Số vụ sáp nhập công ty nước ngoài ở Anh tăng vọt
Số lượng các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) các công ty Anh do các tập đoàn nước ngoài tiến hành đã đạt mức kỷ lục và chiếm tới 70% tổng số các thương vụ M&A.
Điều này trái ngược với xu hướng hồi đầu thập niên vừa qua khi mà phần lớn các vụ M&A là do các công ty trong nước thực hiện trong khi số các vụ M&A do các công ty Anh tiến hành ở nước ngoài đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia kinh tế, các tập đoàn quốc tế bị hấp dẫn bởi sự định giá thấp ở châu Âu. Ngoài ra, Anh cũng được coi là một trong những thị trường mở nhất cho các hoạt động M&A vì nước này không có luật đầu tư nước ngoài như những quốc gia khác như Australia, Mỹ hay Canada.
Ông Nick Harper, chuyên gia của Ngân hàng Goldman Sachs, cho rằng trong khi hiện nay có thể xem là một thời điểm khó khăn để đầu tư vào châu Âu, thì cái giá tương đối rẻ của các công ty châu Âu đã tạo điều kiện cho các đối thủ đến từ Bắc Mỹ tiến hành các thương vụ chuyển nhượng chiến lược.
Với hợp đồng M&A trị giá 1,7 tỷ bảng (2,7 tỷ USD) với tập đoàn CGI của Canada, Logica trở thành tập đoàn công nghệ thứ ba của Anh bị thâu tóm bởi một đối thủ Bắc Mỹ trong vòng một năm qua.
Việc giảm sút các vụ M&A trong nước là yếu tố khiến cho Anh - từng là thị trường lớn thứ hai trên thế giới về M&A sau Mỹ - tụt xuống thứ ba, đứng sau cả Trung Quốc trong hai năm qua.
Theo Dealogic, mặc dù giá trị các thương vụ M&A đã tăng lên trong năm nay, nhưng con số này vẫn giảm gần 1/4 so với đỉnh điểm năm 2000 khi mà các hợp đồng với tổng trị giá lên tới 386 tỷ USD được thực hiện cho đến thời điểm này của năm.
Trong khi đó, số các vụ M&A do các công ty Anh tiến hành ở nước ngoài đã giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Một số nhà tư vấn cho rằng cuộc khủng hoảng hiện nay ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khiến cho các công ty Anh e ngại đầu tư lớn vào các vụ M&A ở nước ngoài mặc dù các công ty này có khoản dự trữ tiền mặt lớn.
Ngoài ra, ảnh hưởng ngày càng lớn của các giám đốc không tham gia điều hành đối với các quyết định của ban quan trị các công ty trong những năm gần đây cũng là một nguyên nhân làm thay đổi xu hướng này, nhất là sau khi các hợp đồng trị giá hàng tỷ bảng của công ty an ninh tư nhân G4S và tập đoàn bảo hiểm Prudential bị đổ vỡ.
Một số nhà phân tích cho rằng cơ hội cho các công ty trong nước thực hiện M&A là khá ít ỏi ngay cả khi nền kinh tế Anh có thể phục hồi trong những năm tới đây./.
Huy Hiệp
vietnam+
|