Chủ Nhật, 05/08/2012 22:32

Mất trắng gia sản vì... tư vấn

Vì sao một thương vụ tư vấn mua bán - sáp nhập cách đây cả chục năm đang quay về ám ảnh Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs? Bài viết sau dựa vào một điều tra trên tờ New York Times.

 

Hai “khổ chủ” - ông bà James và Janet Baker - Ảnh: NY Times

Câu chuyện bắt đầu từ thập niên 1970 khi đôi vợ chồng James và Janet Baker đều là tiến sĩ, bắt tay vào công nghệ nhận dạng giọng nói. Họ được giới công nghệ thông tin đến nay thừa nhận là đã giúp công nghệ nhận dạng giọng nói có những bước tiến vượt bậc nhờ một phát kiến của ông James Baker hồi làm luận án tiến sĩ. Đó là phát kiến có thể nhận dạng giọng nói nhờ thuật toán chứ không cần dạy máy tính nhận ra ngữ điệu hay phương ngữ.

Nói cách khác, vấn đề là tính toán xác suất một âm xuất hiện sau một âm khác như thế nào. Thuật toán của James Baker được chứng minh là rất chính xác, sau này trở thành chuẩn mực cho ngành này.

Ông bà Baker thành lập Công ty Dragon Systems vào năm 1982. Sau, để có vốn phát triển, họ bán 25% công ty cho Seagate Technology lấy 20 triệu USD. Năm 1997, Dragon Systems tung ra thị trường phần mềm Dragon Naturally Speaking, một chương trình nhận dạng giọng nói với vốn từ ngữ nhiều hơn cả cuốn từ điển loại trung. Phần mềm này đã xử lý được giọng nói với tốc độ bình thường, hiểu được sáu ngôn ngữ, biết phân biệt những từ gần giống nhau. Lúc này những hãng lớn như IBM cũng nhảy vào thị trường này và nhiều hãng như Sony và Intel ngỏ ý muốn mua lại Dragon. Một trong những lời chào mua như thế đến từ một công ty của Bỉ - Lernout & Hauspie (L&H).

Trả 5 triệu USD tư vấn...

Với những người chỉ biết chuyên môn như vợ chồng Baker, họ nghĩ tốt nhất nên nhờ dân chuyên nghiệp đứng ra lo chuyện mua bán - sáp nhập. Thế là năm 1999, họ đã ký một hợp đồng tư vấn dài năm trang với Goldman Sachs, lệ phí là 5 triệu USD. Để lo thương vụ này, Goldman Sachs phân công bốn chuyên viên, trong đó hai người ở độ tuổi 20 và một người mới qua độ tuổi 30. Đấy cũng là chuyện bình thường vì Dragon, với doanh thu 70 triệu USD và 400 nhân viên, chỉ là khách hàng thuộc loại nhỏ đối với Goldman Sachs. Vấn đề là không ai biết ai là người của Goldman Sachs đứng ra điều phối bốn chuyên viên này, ai là người chịu trách nhiệm chính và cách bốn “chuyên gia” đã tư vấn như thế nào.

Thật ra, ba người trong số này không dừng chân lâu với Goldman Sachs: Richard Wayner, lúc đó 32 tuổi, nghỉ làm ở Goldman Sachs vào năm 2002 rồi chuyển qua một hãng đầu tư khác. T. Otey Smith, lúc đó mới 21 tuổi, rời Goldman Sachs vào năm 2000. Alexander Berzofsky, lúc đó 25 tuổi, cũng bỏ Goldman Sachs vào cùng thời điểm. Chỉ Chris Fine, lúc đó 42 tuổi, chuyên viên tin học của Goldman Sachs, nay vẫn còn làm cho ngân hàng này.

Trước khi ký hợp đồng, Goldman Sachs gửi cho Dragon một bản ghi nhớ, chỉ rõ bước đầu tiên sẽ là thẩm định toàn diện L&H gồm có xem xét nguồn thu, khách hàng chính, hợp đồng bản quyền, mức tăng trưởng, đối tác và bảng báo cáo tài chính của L&H.

Tháng 12-1999, Richard Wayner đi cùng bà Baker và kế toán trưởng của Dragon qua Bỉ gặp lãnh đạo L&H. Thoạt tiên L&H chào giá 580 triệu USD, một nửa trả bằng tiền mặt, một nửa bằng cổ phiếu. Gia đình Baker cân nhắc và sau đó thúc giục Goldman Sachs làm nhanh bước thẩm định toàn diện và cứ tưởng Goldman Sachs nắm rõ tình hình của L&H, vì họ trả cho ngân hàng này đến 5 triệu USD chỉ để làm chuyện tư vấn ấy.

Có lần bà Baker yêu cầu và Richard Wayner thu xếp cuộc trò chuyện giữa đại diện Dragon và Charles Elliott, một chuyên gia phân tích của Goldman Sachs ở London. Dragon thắc mắc vì sao giá cổ phiếu L&H dao động dữ dội, Elliott khẳng định đang theo sát cổ phiếu L&H, trấn an Dragon rằng dao động đó là của chung trị trường chứ không riêng gì L&H, rằng giá của công ty sau sáp nhập sẽ tăng mạnh.

