Nhộn nhịp thâu tóm và phòng vệ
Tâm lý e ngại và phòng thủ đối với thâu tóm đang đè nặng lên giới lãnh đạo doanh nghiệp. Tuy nhiên, kịch bản bị săn đuổi có thể diễn ra với bất kỳ công ty nào.
Thời thâu tóm giá rẻ
Một xu hướng đang diễn ra khá mạnh mẽ là thoái vốn khỏi các công ty con, công ty liên kết. Công ty Địa ốc Hoàng Quân vừa quyết định lùi một bước trong chiến lược dài hạn của mình, khi thoái vốn khỏi 4 công ty liên kết, gồm: Công ty TNHH Thẩm định Giá Hoàng Quân, Công ty Địa ốc Hoàng Quân Cần Thơ, Công ty Địa ốc Hoàng Quân Bình Thuận, Công ty Địa ốc Hoàng Quân Mekong. Nếu thoái vốn thành công, Hoàng Quân dự kiến thu về ít nhất 65 tỷ đồng.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác buộc phải bán đi những “đứa con cưng” hay các dự án giá trị của mình với giá rẻ. Đơn cử, tại cuộc họp đại hội cổ đông Công ty Quốc Cường Gia Lai, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty thông báo sẽ bán sỉ dự án cho các nhà đầu tư hoặc hạ giá bán dự án để tái đầu tư và giảm áp lực lãi vay. Công ty đang thỏa thuận về hình thức hợp tác với một số đối tác tiềm năng ở Dự án Khu dân cư Phước Kiển (huyện Nhà Bè, TP.HCM).
Không thể phủ nhận rằng, sự sa cơ của doanh nghiệp này mang đến cơ hội thâu tóm cho doanh nghiệp khác. Trong đó, động cơ của bên mua thường hướng vào một số mục tiêu chính, như gia tăng hoạt động của công ty mục tiêu sau thâu tóm, tích hợp chuỗi giá trị hay mở rộng kinh doanh, bảo vệ thị phần.
Trường hợp Công ty cổ phần Hùng Vương là một ví dụ. Là một trong những công ty lớn nhất ngành thủy sản, Hùng Vương đã liên tục mua lại cổ phần chi phối đối với một loạt doanh nghiệp cùng ngành khác như Công ty Thủy sản An Giang (Agifish), Công ty Faquimex Bến Tre, Công ty Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng.
Ngoài ra, chỉ trong nửa đầu năm 2012, Hùng Vương đã trở thành cổ đông chi phối tại Công ty Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), Công ty Thủy sản Tắc Vân (Cà Mau). Hai doanh nghiệp này được cho là mảnh ghép quan trọng để Hùng Vương tạo lập vị thế của một tập đoàn thực phẩm thủy sản lớn khép kín ở Việt Nam, chuyên kinh doanh cá tra và tôm là hai mặt hàng xuất khẩu thuỷ sản chủ lực. Hùng Vương có tham vọng đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, chiếm 25-30% kim ngạch xuất khẩu của ngành vào năm 2015.
Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên thấy doanh nghiệp khác có tài sản giá rẻ rao bán mà lao vào thâu tóm, với mục đích chờ thời bán lại. Theo ông Tô Hải, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt, đó là hình thức thâu tóm rất đáng lo ngại, không nên khuyến khích.
Tâm lý phòng vệ
Có lẽ, câu chuyện mua bán, nâng tỷ lệ sở hữu nhằm vun vén cho vị thế của cổ đông tại các công ty mía đường trong thời gian qua thu hút sự chú ý của giới phân tích và truyền thông nhất.
Theo hình thức sở hữu kiểu “nhóm cổ đông” thường thấy trong các vụ thâu tóm doanh nghiệp, nhóm người thân của ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín thông qua Công ty Thành Thành Công đã hiện diện ở 4 công ty mía đường niêm yết là Công ty cổ phần Bourbon Tây Ninh (SBT), Công ty Đường Biên Hòa (BHS), Công ty Mía đường Ninh Hòa (NHS) và Công ty Mía đường Nhiệt điện Gia Lai (SEC). Theo báo cáo tài chính của 4 công ty này, đến nay, tỷ lệ sở hữu của nhóm ông Thành tại SBT là hơn 65%, tại BHS hơn 38%, tại NHS trên 41% và tại SEC là hơn 21%.
Nhiều nguồn tin cho hay, nhóm ông Thành đang nắm cổ phần tại 18/40 công ty mía đường trên cả nước. Đây là những công ty đóng vai trò quan trọng trong tổng sản lượng mía đường cả nước, tương đương 32,6% tổng sản lượng đường và 14% tổng sản lượng mía ép. Tuy nhiên, nhóm ông Thành vẫn chưa có mặt tại Công ty Đường Lam Sơn (LSS) và Công ty Đường Kon Tum (KTS).
Nhằm ngăn chặn sự hiện diện của ông Thành, gần đây, ông chủ của Công ty Mía đường Lam Sơn (LSS) đã tìm mọi cách phòng vệ. Theo đó, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Lam Sơn, đồng thời là Chủ tịch Công ty Mía đường Lam Sơn đã mua thành công hơn 400.000 cổ phiếu LSS và đăng ký mua thêm 300.000 cổ phiếu nữa. Cuối tháng 6 vừa qua, ông Tam cũng mua thêm hơn 35.000 cổ phiếu LSS và theo báo cáo tình hình quản trị LSS 6 tháng đầu năm, riêng nhóm có liên quan đến ông Tam nắm hơn 38% cổ phần của LSS.
Theo nhận định của giới phân tích, nếu muốn chống lại tác động không tốt từ phía các cổ đông lớn, thì chỉ cần nắm giữ 35% cổ phần, tỷ lệ đủ để phủ quyết các vấn đề trong hoạt động của doanh nghiệp. Nhưng nếu muốn đảm bảo quyền lực chắc chắn, thì khả năng, ông Tam sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 51%.
Liên quan đến vấn đề chống thâu tóm, xin nhắc lại lời ông Tô Hải rằng, từ vụ thâu tóm Sacombank, kịch bản bị săn đuổi có thể xảy ra với bất cứ công ty nào. Tuy nhiên, doanh nghiệp không nên nhìn nhận thâu tóm là tiêu cực, nếu càng lo bị thâu tóm thì càng dễ bị thâu tóm.
Anh Hoa
Đầu tư
|