dự phòng. Khi mà các doanh nghiệp không trả được nợ, Chính phủ phải trả thay, thì lúc đó nghĩa vụ nợ dự phòng trở thành nghĩa vụ nợ thực tế của Nhà nước”.

Câu hỏi đặt ra: số nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh là bao nhiêu, và được xử lý như thế nào nếu doanh nghiệp vay không trả được?

Một phần của câu trả lời được tìm thấy trong bản báo cáo mang tên “Nợ công Việt Nam: quá khứ, hiện tại và tương lai” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) công bố gần đây. Bản báo cáo trích dẫn số liệu của Bộ Tài chính, theo đó nợ nước ngoài có Chính phủ bảo lãnh cho khu vực DNNN vào năm 2010 là 4.642,74 triệu đô la Mỹ, tương đương với 14,3% tổng nợ nước ngoài của Việt Nam; con số này đã tăng đáng kể từ mức 1.031,18 triệu đô la Mỹ, tức tương đương 6,6% tổng nợ nước ngoài của Việt Nam, vào năm 2006. Như vậy, có thể thấy rằng quy mô của các khoản nợ bảo lãnh cho DNNN đã vượt quá quy mô của Quỹ trả nợ nước ngoài tính đến cuối năm 2010.

Báo cáo nhận xét, trên danh nghĩa, Chính phủ chỉ bảo lãnh một số DNNN vay nợ nước ngoài, còn toàn bộ các khoản tín dụng trong nước thì DNNN phải tự vay tự trả. Với dư nợ tín dụng của DNNN ước tính ở mức 55-60% GDP năm 2009 thì phần dư nợ của DNNN được Chính phủ bảo lãnh trên danh nghĩa chỉ mới chiếm khoảng 4,2-6,9% tổng dư nợ của khu vực này. Đây là mức mà khu vực này hoàn toàn có thể hoàn trả được, ngay cả khi nợ xấu của khu vực này ở mức rất cao đi chăng nữa.

Tuy nhiên, khả năng đe dọa nợ công của khu vực DNNN lại nằm ở chỗ khu vực này luôn nhận được ngân sách “mềm” từ Chính phủ (xem thêm bài Rủi ro không nằm ở các con số báo cáo, tr.45). Dù cho số lượng DNNN loại này cũng như số trường hợp được Nhà nước hỗ trợ đã giảm, song mức hỗ trợ lại tăng lên nhiều lần. Chẳng hạn như trường hợp tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt nam (Vinashin) có dư nợ đã lên tới khoảng 86.000 tỉ đồng, trong đó nợ đến hạn phải trả khoảng trên 14.000 tỉ đồng nhưng không thể tự cân đối dòng tiền. Tuy nhiên, với các hình thức hỗ trợ như chuyển nợ (cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác), giãn nợ (bảo lãnh của Nhà nước trước các ngân hàng) và bổ sung vốn (tăng vốn điều lệ từ 9.000 tỉ đồng lên 14.655 tỉ đồng), Vinashin vẫn đang tiếp tục tồn tại.

Mối quan hệ gián tiếp gần nhất là các khoản vay ưu đãi của các DNNN từ Ngân hàng Phát triển (VDB). Nguồn vốn của VDB đến từ phát hành giấy tờ có giá và nhận vốn ODA cho vay lại chiếm 72,4% trong năm 2009. Đây là các khoản vay mà Chính phủ đảm bảo sẽ phải hoàn trả cho các chủ nợ, hay nói cách khác đó chính là các khoản nợ công.

Một phần lớn nguồn vốn này sau đó được VDB cho các DNNN vay ưu đãi để đầu tư. Báo cáo trích dẫn ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng giám đốc VDB, cho biết vào tháng 9-2011: “Nợ của các tập đoàn, tổng công ty… chiếm khoảng 75-80% tổng dư nợ của VDB. Tình hình như hiện nay, có rất nhiều đồng chí lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty có văn bản gửi cho tôi đề nghị lùi nợ, giãn nợ”, và nhận xét rằng, lượng tín dụng mà khu vực DNNN được Chính phủ bảo lãnh gián tiếp thông qua VDB sẽ vào khoảng 130.000-150.000 tỉ đồng vào năm 2009. Và như thế, phần dư nợ của khu vực DNNN được Chính phủ bảo lãnh trực tiếp và gián tiếp lên tới 20-25% tổng dư nợ của khu vực này vào năm 2009.

Với các khoản vay nợ của khu vực DNNN tại các ngân hàng thương mại thì trong trường hợp khó khăn Nhà nước vẫn phải đứng ra thu xếp hoàn trả. Chẳng hạn, hình thức khoanh nợ (như nợ của Vinashin tại các ngân hàng thương mại) thì cuối cùng Chính phủ vẫn phải bỏ một phần tiền ra để bù đắp; hình thức chuyển nợ (như của Vinashin cho Vinalines và PVN) có thể khiến các DNNN khác lâm vào khó khăn và cuối cùng gánh nặng lại đè lên vai Nhà nước; hình thức bổ sung vốn (như tăng vốn điều lệ cho Vinashin từ 9.000 tỉ đồng lên 14.655 tỉ đồng) thì đó vẫn là tiền từ ngân sách nhà nước. Khoản vay 45 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng ANZ cho dự án Xi măng Đồng Bành do Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) hay Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp (MIE) đầu tư cũng được Bộ Tài chính đứng ra bảo lãnh khi dự án này rơi vào tình trạng thua lỗ không trả được nợ.

Báo cáo kết luận, như vậy, nếu xét đến cả các tác động gián tiếp, thì tín dụng của khu vực DNNN đang nổi lên như là một mối đe dọa đối với nợ công của Việt Nam. Với việc đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, khu vực DNNN rất dễ rơi vào hoàn cảnh thua lỗ như Vinashin, EVN và Vinalines trong thời gian vừa qua. Một khi kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp này sẽ không thể trả nợ đúng hạn được cho các ngân hàng thương mại, cho VDB và cho các trái chủ nước ngoài. Do hầu hết các DNNN đều thuộc diện “quá lớn để phá sản” nên các khoản nợ xấu này cuối cùng sẽ phải do ngân sách nhà nước gánh trả. Dù được hay không được Chính phủ bảo lãnh, các khoản nợ của DNNN trở thành gánh nặng thuế phí đối với người dân.

Tư Giang

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Cần lập ủy ban giám sát thị trường (16/08/2012)

>   Xăng tăng giá bồi thêm cú đòn đau vào doanh nghiệp (16/08/2012)

>   Áp lực tiêu dùng (16/08/2012)

>   Dịch vụ, hàng hóa tăng giá (16/08/2012)

>   Xuất khẩu thủy sản ước đạt 3,3 tỷ USD trong 5 tháng cuối năm (15/08/2012)

>   Nhẩp khẩu điện thoại từ Trung Quốc tăng đột biến (15/08/2012)

>   Thương mại Việt – Trung: Việt Nam vẫn bất lợi (15/08/2012)

>   Ai dễ dãi trong cấp phép khai thác khoáng sản? (15/08/2012)

>   7 tháng, Việt Nam xuất siêu 88 triệu USD (15/08/2012)

>   Kỳ lạ, bán điện cho EVN với giá 0 đồng/kwh (15/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật