Thứ Sáu, 03/08/2012 07:25

Những sếp công nghệ “méo mặt” vì cổ phiếu


Những tỷ phú, triệu phú bị mất tiền đột ngột vì giá cổ phiếu sụt giảm như nhà sáng Facebook, Mark Zuckerberg, giờ được miêu tả bằng một “thuật ngữ” mới: “bị Zucked”.

Trang CNBC cho biết, chính những pha mất tiền đột ngột vì giá cổ phiếu giảm chóng mặt của tỷ phú Mark Zuckerberg gần đây đã dẫn tới sự ra đời của từ mới nói trên. Cuộc thăng trầm về giá trị tài sản của lớp tỷ phú công nghệ mới hiện nay, mà Zuckerberg là điển hình, cũng giống như những gì đã xảy ra khi bong bóng dotcom vỡ tung vào đầu những năm 2000, nhưng chu kỳ sản sinh và mất mát tài sản trong lĩnh vực công nghệ giờ diễn ra với một tốc độ nhanh chóng hơn xưa nhiều.

Chí ít thì khối tài sản khổng lồ những tỷ phú, triệu phú của thời kỳ dotcom cũng liên tục tăng hoặc ổn định trong một vài năm. Trong khi đó, nhiều “đại gia” của lĩnh vực internet hiện nay chỉ có vài tháng, hoặc thậm chí là vài tuần được hưởng niềm vui là tỷ phú, triệu phú trên giấy tờ.

Chuyên gia Steven Kaplan đến từ Đại học Chicago nhận xét, chu kỳ tài sản mới của giới công nghệ phản ánh sự thật rằng, những khối tài sản đó phụ thuộc quá nhiều vào biến động của thị trường chứng khoán và tâm lý thay đổi thất thường của các nhà đầu tư.“Tài sản của những người giàu lên nhờ lĩnh vực truyền thông xã hội biến động rất mạnh. Điều này cho thấy, giá trị của các công ty trong lĩnh vực này đã trồi sụt mạnh trong năm qua cùng với những kỳ vọng lên xuống của các nhà đầu tư về dòng tiền và thành công trong tương lai của các công ty đó”, ông Kaplan nhận xét.

Chuyên gia này còn nói thêm: “Trên một phương diện nào đó, thực tế này cũng giống như sự biến động tài sản của giới công nghệ ở thời kỳ dotcom từ năm 1991-2000. Giới đầu tư khi đó đặt kỳ vọng quá lớn vào nhiều công ty công nghệ. Hiện nay, tài sản của những người giàu có trong lĩnh vực truyền thông xã hội sẽ phụ thuộc vào dòng tiền và kết quả kinh doanh mà các công ty của họ có thể tạo ra”.

Các nhà đầu tư cá nhân đã thiệt hại nặng khi đầu tư vào cổ phiếu của các công ty như Facebook. Bởi thế, thiệt hại của các nhà sáng lập các công ty như vậy chắc chắn không nhận được nhiều sự cảm thông, bởi các nhà sáng lập, dù mất nhiều tiền, vẫn còn trong tay hàng trăm triệu, thậm chí là hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, sự tăng cao rồi sụt sâu của nhiều cổ phiếu truyền thông xã hội tới thời điểm này cho thấy, sự giàu có đạt được từ lĩnh vực này là rất không ổn định. Trang CNBC đã điểm qua một số nhà sáng lập trong lĩnh vực truyền thông xã hội bị mất nhiều tiền nhất khi cổ phiếu mất giá - những người “bị Zucked”:

Mark Zuckerberg

Người sáng lập Facebook chính là điển hình của sự “giàu lên, nghèo đi” chóng vánh trong lĩnh vực truyền thông xã hội. Khi mạng này phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, giá trị cổ phần của Zuckerberg trong công ty là 20 tỷ USD, giúp anh giàu hơn cả những người sáng lập mạng tìm kiếm Google, đồng thời là người giàu thứ 29 trên thế giới.

Tuy nhiên, từ tháng 5 đến nay, giá trị tài sản của Zuckerberg trên giấy tờ đã “bốc hơi” mất hơn 9 tỷ USD, còn khoảng 10,8 tỷ USD. Hiện anh chỉ còn là người giàu thứ 72 thế giới theo xếp hạng của tạp chí Forbes, đồng thời đã tuột khỏi danh sách 40 người giàu nhất hành tinh của hãng tin tài chính Bloomberg. Zuckerberg đã tuyên bố, anh chỉ quan tâm tới việc thay đổi thế giới chứ không phải là làm giàu. Tuy nhiên, ở Sillicon Valley, tiền bạc là một thước đo, nếu không muốn nói là thước đo duy nhất, về sự thành công.

