Thứ Năm, 30/08/2012 16:29

Mafia thao túng thị trường chứng khoán Sri Lanka

Thị trường chứng khoán Sri Lanka đang đối mặt với khủng hoảng niềm tin trầm trọng sau khi Chủ tịch Ủy ban giao dịch chứng khoán Sri Lanka Tilak Karunaratne từ chức vào ngày 17-8 với lý do không đủ sức đương đầu với “mafia chứng khoán” đang gây áp lực nhằm cản trở cuộc điều tra các vụ giao dịch nội gián và bơm thổi, đẩy giá cổ phiếu lên cao và rồi sau đó xả hàng.

Ông Karunaratne cho biết đã nhận chức vụ Chủ tịch Ủy ban giao dịch chứng khoán Sri Lanka với hy vọng sẽ làm được điều gì đó để đưa thị trường chứng khoán phát triển đúng hướng nhưng đã không nhận được sự ủng hộ từ những người bổ nhiệm ông. Do đó, ông buộc phải từ chức vì không còn sự lựa chọn nào khác.

Thị trường chứng khoán thành nơi rửa tiền?

Các tố cáo về nạn lũng đoạn, thao túng thị trường chứng khoán trị giá 14,5 tỉ đô la Mỹ không phải là thông tin mới mẻ nhưng đây là lần đầu tiên Ủy ban giao dịch chứng khoán Sri Lanka phải xử lý 17 vụ giao dịch nội gián và các sai phạm khác cùng lúc.

Bà Indrani Sugathadasa, người tiền nhiệm của ông Tilak Karunaratne cũng đã từ chức năm ngoái sau khi tuyên bố bà không thể thỏa hiệp với các nguyên tắc của bà.

Tuần trước, ông Dilith Jayaweera, một nhà đầu tư tầm cỡ ở Sri Lanka, phủ nhận thông tin nói rằng ông có dính líu đến băng nhóm mafia thao túng thị trường chứng khoán hay gây bất cứ áp lực nào dẫn đến việc ông Karunaratne từ chức. Ông còn tố ngược Ủy ban giao dịch chứng khoán Sri Lanka đã gieo rắc những thông tin tiêu cực khiến các nhà đầu tư hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán Sri Lanka đang trong đà sụt giảm trong những năm qua mặc dù tăng trưởng kinh tế của Sri Lanka sau thời kỳ hậu chiến đang diễn ra mạnh mẽ và đạt tốc độ 8% trong hai năm liên tiếp 2010 và 2011.

Cựu Ngoại trưởng Sri Lanka Mangala Samaraweera tố cáo nhà chức trách ngăn cản công việc của các quản lý thị trường và làm suy yếu uy tín của các thị trường huy động vốn ở Sri Lanka. Ông nói: “Sự thật đáng buồn hôm nay là Sàn giao dịch chứng khoán Colombo (Sri Lanka) đã trở thành trung tâm rửa tiền hàng đầu ở phía đông kênh đào Suez”.

Cần siết luật chứng khoán

Chính phủ Sri Lanka chưa bổ nhiệm chủ tịch mới cho Ủy ban chứng khoán Sri Lanka và chưa bình luận chính thức về cuộc khủng hoảng niềm tin đang diễn ra. Tuy nhiên, Bộ trưởng Truyền thông Sri Lanka Keheliya Rambukwella cho rằng chính phủ phải xem xét siết chặt các luật lệ liên quan đến thị trường chứng khoán.

Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) ở Sri Lanka Koshy Mathai lo ngại về cuộc khủng hoảng của thị trường chứng khoán. Ông Mathai nhấn mạnh việc đặt ra các quy định chặt chẽ và xây dựng cơ quan quản lý thị trường chứng khoán hiệu quả sẽ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, chứng tỏ thị trường không lập ra vì lợi ích của một số ít người.

Ông nhấn mạnh: “Đây là vấn đề quan trọng đối với Sri Lanka vì sự phát triển của các thị trường vốn là ưu tiên quan trọng trong việc đảm bảo duy trì đà tăng trưởng kinh tế”.

Cho đến nay, chưa ai bị phạt tù ở Sri Lanka vì các tội gian lận liên quan đến chứng khoán. Trước đây, các vụ giao dịch nội gián được các bên liên quan dàn xếp bằng cách trả một khoản tiền phạt nhỏ nhưng không nhận tội.

“Cướp giữa ban ngày”

Ngày 25-8, ông Thilak Karunaratne cho biết một ngày nào đó nếu chính phủ thực sự quyết tâm điều tra để làm trong sạch thị trường chứng khoán, ông sẽ đứng ra vạch trần những vụ việc và nhân vật có những hành vi thao túng trái phép trên thị trường chứng khoán Sri Lanka.

Ông nói những gì xảy ra ở sàn giao dịch chứng khoán Colombo từ tháng 6 đến tháng 12-2010 (thời điểm thị trường tăng vọt) chẳng khác nào “ăn cướp giữa ban ngày”.

Một nhóm nhà đầu tư đã thao túng, đẩy giá các cổ phiếu lên cao bằng cách tự giao dịch với nhau mặc dù các cổ phiếu không được đánh giá cao và không có giá trị thực chất. Sau đó, các công ty môi giới chứng khoán (là đồng bọn của những kẻ làm giá cổ phiếu) khuyến nghị những nhà đầu tư non nớt mua vào các cổ phiếu này khi giá của chúng cao ngất ngưỡng và vượt xa giá trị thực. Nhóm đầu tư thao túng xả hàng để thu lợi khổng lồ. Tiếp đó, giá cổ phiếu lao dốc khiến hàng chục ngàn nhà đầu tư khác rơi vào tình thế mắc kẹt với đống cổ phiếu không còn nhiều giá trị. Ông tố cáo các công ty môi giới chứng khoán đang thao túng 221.000 tài khoản của các nhà đầu tư.

Ông cho biết nhiều người trong cơ quan quản lý thị trường chứng khoán đã dung túng, tiếp tay cho những kẻ đầu cơ nhưng vẫn tại vị vì được sự che chở của các thế lực ở trên.

Chánh Tài (Theo AFP, Daily Mirror)

tbktsg

Các tin tức khác

>   Liên kết TTCK khu vực ASEAN dự kiến hoạt động từ tháng 9 (30/08/2012)

>   Chứng khoán Mỹ khởi sắc nhờ số liệu nhà ở, khối lượng chạm đáy 2012 (30/08/2012)

>   Sai lầm của Mark Zuckerberg (29/08/2012)

>   Chứng khoán Mỹ trái chiều theo số liệu tiêu dùng và nhà ở (29/08/2012)

>   Cổ phiếu Foxconn International sụt giảm tới 3,5% (28/08/2012)

>   Chứng khoán Mỹ trái chiều chờ Fed, Apple lập kỷ lục mới (28/08/2012)

>   Chứng khoán Mỹ phản ứng thế nào trước 13 thảm họa lịch sử? (27/08/2012)

>   Gần 5 tỷ USD đổ vào trái phiếu toàn cầu do hoài nghi về Fed và ECB (27/08/2012)

>   Chứng khoán Mỹ ngược dòng ấn tượng nhờ ECB và Fed (25/08/2012)

>   Chứng khoán Mỹ: Bán tháo trước hoài nghi về Fed và nỗi lo tăng trưởng toàn cầu (24/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật