Mỹ là điểm sáng nhất trong bức tranh tối của nền kinh tế toàn cầu
Từ đầu năm đến nay, chứng khoán Mỹ tăng trưởng vượt trội so với chứng khoán toàn cầu khi tăng đến 12%. Mức chênh lệch tăng trưởng giữa S&P 500 và chứng khoán toàn cầu đạt cao nhất trong gần 14 năm qua.
Kết quả khả quan trên là nhờ lợi nhuận doanh nghiệp tốt hơn so với kỳ vọng và dự báo Fed sẽ hành động để kích thích nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Cụ thể, từ đầu năm đến nay, S&P 500 tăng tổng cộng 12%, gần gấp đôi so với mức tăng 6.1% của chỉ số MSCI Thế giới (trừ Mỹ). Theo số liệu của Bloomberg, đây là mức chênh lệch lớn nhất kể từ năm 1998.
Còn trong vòng 12 tháng qua, S&P 500 nhảy vọt 26%, mạnh hơn tốc độ bứt phá 22% của chỉ số Stoxx Europe 600 và bỏ xa mức tăng 1.4% của chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương so với thời điểm tháng 8/2011.
Ông E. William Stone, chiến lược gia trưởng của PNC Wealth Management tại Philadelphia nhận định: “Mỹ là điểm sáng nhất trong bức tranh tối của nền kinh tế toàn cầu. Kết quả lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng và hầu hết các số liệu gần đây đều vượt dự báo. Dù vậy, hai yếu tố tích cực này là chưa đủ nên nới lỏng định lượng vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ”.
Số liệu của Bloomberg cho thấy khoảng 72% công ty thuộc chỉ số S&P 500 công bố lợi nhuận cao hơn ước tính của các nhà phân tích. Trong khi đó, các báo cáo khác lại cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ bất ngờ sụt giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 7 và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn duy trì trên mức 8% kể từ tháng 2/2009.
Tháng trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke nhận định trước Thượng viện Mỹ rằng các nhà làm chính sách đang tìm cách để giải quyết sự yếu kém của nền kinh tế nếu hành động này là cần thiết để thúc đẩy đà phục hồi của thị trường lao động.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|