Dustin Moskovitz

Moskovitz là người đã giúp Zuckerberg sáng lập nên Facebook. Khi mạng này IPO, giá trị cổ phần Facebook mà Moskovitz nắm giữ là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, hiện nay, giá trị này chỉ còn chưa đầy 3 tỷ USD, đồng nghĩa với khoản thiệt hại hơn 2 tỷ USD. Xét về giá trị tuyệt đối, Moskovitz không mất nhiều tiền bằng Zuckerberg, nhưng tính ra, tỷ phú 28 tuổi này đã mất 40% giá trị tài sản.

Eric Lefkofsky

Lefkofsky đã bỏ ra 1 triệu USD để cùng với Andrew Mason để lập nên trang bán hàng theo nhóm mua Groupon. Khoản đầu tư ban đầu đó giờ đã thành số cổ phần trị giá hơn 830 triệu USD. Chưa kể, trước khi Groupon IPO, Lefkofsky đã bán ra một số cổ phiếu và thu về 200 triệu USD.

Đó là một khoản lời quá lớn, nhưng xét trên giấy tờ, thì giá trị tài sản của Lefkofsky trong Group đã giảm hơn 75%. Khi mới IPO, cổ phần của Lefkofsky có trị giá tới hơn 4 tỷ USD. Mặc dù vậy, Lefkofsky hiện vẫn là một tỷ phú nhờ cổ phần ở các công ty khác. Gần đây, anh tuyên bố sẽ dành nhiều thời gian và sức lực của mình cho các công ty khác thay vì Groupon.

Andrew Mason

CEO Andrew Mason của Groupon đã có lúc là tỷ phú. Trước khi vụ IPO của Groupon diễn ra, giới phân tích ước tính giá trị tài sản của Mason trong công ty này ở mức 840 triệu USD. Khi vụ IPO diễn ra, giá cổ phiếu của Group đạt đỉnh ở mức 30 USD/cổ phiếu, đưa Mason thành tỷ phú, nhưng chỉ trong có 18 ngày.

Từ cuối tháng 11 năm ngoái, giá cổ phiếu Groupon bắt đầu “đổ đèo”. Hiện nay giá cổ phiếu này chỉ còn bằng chưa đầy 1/4 so với giá ở thời điểm IPO, khiến giá trị tài sản của Mason trong Groupon chỉ còn khoảng 300 triệu USD.

Mark Pincus

Pincus, nhà sáng lập mạng Zynga đã từng sở hữu giá trị tài sản trên giấy tờ lên tới hơn 1 tỷ USD khi giá cổ phiếu mạng này đạt đỉnh ở mức gần 16 USD/cổ phiếu. Kể từ đó, giá cổ phiếu này đã giảm còn hơn 3 USD/cổ phiếu, khiến giá trị cổ phần của Pincus co cụm còn khoảng 270 triệu USD.

Các nhà đầu tư cổ phiếu Zynga đều biết rất rõ, Pincus đã bán ra cổ phiếu trước khi giá cổ phiếu mạng này rớt xuống đáy. Tháng 3 năm nay, nhiều lãnh đạo của Zinga, trong đó có Pincus, đã bán ra cổ phiếu trong một đợt chào bán đặc biệt. Trong đó, Pincus bán ra số cổ phiếu trị giá khoảng 200 triệu USD. CNBC đoán rằng, Pincus sẽ không dùng tiền này để đầu tư vào cổ phiếu các công ty trong lĩnh vực truyền thông xã hội.

An Huy

TBKTVN

Các tin tức khác

>   Chứng khoán Mỹ thất vọng tràn trề với ECB (03/08/2012)

>   F&N trì hoãn kế hoạch thâu tóm Tiger của Heineken (02/08/2012)

>   Chứng khoán Mỹ giảm sau sự cố kỹ thuật tại Knight Capital (02/08/2012)

>   S&P 500 tăng gần 10% sau 7 tháng (01/08/2012)

>   Telefonica bán cổ phiếu cho hãng Unicom của Trung Quốc (31/07/2012)

>   MU chào bán cổ phiếu giá tới 20 USD (31/07/2012)

>   Chứng khoán Mỹ ngập ngừng chờ động thái từ các NHTW (31/07/2012)

>   Đại cổ đông Facebook lỗ nặng (30/07/2012)

>   Tỷ phú Hong Kong 'bỏ túi 7 triệu USD nhờ giao dịch nội gián' (30/07/2012)

>   Chứng khoán toàn cầu và cuộc tháo chạy hơn 10 tỷ đô (28/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật