Nga vào WTO: thuế giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn thận trọng
Việc Nga chính thức trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) giúp giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng vào thị trường này, nhưng một số doanh nghiệp Việt Nam cho biết vẫn ngại xuất khẩu hàng vào Nga.
Với việc chính thức trở thành thành viên của WTO vào ngày 22-8-2012, Nga cam kết hạ thuế suất nhập khẩu và một số cam kết cụ thể đối với 11 lĩnh vực dịch vụ. Tính trung bình, mức thuế ràng buộc cuối cùng (final bound tariff) Nga áp dụng cho hàng nhập khẩu xuống còn 7,8%.
Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), với việc Nga chính thức trở thành thành viên của WTO vào ngày 22-8, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào Nga chỉ chịu khoảng 75% thuế suất tối huệ quốc (MFN), trong đó có dệt may.
Một phân tích trước đó của Cơ quan Quản lý thương mại quốc tế của Mỹ (International Trade Administration) cho thấy, thuế suất của Nga đối với các mặt hàng như dệt, may, da giày và hàng hoá du lịch khoảng 20%. Sau khi thực hiện đầy đủ cam kết WTO, mức thuế trung bình của các mặt hàng nhập khẩu này vào Nga sẽ ở mức 9,2%.
Theo phó tổng giám đốc xúc tiến thương mại của một công ty chuyên xuất khẩu quần áo sang thị trường Mỹ, có trụ sở tại TPHCM, cho biết công ty chưa quan tâm nhiều đến thị trường Nga.
Nguyên nhân là, công ty đang tập trung vào thị trường Mỹ và Nhật Bản, và cũng lo ngại về sự an toàn trong thanh toán và vận chuyển khi làm ăn với thị trường Nga.
Ông này cho biết, thị trường Nga có tiềm năng, và một số khách hàng nước ngoài của công ty đã có xuất khẩu hàng sang thị trường này. Tuy nhiên, các khách hàng Nga tìm đến công ty (TPHCM) lại không chịu thanh toán bằng phương thức thư tín dụng (L/C).
“Họ nói sẽ ứng tiền và khi xuất hàng xong thì mới thanh toán hết. Nhưng mức ứng trước 30% không đủ tiền để công ty mua nguyên phụ liệu”, vị phó tổng giám đốc cho biết qua điện thoại hôm 30-8.
Ngoài ra, ông này cũng cho biết thêm, việc vận chuyển hàng hoá sang Nga cũng là một vấn đề, vì doanh nghiệp có nguy cơ mất luôn cả công-ten-nơ hàng nếu không tìm được công ty giao nhận (forwarder) tốt tại Nga.
Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP May Sài Gòn 3, cũng cho rằng, Nga là thị trường có tiềm năng nếu việc an toàn trong thanh toán được đảm bảo.
Trong năm 2011, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Nga là trên 1,28 tỉ đô la Mỹ, trong đó điện thoại các loại và linh kiện (536 triệu đô la Mỹ) và hàng dệt, may (106 triệu đô la Mỹ) là hai nhóm/mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường này.
Theo Vụ Thị trường châu Âu, đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Nga dự kiến chính thức khởi động vào năm 2013. Đàm phán có thể kéo dài trong hai năm, và có thể có hiệu lực vào năm 2015. Ngoài việc cắt giảm thuế, hiệp định này được kỳ vọng giúp tạo một số thuận lợi trong lĩnh vực ngân hàng và vận tải giữa hai nước. |
T.Thu
tbktsg
|