Ông bà Baker thập niên 1990, khi giới thiệu phần mềm nhận dạng giọng nói Dragon Naturally Speaking - Ảnh: Tư liệu gia đình Baker
Ông bà Baker thập niên 1990, khi giới thiệu phần mềm nhận dạng giọng nói Dragon Naturally Speaking - Ảnh: Tư liệu gia đình Baker

Ông bà Baker thập niên 1990, khi giới thiệu phần mềm nhận dạng giọng nói Dragon Naturally Speaking - Ảnh: Tư liệu gia đình Baker

... Để mất từ công ty đến phần mềm

Nay trong bản khai của mình, ông Elliott kể một câu chuyện khác. Ông thừa nhận không theo dõi cổ phiếu L&H - đó là trách nhiệm của một chuyên gia phân tích khác, người đã nghỉ việc ở Goldman Sachs sau khi nhà Baker ký hợp đồng tư vấn. Sau khi một chuyên gia phân tích khác nghỉ việc, Goldman không phân công ai theo dõi L&H nữa mà cũng chẳng ai báo cho gia đình Baker biết việc này.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán đang bùng nổ, liên tục đạt những mốc kỷ lục mới, Dragon tiếp xúc lần cuối cùng với L&H để tìm cách kết thúc giao dịch. Trước cuộc họp mấy ngày Richard Wayner cho biết anh ta sẽ đi nghỉ phép, không dự được, cũng chẳng có ai từ Goldman Sachs tham dự cả. Tại cuộc họp, L&H đề nghị chuyển thỏa thuận 580 triệu USD từ một nửa tiền mặt, một nửa cổ phiếu thành toàn bộ trả bằng cổ phiếu. Gia đình Baker đồng ý thông qua việc sáp nhập Dragon vào L&H với giá 580 triệu USD trả bằng cổ phiếu L&H.

Phi vụ kết thúc vào ngày 7-6-2000, đến ngày 8-8 nổ ra chuyện L&H giả mạo sổ sách. Báo chí vào cuộc - họ làm những chuyện lẽ ra các chuyên viên Goldman Sachs đã phải làm: gọi điện cho những nơi cứ tưởng là khách hàng của L&H ở châu Á. Hóa ra tất cả đều là ảo, L&H bịa ra những con số tuyệt vời để làm đẹp sổ sách.

Đến ngày 29-11-2000, L&H phá sản, hai nhà sáng lập vào tù vì tội giả mạo giấy tờ và thao túng giá cổ phiếu, 580 triệu USD tính bằng cổ phiếu L&H nay trở thành giấy vụn và gia đình Baker mất trắng gia sản. Các phần mềm của Dragon Systems bị đem ra bán đấu giá. ScanSoft mua phần lớn công nghệ của Dragon, sau này trở thành một công ty hàng đầu, trị giá 7 tỉ USD, độc quyền hợp tác với Apple trong lĩnh vực nhận dạng giọng nói.

Nghe đâu chương trình Siri của Apple cũng từ đây mà ra. Chỉ đến các phiên đấu giá, gia đình Baker mới nhận thức được mất mát của họ. Mất hết tiền là một chuyện; công nghệ của họ, những đứa con tinh thần, cũng bị rơi vào tay người khác mà họ không làm được gì cả. Công ty họ dày công xây dựng trong hơn hai thập niên giờ đây tan rã nhanh chóng.

Nay gia đình Baker kiện Goldman Sachs ra tòa, đòi bồi thường 1 tỉ USD vì đã cử người không có ai giám sát, thiếu kinh nghiệm, bất tài, lười biếng, thiếu tinh thần trách nhiệm. Thế nhưng Goldman Sachs phủi tay, bảo họ đã làm hết trách nhiệm, thậm chí còn đòi kiện ngược lại bà Baker vì đã vi phạm hợp đồng. Một trong bốn “chuyên gia” Goldman Sachs là Berzofsky còn khẳng định nhóm của anh ta đã làm tốt vai trò. Goldman nay tuyên bố chỉ có Công ty Dragon mới có thẩm quyền kiện họ nhưng pháp nhân này đã bị giải thể, ông bà Baker không liên quan gì đến họ.

Theo lịch, vụ việc gia đình Baker kiện Goldman Sachs sẽ được đưa ra xử vào ngày 6-11 tới tại Boston. Hãy chờ xem công lý đứng về phía nào.

BẢO KHANH

tuổi trẻ cuối tuần

Các tin tức khác

>   Thị trường chứng khoán mới nổi trở thành nam châm hút tiền (04/08/2012)

>   Tỷ phú Buffett lỗ hàng trăm triệu USD từ chứng khoán phái sinh (04/08/2012)

>   Heineken thâu tóm thành công nhà sản xuất Tiger (04/08/2012)

>   Phiên đảo chiều ấn tượng giúp chứng khoán Mỹ thoát hiểm trong tuần (04/08/2012)

>   Thị trường chứng khoán Tokyo đồng ý cho JAL trở lại (03/08/2012)

>   Những sếp công nghệ “méo mặt” vì cổ phiếu (03/08/2012)

>   Chứng khoán Mỹ thất vọng tràn trề với ECB (03/08/2012)

>   F&N trì hoãn kế hoạch thâu tóm Tiger của Heineken (02/08/2012)

>   Chứng khoán Mỹ giảm sau sự cố kỹ thuật tại Knight Capital (02/08/2012)

>   S&P 500 tăng gần 10% sau 7 tháng (01/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật