Chủ Nhật, 05/08/2012 21:16

Mỹ cần thiết phải điều chỉnh động cơ tăng trưởng

Mạng tin economywatch.com nhận định tiềm năng mạnh mẽ của người tiêu dùng Mỹ giờ đây chỉ còn là dư âm của quá khứ, với tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng thực tế trong quý 2 năm nay chỉ đạt 1,5% (trong điều kiện lạm phát đã được điều chỉnh).

Trong 18 quý qua, tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng thực tế hàng năm của Mỹ chỉ đạt mức trung bình 0,7%, so với mức 3,6% của thập niên trước. Có thể nói, chưa bao giờ tăng trưởng tiêu dùng tại Mỹ lại trì trệ lâu như vậy.

Nguyên nhân thật đơn giản, người tiêu dùng Mỹ đã đặt cược lớn vào cả hai bong bóng - nhà ở và tín dụng - đã khiến cho các hộ gia đình Mỹ rơi vào tình trạng phá sản và gánh mức nợ cao kỷ lục. Đồng thời, sự kết hợp giữa tỷ lệ thất nghiệp cao và tăng trưởng thu nhập thấp đã thắt chặt thòng lọng vào người tiêu dùng Mỹ trong dài hạn. Giờ đây, người tiêu dùng Mỹ buộc phải chuyển hướng, giảm bớt chi tiêu, sử dụng số tiền thu nhập ít ỏi để trả nợ và thực hành tiết kiệm.

Việc người tiêu dùng không có việc làm đã đảo ngược những tính toán trong tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Tiêu thụ thường chiếm khoảng 70% GDP (chính xác là 71% trong quý 2/2012). Tuy nhiên, với mức 70% chỉ đủ cho tăng trưởng vừa phải, không thể mở rộng mạnh trong tương lai gần. Và mức độ phục hồi của kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào 30% phần còn lại của nền kinh tế. 30% này bao gồm 4 thành phần là chi tiêu vốn của các công ty, xuất khẩu ròng, xây dựng khu dân cư và hoạt động mua sắm của chính phủ.

Với tỷ lệ 0,7% tăng trưởng tiêu thụ thực tế trong hơn 4 năm qua, sự phục hồi kinh tế Mỹ từ những hậu quả tồi tệ của cuộc Đại suy thoái gần như là điều kỳ diệu. Và yếu tố thúc đẩy chính là từ 30% còn lại, đặc biệt là trong xuất khẩu và sự phục hồi mạnh mẽ của chi tiêu vốn kinh doanh. Khu vực công di chuyển theo hướng ngược lại, bởi việc cắt giảm chi tiêu đã được thực hiện ở nhiều cấp kể từ sau cuộc khủng hoảng thâm hụt. Trong khi đó, lĩnh vực nhà ở mặc dù có sự hồi phục trong 5 quý qua, nhưng thật đáng tiếc bởi sự tăng trưởng trong lĩnh vực này ít tác động đến toàn bộ nền kinh tế.

Trong nhiều năm tới, tăng trưởng tiêu dùng Mỹ có thể sẽ vẫn còn yếu và bởi vậy các nhà lãnh đạo Mỹ cần phải tập trung nhiều hơn vào 30% còn lại. Trong số 4 thành phần đóng góp cho tăng trưởng, tiềm năng lớn nhất có thể làm lên một sự khác biệt đó là chi tiêu vốn của các công ty và xuất khẩu.

Tỷ lệ 70/30 đã nhấn mạnh những thách thức mà người Mỹ phải đối mặt trước yêu cầu cân bằng lại sự phụ thuộc quá nhiều vào nhu cầu nội bộ với phát triển nhu cầu từ bên ngoài. Chi phí vốn và xuất khẩu của Mỹ chiếm khoảng 24% GDP và là chìa khóa cho sự chuyển đổi này. 30% phần còn lại cũng là biểu tượng của một vấn đề chiến lược sâu sắc hơn rằng nước Mỹ phải đối mặt với một thách thức cạnh tranh lớn.

Một sự thay đổi nhu cầu từ bên ngoài không phải là chuyện đơn giản, người Mỹ cần phải quyết tâm và nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Mỹ đã và đang tụt hậu. Theo Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2011/ 2012, Mỹ đã rơi xuống vị trí thứ 5, từ vị trí thứ 4 của năm trước, đánh dấu rõ nét xu hướng đi xuống kể từ năm 2005./.

Thanh Hải

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Ngân hàng BCE cấp tín dụng khẩn cấp cho Hy Lạp (05/08/2012)

>   S&P hạ chỉ số tín nhiệm với 15 ngân hàng của Italy (04/08/2012)

>   Tây Ban Nha công bố kế hoạch giảm chi tiêu mới (04/08/2012)

>   Cha đẻ ngân hàng Grameen gặp rắc rối mới (04/08/2012)

>   Khi nhà băng là sân sau của ma túy và tội phạm (03/08/2012)

>   4 đầu tàu “hết dầu” của kinh tế toàn cầu (03/08/2012)

>   Kinh tế châu Âu sẽ về đâu? (03/08/2012)

>   IMF thúc giục Nga hạ nhiệt nền kinh tế (03/08/2012)

>   TBN và Italy bác thông tin về gói cứu trợ tổng thể (03/08/2012)

>   BoE quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản 0,5% (03/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật