Chủ Nhật, 12/08/2012 22:21

Thị trường gas thiếu hụt tháng 8: Khó lường đầu cơ tăng giá

Sự rò rỉ thông tin nhà máy Dung Quất tạm ngưng sản xuất đã khiến nhiều đại lý gas chủ động găm hàng để đầu cơ. Giá gas được đẩy thêm từng ngày. Nguồn cung thiếu, chắc chắn ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường thiết yếu này.

Giá gas bán lẻ tăng thêm tới 60.000 đồng/12kg

Ngay sau khi Nhà máy Dung Quất vừa ngưng sản xuất để khắc phục sự cố tại phân xưởng Cracking xúc tác, các đại lý gas đã áp dụng chính sách tăng giá gas thêm 3.000 đến 5.000 đồng/ 1kg. Lý do được đưa ra là các nhà phân phối, công ty gas hiện nay đang hết hàng và người tiêu dùng phải chấp nhận thực trạng trên đến khi nào nhà máy hoạt động trở lại. Một đại lý gas trên phố Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, với nhu cầu tiêu dùng lớn, việc tăng giá gas trong thời điểm này là "chuyện dễ hiểu”.

Qua tìm hiểu, sự tăng giá hầu hết nằm ở các đại lý, các hãng gas lớn trong nước như Công ty CP gas Petrolimex, Công ty TNHH MTV kinh doanh khí hóa lỏng, Công ty Ngọn lửa thần, Công ty CP Kinh doanh xuất nhập khẩu khí gas hóa lỏng Vạn Lộc, Công ty TNHH Dầu khí Gia Định… Như vậy, kể từ sau đợt tăng giá gas ngày 1-8 vừa qua, giá gas hiện nay giao dịch ở mức 400.000 đến 415.000 đồng bình 12kg. Nếu thị trường trong nước tiếp tục thiếu hàng, giá gas trong tháng 8 này sẽ không dừng ở con số đó. PGS - TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) đánh giá, việc tăng giá gas cục bộ do nguồn cung thiếu xảy ra phổ biến ở nhiều nước chứ không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, nếu đó là sự "bắt tay” của các doanh nghiệp, hay sự "găm hàng” của các đại lý để trục lợi, thì rõ ràng đó là sự vi phạm Luật.

Kể từ năm 2000 tới nay, việc thiếu hàng dẫn đến tăng giá gas đã diễn ra 6 lần, theo thống kê của Tổng Cục thống kê, đỉnh điểm là năm 2008, giá gas đã được đội lên tới trên 90.000 đồng/ 12kg, ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường thiết yếu trong nước. Mặc dù sau đó, Chính phủ đã có những điều chỉnh kịp thời để giảm nhiệt giá gas, nhưng lợi nhuận thu được từ việc tăng giá sẽ không thể nào kiểm đếm. Bây giờ cũng không phải là ngoại lệ. PGS – TS Ngô Trí Long cho biết thêm: Đối với các mặt hàng nhập khẩu như gas có hai công cụ quản lý: giá và thuế. Tuy nhiên, việc điều tiết hai công cụ này hiện nay còn lúng túng, kém nhạy bén. Khi thị trường trong nước thiếu hụt (không phải tăng giá cơ học do thị trường thế giới tăng), cần có thêm những chính sách khuyến khích nhập khẩu để đảm bảo nguồn cung ứng. Theo báo cáo, toàn quốc có khoảng 20 công ty đủ điều kiện nhập khẩu gas, còn lại khoảng 60 công ty nhỏ không đủ điều kiện nhập khẩu, mà chỉ mua lại hàng từ các đơn vị nhập khẩu để phân phối. Sự can thiệp chậm, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi.

Kinh doanh chấp nhận thiếu hàng

Giải thích về sự thiếu hụt nguồn cung, Giám đốc Công ty gas Thủ Đức Chu Văn Tường cho rằng, không chỉ riêng việc nhà máy Dung Quất tạm ngưng sản xuất, thị trường gas khu vực trong thời gian qua thiếu trầm trọng, khiến việc nhập hàng hết sức khó khăn. Cụ thể các nước trong khối Asean hiện nay không có gas để bán. Trung Quốc chỉ mua vào trữ chứ không bán ra. Việc nhập gas từ các nước Trung Đông, Nga chỉ duy nhất có Tổng công ty khí Việt Nam thực hiện được. Hiện nay các công ty đều đang trong tình trạng khủng hoảng đơn hàng.

Đó cũng là tình trạng chung đối với các công ty nhập nguồn trong nước, đại diện Công ty CP MT gas thừa nhận, cơ cấu nguồn hàng của công ty có 40% từ nhà máy Dung Quất, 40% nguồn hàng từ Nhà máy Dinh Cố, 20% còn lại nhập từ các nơi khác. Việc nhập hàng bị động, buộc công ty phải chấp nhận thiếu hàng. Đó là lý do, công ty chỉ cung ứng theo số lượng cam kết trước đây cho các đại lý. Còn các hợp đồng mới, phải chờ khi nguồn cung chính trở lại ổn định.

Liên quan đến việc nhiều đại lý tăng giá, bà Lê Thị Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho rằng, thị trường gas hiện nay đang hoạt động tự phát và nhốn nháo. Nhà máy Dung Quất chỉ là đơn vị sản xuất, nếu tạm ngưng hoạt động thì các công ty lớn vẫn đủ phương án để lo nguồn hàng, hoặc tự trữ hàng. Trong thời điểm thiếu hàng, các đại lý rất có thể sẽ có sự xé rào tăng giá gas nhằm trục lợi.Về sự cố nhà máy lọc dầu Dung Quất, ông Nguyễn Hoài Giang, Tổng giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý, vận hành, kinh doanh nhà máy lọc dầu Dung Quất) cho biết, việc khắc phục lỗi kỹ thuật tại phân xưởng Cracking xúc tác (RFCC) thuộc nhà máy diễn ra trong thời gian hơn 1 tuần. Dự kiến, đến ngày 16-.8, nhà máy sẽ vận hành trở lại. Theo ông Giang, việc tạm dừng nhà máy sẽ làm thiếu hụt khoảng 100.000 tấn sản phẩm các loại, trong đó chủ yếu xăng, dầu và khí hóa lỏng (LPG).

Tuấn Việt

Đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   IEA hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ năm nay và năm tới (12/08/2012)

>   Nên giảm thuế để kềm giá xăng dầu (12/08/2012)

>   Nhập khẩu Trung Quốc giảm khiến giá dầu đi xuống (12/08/2012)

>   Loạn thị trường gas (11/08/2012)

>   Dầu tăng 1.6% sau 5 phiên dù rút lui cuối tuần (11/08/2012)

>   OPEC: Nhu cầu dầu tăng nhẹ lên 88,72 triệu thùng (10/08/2012)

>   Doanh nghiệp đang tính toán xin tăng giá xăng dầu (10/08/2012)

>   Giá cơ sở xăng dầu phải tính bình quân 30 ngày (10/08/2012)

>   Có lọc dầu Dung Quất, sao giá xăng Việt Nam vẫn 'chát'? (10/08/2012)

>   Dầu tăng nhẹ nhờ số liệu kinh tế Trung Quốc và bão nhiệt đới (10/08/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật