Kinh tế châu Âu sẽ về đâu?
Chuyên gia kinh tế trưởng Elga Bartsch của Morgan Stanley và nhóm nghiên cứu của bà vừa công bố dự báo mới nhất về các nền kinh tế lớn của châu Âu với triển vọng nhìn chung tương đối u ám.
Dưới tác động của cuộc khủng hoảng nợ công vẫn còn tiếp diễn tại Eurozone, lục địa này đang đối mặt với sự suy giảm mạnh của lĩnh vực thương mại khi các quốc gia tiến hành “thắt lưng buộc bụng” nhằm đưa khoản nợ công ngày càng phình to về mức ổn định. Do đó, mọi người dân của khu vực này ít nhiều đều gánh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo Morgan Stanley vẫn có một vài quốc gia có tiềm năng tăng trưởng tốt.
Tổng quan: Eurozone sẽ tiếp tục mắc kẹt trong suy thoái
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: -0.5%
· 2013: 0.0%
· 2014-2018: 1.4%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 11.2%
· 2013: 11.9%
Morgan Stanley cho biết có thể hạ dự báo tăng trưởng của Eurozone do sự bất ổn của các chính sách tại khu vực và các biện pháp cắt giảm chi tiêu khắc nghiệt.
1. Đức: Không thể thoát khỏi suy thoái
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: 0.9%
· 2013: 0.8%
· 2014-2018: 1.5%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 5.6%
· 2013: 5.6%
Morgan Stanley nhận định dù động lực cho đà tăng trưởng của nhu cầu nội địa tại Đức tương đối mạnh nhưng kim ngạch xuất khẩu ròng lại giảm sút do nhu cầu tại Eurozone giảm sâu.
2. Pháp: Chi tiêu tiêu dùng sẽ sụt giảm do người dân thất nghiệp
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: 0.3%
· 2013: 0.5%
· 2014-2018: 1.7%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 9.7%
· 2013: 9.9%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Pháp sẽ tiếp tục leo thang, Morgan Stanley cho rằng tiêu thụ tư nhân có thể tăng trưởng với tốc độ cực kỳ khiêm tốn vì nhiều khả năng thu nhập sẽ suy giảm cùng với các điều kiện ngày càng sa sút của thị trường lao động.
3. Ý: Dễ bị tác động dây chuyền từ các khó khăn của hệ thống tài chính
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: -2.5%
· 2013: -1.0%
· 2014-2018: 1.0%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 11.0%
· 2013: 12.0%
Theo các nhà phân tích của Morgan Stanley, hàng loạt khó khăn tại Ý đồng nghĩa với việc quốc gia này có thể là con bài domino tiếp theo của cuộc khủng hoảng nợ. Các nhà phân tích cho biết tình hình chính trị nhạy cảm và mối lo ngại về tình hình tài chính của khu vực cũng như bảng cân đối kế toán của các ngân hàng có thể khiến Ý rất dễ bị tổn thương.
4. Tây Ban Nha: Hoạt động kinh tế sẽ tiếp tục giảm sâu
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: -2.2%
· 2013: -1.3%
· 2014-2018: 1.0%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 25.2%
· 2013: 25.4%
Dù Tây Ban Nha đang gặp nhiều khó khăn bởi hệ thống ngân hàng nước này đã mất khả năng trả nợ bên cạnh một số rủi ro khác kèm theo nhưng Morgan Stanley vẫn nhận thấy một điểm sáng là xuất khẩu của nước này rất khả quan và sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh hơn. Đây chính là lợi thế của Tây Ban Nha trong dài hạn.
5. Hà Lan: Suy thoái trở lại trong nửa cuối 2012
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: -0.6%
· 2013: 0.2%
· 2014-2018: 1.3%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 5.2%
· 2013: 5.5%
Dù kinh tế Hà Lan đã tăng trưởng trở lại trong năm nay nhưng Morgan Stanley cho rằng việc người tiêu dùng sử dụng đòn bẩy cao là dấu hiệu của sự yếu kém bên cạnh đà sụt giảm của thị trường chứng khoán và giá nhà ở. Ngoài ra, triển vọng nhu cầu nội địa của quốc gia có xếp hạng AAA này tương đối ảm đạm.
6. Áo: Tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan hơn so với mức chung của toàn khu vực
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: 0.6%
· 2013: 1.0%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 4.0%
· 2013: 3.9%
Dù các nhà phân tích Morgan Stanley dự báo tình hình của Áo sẽ khả quan hơn các quốc gia láng giềng nhưng nước này cũng vấp phải một số khó khăn chung. Theo các nhà phân tích, quá trình củng cố tài khóa sẽ tác động xấu đến tăng trưởng trong năm 2013. Ngược lại, tăng trưởng giảm tốc có thể cản trở quá trình củng cố tài khóa. Hơn nữa, sự liên quan của Chính phủ đến gói giải cứu ngân hàng (chiếm 6% GDP) cũng sẽ tác động xấu đến quá trình này.
