Chủ Nhật, 12/08/2012 21:37

Người tiêu dùng sẽ chi tiêu ra sao?

 Giá cổ phiếu của các công ty cao cấp đã giảm trong tháng bảy qua, sau khi báo cáo tài chính của họ làm thất vọng các nhà đầu tư do phần lớn doanh số bán hàng chậm lại ở các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Trong khi đó, tin tức thị trường cho thấy các trung tâm mua sắm cao cấp ở Ấn Độ và Trung Quốc đang ngày càng vắng vẻ.

“Điều gì đang xảy ra?” là câu hỏi được không ít người đặt ra khi trước đó nhiều nhà phân tích đã dự kiến các thị trường mới nổi sẽ tạo ra sự tăng trưởng theo cấp số nhân trong thập kỷ tới.Thế nhưng bây giờ chủ đề được ra rả ở khắp nơi lại là cuộc khủng hoảng toàn cầu đang làm chậm lại các nền kinh tế này và giết chết chi tiêu tùy ý của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự suy giảm trong tăng trưởng kinh tế Trung Quốc không thể đổ lỗi hoàn toàn cho doanh số bán hàng cao cấp chậm hơn hay sự yên ắng của các trung tâm mua sắm. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của nền kinh tế 7.500 tỉ USD của Trung Quốc đã giảm tốc xuống còn 7,6% trong quý hai, từ 8,1% quý một. Nguyên nhân hầu như không phải do sự hoảng sợ của thị trường, hơn nữa, 2/3 sự suy giảm là do đầu tư chậm hơn là tiêu thụ chậm hơn.

Vấn đề thật sự là nhiều nhà phân tích đã phóng đại kích thước của các phân khúc hàng hóa cao cấp tại những thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil. Trung Quốc cho đến nay vẫn được xem là nền kinh tế thị trường mới nổi lớn nhất với 1,6 triệu hộ gia đình có thể gọi là “giàu” (xét ở mức thu nhập hàng năm hơn 150.000 USD). Nhưng con số này hãy còn khá nhỏ so với 4,6 triệu hộ giàu ở Nhật Bản và chẳng thấm tháp gì so với con số 19,2 triệu hộ giàu ở Mỹ. Đó là chưa nói đến các nền kinh tế mới nổi nhỏ hơn như Ấn Độ với khoảng 0,7 triệu hộ có thể gọi là giàu và 1 triệu hộ có thu nhập cao ở Brazil.

Một điều dễ nhận ra là các nước phát triển vẫn chiếm ưu thế trong khung thu nhập có đủ khả năng chi tiêu cho các hàng hóa sang trọng. Tăng trưởng bùng nổ được ghi nhận bởi phân khúc này ở các thị trường mới nổi trong những năm gần đây chẳng qua phản ánh lối vào các thị trường trước đây chưa được khai thác, cùng với sự bão hòa từ các nền kinh tế phát triển lâu nay hiện đang lâm vào vòng xoáy suy thoái. Số lượng các hộ gia đình có thu nhập cao vẫn đang phát triển nhưng không đủ để lý giải cho mức tăng trưởng 30-40% như dự kiến của nhiều người.

Điều này không có nghĩa là cơ hội tăng trưởng tại các thị trường mới nổi đã biến mất, nhưng những kỳ vọng cần được xem xét lại. Mặc cho sự bùng nổ kinh tế trong thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn có 164 triệu hộ gia đình được gọi là "nghèo" (với thu nhập hàng năm ít hơn 5.000 USD) và 172 triệu hộ trung bình (thu nhập ở khoảng 5.000 - 15.000 USD mỗi năm). Tương tự như vậy, Ấn Độ có 104 triệu hộ nghèo và 107 triệu hộ đủ ăn.

