Quanh chuyện Apple trở thành công ty lớn nhất lịch sử Mỹ
Giá trị vốn hóa thị trường của hãng công nghệ Apple vừa lập đỉnh cao mới, đưa “quả táo” trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa lớn chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Tờ Wall Street Journal cho biết, trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (20/8), giá trị vốn hóa của Apple đã lên tới con số kỷ lục 623,52 tỷ USD. Dấu mốc này được xác lập ở vào thời điểm mà ảnh hưởng của Apple đối với nền kinh tế, thị trường chứng khoán, và cả văn hóa Mỹ được coi là ngang ngửa với những doanh nghiệp hùng mạnh nhất trong lịch sử nước này như hãng xe General Motors (GM), hãng phần mềm Microsoft, hay hãng máy tính IBM.
“Apple là một trong những công ty đã trở thành biểu tượng đó. Sản phẩm của các công ty này được mọi đối tượng người tiêu dùng đón nhận, và lãnh đạo của các công ty này được xem như những vị thần”, giáo sư lịch sử tài chính Richard Silla thuộc Đại học New York nhận định.
Giá trị vốn hóa danh nghĩa, chưa tính đến yếu tố lạm phát, của Apple vào cuối phiên giao dịch đầu tuần đã phá vỡ kỷ lục trước đó mà Microsoft thiết lập vào tháng 12/1999. Ở thời điểm đó, giá trị vốn hóa của hãng phần mềm lớn nhất thế giới đạt 616,34 tỷ USD.
Mức giá trị vốn hóa hiện tại của Apple đang cao hơn 200 tỷ USD so với đối thủ gần nhất tại Mỹ Exxon Mobil. Khoảng cách giá trị vốn hóa như vậy giữa Apple và Exxon đã gần bằng giá trị vốn hóa của hãng IBM.
Cách đây 1 năm, Apple đã vượt Exxon Mobil trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất, dù vẫn thua kỷ lục mà Microsoft lập được. Chỉ vài tháng sau đó, Apple đã nhanh chóng nới rộng khoảng cách với Exxon.
Thậm chí sau khi người đồng sáng lập hãng là huyền thoại Steve Jobs qua đời vào tháng 10 năm ngoái, giá trị vốn hóa của Apple cũng không ngừng tăng. Mức vốn hóa cũng không ngừng đi lên sau khi Apple công bố doanh số và tăng trưởng lợi nhuận quý gần nhất ít nhiều gây thất vọng cho các nhà đầu tư. Sự gia tăng giá trị vốn hóa thị trường của Apple cũng có vẻ như không chịu ảnh hưởng khi hãng chưa đưa ra được một dòng sản phẩm mới nào kể từ chiếc iPad hồi đầu năm 2010.
Lối đi về thiết kế và công nghệ của Apple đã trở thành chuẩn mực cho các hãng công nghệ khác. Chính điều này đã góp phần gây ra những vụ kiện tụng, tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, điển hình là các cuộc đấu đá pháp lý với đối thủ Hàn Quốc Samsung xung quanh vấn đề thiết kế và công nghệ sản phẩm.
Vấn đề mà các nhà đầu tư và giới sành công nghệ đặt ra lúc này là liệu Apple có thể duy trì năng lực hiện nay cho đến khi nào. Thách thức của hãng sẽ là tiếp tục thu hút người tiêu dùng bằng những sản phẩm được kỳ vọng trong tương lai, bao gồm một chiếc iPhone có màn hình lớn hơn và một chiếc iPad có kích thước nhỏ hơn. Ngoài ra, nguồn tin thân cận cũng tiết lộ rằng, Apple đang muốn tạo ra những thay đổi lớn trong lĩnh vực truyền hình bằng một thiết bị mới.
Thách thức mà Apple đang đối mặt cũng là thách thức mà các hãng công nghệ khác như Microsoft, GM và IBM phải đương đầu. Một công ty đạt doanh số càng lớn thì càng khó duy trì tốc độ tăng trưởng lợi nhuận và doanh thu cao, đồng thời cũng khó tiếp tục phát triển sản phẩm và duy trì thứ văn hóa gây cảm hứng cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp đối thủ.
Thực tế cho thấy, các công ty nhỏ tìm ra cho mình được hướng đi mới thường trở nên lớn mạnh, tăng trưởng nhanh và có thể thế chỗ những doanh nghiệp lớn hơn. Theo ông Sylla, thực tế này cũng giống như Apple vượt qua Microsoft, và sẽ đến lúc có một công ty khác thay thế Apple. Điều này cũng sẽ đúng với những “đại gia” mới khác trong làng công nghệ như Google hay Amazon.com.
Giá trị vốn hóa của Microsoft đã lao dốc khi bong bóng công nghệ vỡ tung ở Mỹ vào tháng 3/2000, chỉ vài tháng sau khi giá trị vốn hóa của hãng này lập kỷ lục. Trong vòng 1 năm, giá cổ phiếu Microsoft đã giảm hơn một nửa và kể từ đó đến nay vẫn chưa thể lập lại được mức kỷ lục cũ. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 20/8, giá cổ phiếu Microsoft là 30,74 USD/cổ phiếu, nhỉnh hơn chút đỉnh so với một nửa mức giá ở thời kỳ đỉnh cao.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu Apple đã tăng 64%. Cổ phiếu này hấp dẫn các nhà đầu tư cả lớn lẫn nhỏ. Ít nhất đã có hai nhà phân tích dự báo cổ phiếu Apple sẽ vượt mức giá 1.000 USD/cổ phiếu trong năm nay, tăng 50% so với mức đóng cửa 665,15 USD/cổ phiếu của phiên 20/8. Riêng từ ngày 25/7 tới nay, cổ phiếu Apple đã tăng giá 16%.
Theo các chuyên gia, để Apple vượt mức giá trị vốn hóa kỷ lục vào năm 2009 mà Microsoft xác lập có tính tới lạm phát, giá cổ phiếu của Apple phải lên trên mức 900 USD/cổ phiếu.
Nhu cầu mạnh đối với các sản phẩm iPhone và iPad đã đẩy doanh thu và lợi nhuận của Apple lên mức kỷ lục trong năm nay. Một yếu tố khác hỗ trợ cho giá cổ phiếu Apple là quyết định trả cổ tức hàng quý lần đầu tiên trong gần 2 thập kỷ.
Tuy nhiên, Apple không phải là công ty duy nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ có giá cổ phiếu đạt mức cao mới trong mùa hè năm nay. Tháng trước, giá cổ phiếu hãng bán lẻ Wal-Mart đã lập kỷ lục ở mức 75 USD/cổ phiếu sau hơn 1 thập kỷ ở ngưỡng 50 USD/cổ phiếu. Giá cổ phiếu hãng IBM cũng lên cao kỷ lục trên 200 USD/cổ phiếu vào hồi tháng 4.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall đóng cửa phiên 20/8 ở mức 13.271,64 điểm, gần mức cao nhất kể từ tháng 12/2007.
An Huy
tbktvn
|