7. Bỉ: Các biện pháp kích thích sắp được áp dụng sẽ không cứu được nền kinh tế
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: 0.2%
· 2013: 0.7%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 7.3%
· 2013: 7.6%
Bỉ đang đối mặt với nhiều vấn đề tương tự như các quốc gia láng giềng khi lĩnh vực thương mại Eurozone tiếp tục suy giảm. Morgan Stanley cho rằng dù kế hoạch kích thích có thể được áp dụng nhưng tiêu dùng của lĩnh vực tư nhân sẽ tiếp tục suy yếu cùng với các điều kiện ngày càng trầm trọng trên thị trường việc làm. Trong khi đó, các điều kiện tài chính thắt chặt sẽ tác động đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp.
8. Bồ Đào Nha: Có thể phải tái cấu trúc nợ một lần nữa
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: -3.0%
· 2013: -1.8%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 18.4%
· 2013: 20.6%
Morgan Stanley cho rằng dù cho tới nay Bồ Đào Nha tuân thủ khá tốt các điều khoản của gói giải cứu nhưng sự quyết tâm tránh khỏi kịch bản tái cấu trúc nợ của châu Âu trong thời điểm hiện nay có thể gặp phải nhiều khó khăn nếu các yếu tố cơ bản tiếp tục sa sút.
9. Hy Lạp: Có thể tiếp tục khiến mọi người rơi vào ác mộng
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: -8.0%
· 2013: -3.0%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 22.6%
· 2013: 25.1%
Năm 2013, Hy Lạp có thể tiếp tục suy thoái năm thứ 5 liên tiếp. Morgan Stanley cảnh báo khi cán cân ngân sách cơ bản của Hy Lạp đạt được tình trạng cân bằng trong một năm tới, nước này có thể yêu cầu tái đàm phán về các điều khoản của chương trình cắt giảm chi tiêu và xem xét vỡ nợ hoặc thậm chí tính đến khả năng rút lui khỏi khu vực đồng tiền chung.
10. Phần Lan: Nhập khẩu tăng và xuất khẩu giảm sẽ “giữ chân” nền kinh tế
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: 0.9%
· 2013: 1.3%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 7.7%
· 2013: 7.8%
Phần Lan đang xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia phát triển trên toàn thế giới nhưng hiện nay nhu cầu nhập khẩu của các quốc gia này lại suy yếu. Tuy nhiên, Morgan Stanley cho rằng nhu cầu nội địa có thể tiếp tục đóng góp tích cực cho đà tăng trưởng chung.
11. Đan Mạch: Bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ Eurozone tương tự các quốc gia khác nhưng áp dụng rất ít biện pháp kích thích tài khóa
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: 0.5%
· 2013: 1.3%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 7.8%
· 2013: 7.7%
Dù xuất khẩu của Đan Mạch không mạnh như các quốc gia châu Âu khác nhưng Morgan Stanley dự báo “Đan Mạch sẽ tránh được suy thoái nhờ gói kích thích tài khóa mức lãi suất siêu thấp đã hỗ trợ chi tiêu tiêu dùng và chi phí vốn”.
12. Ireland: Quốc gia ngoại vi duy nhất tăng trưởng trong năm 2012 và 2013
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: 0.3%
· 2013: 1.9%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 14.7%
· 2013: 14.3%
Morgan Stanley cho rằng các yếu tố cơ bản tương đối khả quan hơn so với những quốc gia ngoại vi khác sẽ là động lực thúc đẩy đà phục hồi kinh tế Ireland. Theo Morgan Stanley, các cuộc đàm phán giữa Chính phủ nước này với các chủ nợ về điều khoản của gói giải cứu là một bước đi quan trọng và có thể cải thiện đáng kể sự ổn định của các khoản nợ công. Khi nợ công của Ireland lên tới 64 tỷ EUR (tương đương 40% GDP), Chính phủ nước này có thể hết sạch tiền.
13. Anh: Đang và sẽ rơi vào tình trạng hết sức bấp bênh
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: -0.5%
· 2013: 1.0%
· 2014-2018: 1.9%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 8.3%
· 2013: 8.3%
Morgan Stanley cho rằng các diễn biến của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone rất quan trọng đối với tăng trưởng của Anh. Do triển vọng khó khăn của hầu hết các quốc gia còn lại của châu Âu khi các nước này tiếp tục “thắt lưng buộc bụng” nên hoạt động xuất khẩu và đầu tư kinh doanh của Anh sẽ bị ảnh hưởng.
14. Thụy Điển: Bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng nợ Eurozone tương tự các quốc gia khác nhưng có khả năng đương đầu với cuộc khủng hoảng này
Dự báo tăng trưởng GDP
· 2012: 0.5%
· 2013: 1.4%
· 2014-2018: 2.3%
Dự báo tỷ lệ thất nghiệp
· 2012: 7.8%
· 2013: 7.9%
Kinh tế Thụy Điển đã và đang đạt được mức tăng trưởng khả quan hơn so với các quốc gia láng giềng trong Eurozone và Morgan Stanley dự báo điều này sẽ tiếp tục kéo dài thậm chí khi tăng trưởng của nước này chậm lại. Các nhà phân tích Morgan Stanley cho rằng: “Thụy Điển có khả năng duy trì được tình hình tài chính vững mạnh. Cán cân ngân sách có thể bị thâm hụt nhẹ trong năm 2012 nhưng sẽ cân bằng trở lại trong năm 2013”.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|