Câu chuyện thật sự trong hai thập kỷ tiếp theo sẽ là các nước này di chuyển lên bậc có thu nhập trung lưu. Dĩ nhiên các khu vực mới nổi khác cũng sẽ trải qua sự thay đổi tương tự nhưng Châu Á sẽ là châu lục đi đầu. Một nghiên cứu của nhà kinh tế học Homi Kharas, Viện Brookings, cho thấy quy mô của sự thay đổi này khi ông ước tính có 18% tầng lớp trung lưu thế giới sống ở Bắc Mỹ trong năm 2009, 36% khác sống ở Châu Âu, Châu Á là 28% (tính luôn cả Nhật Bản). Đến năm 2030, cục diện thay đổi khi Châu Á sẽ có 2/3 lượng tầng lớp trung lưu của thế giới.

Tất nhiên, sự nổi lên của tầng lớp trung lưu Châu Á không phải là thay đổi duy nhất mà mọi người cùng mong đợi. Bên cạnh đó, sự thay đổi xã hội và nhân khẩu học đang vừa phá hủy vừa kiến tạo thị trường tiêu dùng. Sự lão hóa của các thị trường phát triển thì ai cũng biết, nhưng dữ liệu mới nhất đang cho thấy các thị trường mới nỗi lão hóa với tốc độ còn nhanh hơn.

Tuổi trung bình của Trung Quốc hiện là 34,5 năm, so với 36,9 năm của Mỹ. Tuy nhiên, đến năm 2030, tuổi trung bình của Trung Quốc sẽ là 42,5 còn của Mỹ là 39,1, trong khi Nga có tuổi trung bình thậm chí lớn hơn nhiều với 43,3 năm.

Tác động của sự lão hóa có thể được cảm nhận rõ rệt qua hệ thống giáo dục của các nước này khi lượng học sinh ghi danh vào trường tiểu học ở Trung Quốc đã giảm 18% từ năm 1990 đến nay, đáng kinh ngạc hơn là con số này ở Hàn Quốc là 33%. Ngược lại, ở đầu kia của quy mô dân số, số lượng người gia đang gia tăng một cách bùng nổ khiến nhiều quốc gia đau đầu với chính sách hưu trí và phúc lợi xã hội.

Sự thay đổi còn diễn ra ở bản chất các đơn vị tiêu thụ cơ bản là các hộ gia đình. Ở hầu hết các nước phát triển, các gia đình hạt nhân (gia đình hai thế hệ) đang suy giảm nghiêm trọng và được thay thế dần bởi các gia đình đơn thân (chỉ có một người), chẳng hạn ở Đức tỉ lệ gia đình đơn thân ở mức 39%, ở Anh có 19% gia đình hạt nhân với các cặp vợ chồng và con nhỏ, con số này ở Mỹ là 22%. Trong khi Mỹ đang có xu hướng tái xuất hiện các gia đình nhiều thế hệ với 22% người Mỹ trong độ tuổi 25-35 sống chung với cha mẹ hoặc người thân, thì ở Ấn Độ gia đình hạt nhân đang chiếm ưu thế với 64%.

Tất cả những thay đổi này sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai của thị trường tiêu dùng khi mà những người nghèo có trong tay nhiều tiền hơn, những người giàu lại cân nhắc hơn khi chi tiêu, các gia đình đổi nhu cầu mua sắm khi thay từ mô hình này sang mô hình khác, và đó là cơ hội cho những ai nắm bắt được sự thay đổi này.

Ngọc Khanh (Project Syndicate, WSJ)

Sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Các tập đoàn lớn trên thế giới có minh bạch? (12/08/2012)

>   Mỹ áp đặt thêm trừng phạt công ty dầu lửa Syria (11/08/2012)

>   Nhiều công ty lớn bị giảm doanh thu dịp Olympic (10/08/2012)

>   Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đang chậm lại (10/08/2012)

>   Hãng vận tải biển “già” nhất thế giới đóng cửa (10/08/2012)

>   Nga thặng dư thương mại 116 tỷ USD trong 6 tháng (09/08/2012)

>   Sản lượng công nghiệp của Ấn Độ sụt giảm mạnh (09/08/2012)

>   Giá nhà tại London vẫn đắt nhất thế giới (09/08/2012)

>   Cuộc chiến căng thẳng giành hãng sản xuất bia Tiger (09/08/2012)

>   Chỉ số tạo việc làm mới tại Mỹ cao nhất 4 năm qua (08/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật