Lợi ích nhóm đang chi phối trong việc điều hành giá xăng dầu?
Người tiêu dùng nếu tinh ý sẽ thấy lợi ích nhóm đang chi phối trong việc điều hành giá xăng dầu, bất chấp những khó khăn cho người dân, nhà sản xuất hàng hóa.
Hôm cuối tuần tôi có việc phải đi Đồng Nai, vô ý để chiếc xe máy hết xăng mà không biết. Phải dắt một đoạn khá xa mới đến được một cây xăng thì thấy cửa hàng cắm tấm bảng “hết xăng”, đành phải tiếp tục dắt xe đi tìm cây xăng khác. Hì hục dắt một đoạn khá xa, gặp một cây xăng khác lại thấy tấm biển ghi “mất điện”! Điều lạ là tiệm rửa xe gần sát đó vẫn hoạt động ì xèo. Hôm qua đọc báo thấy không chỉ ở Đồng Nai mà trong mấy ngày qua nhiều tỉnh thành trên cả nước nhiều cây xăng bỗng dưng “mất điện”, “hết hàng”! Đơn giản là họ chơi chiêu cũ: “găm hàng, chờ tăng giá”!
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược trong nền kinh tế. Giá cả của xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân vì trong tuyệt đại đa số các loại hàng hóa, chi phí xăng dầu chiếm tỉ lệ quan trọng. Việc tăng giá xăng tất nhiên ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và tiêu dùng, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, các chỉ số kinh tế xã hội khác như chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số an sinh xã hội… Vậy mà trong đời sống nhiều năm qua ở nước ta vẫn xuất hiện nhiều “tin đồn” xăng tăng giá. Điều đáng nói là những “tin đồn” tăng giá xăng dầu đều thành sự thực sau đó. Còn lần này “tin đồn” xăng sẽ tăng giá lan đi rất rộng và nó đã thành hiện thực – từ 17g hôm qua (13/8), giá xăng tăng 1.100 đồng/lít và các mặt hàng dầu cũng có mức tăng từ 500 - 800 đồng/lít, kg. Đây là đợt tăng giá thứ 3 trong tháng 8.
Chính phủ đã đưa ra lộ trình thị trường hóa giá cả xăng dầu, để các doanh nghiệp tự quyết định giá trên cơ sở cơ chế điều chỉnh điều giá xăng dầu đã được ban hành. Thị trường hóa giá xăng dầu là điều tất yếu trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên người tiêu dùng nếu tinh ý sẽ thấy lợi ích nhóm cũng đang chi phối trong việc điều hành giá xăng dầu, bất chấp những khó khăn cho người tiêu dùng, nhà sản xuất hàng hóa. Giá xăng tăng 1.100 đồng/lít thì rõ ràng các đơn vị sản xuất sẽ là người khốn khổ nhất và sau đó là người tiêu dùng. Xăng tăng giá cao như vậy, chắc chắn sẽ xảy ra cơn “bão giá” khi mà giá điện, nước, gas đang ở mức cao và rất cao. Trong khi đó nền kinh tế nước ta vẫn chưa khởi sắc sau khủng hoảng, hàng tồn kho cao, xuất khẩu đối mặt với quá nhiều khó khăn. Một cơn “bão giá” mới càng làm cho an sinh xã hội bị ảnh hưởng, đồng lương teo tóp lại và cuối cùng người dân phải gánh chịu.
Thị trường hóa giá cả xăng dầu là điều tất yếu, tuy nhiên giá mặt hàng chiến lược này phải được quản lý khoa học và hợp lý hơn. Bởi, trong nhiều tháng qua, giá xăng khi cần giảm lại giảm rất chậm so với thị trường thế giới, mức giảm được hầu như chỉ bằng ½ giá tăng. Dường như, động thái giảm chỉ để làm "đẹp lòng" dân. Ngoài ra, chiêu bài “chờ tăng giá” đã xảy ra nhiều lần, trong khi các cơ quan chức năng đều dọa “sẽ xử lý nghiêm” nhưng vẫn chưa thấy cây xăng nào bị “mất điện”, “hết hàng” bị phạt cả!
Một vấn đề khác, để giải bài toán độc quyền trong kinh doah xăng dầu, tại sao chúng ta không kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư kinh doanh xăng dầu? Thường những công ty nước ngoài có tiềm lực tài chính lớn, trường vốn, hoàn toàn có thể chịu đựng được những đợt tăng giá xăng dầu của thế giới. Khi đó thị trường xăng dầu trong nước sẽ có đối trọng và tạo nên một thị trường cạnh tranh lành mạnh.
Bao giờ giá cả xăng dầu được điều hành minh bạch và đúng theo quy luật của nền kinh tế thị trường thì khi ấy mới không còn chiêu “găm hàng, chờ tăng giá”.
Phước Lộc
đất việt
|