Lệch cung - cầu bất động sản: Chủ đầu tư trả giá
Doanh nghiệp đầu tư vào bất động sản đã chịu đựng nhiều hơn 2 năm qua và đến bây giờ, sự khốn khó vẫn chưa chấm dứt. Nguyên nhân là do “phì cung, teo cầu”.
Trả giá vì đầu tư tràn lan
Vào tháng 10 năm ngoái, việc giá căn hộ Petro Vietnam Landmark tại TP.HCM giảm từ 21,36 triệu đồng/m2, xuống còn 15,5 triệu đồng/m2, giảm 25% được cho là “bán tháo”, gây xôn xao dư luận. Song đến thời điểm này, việc giảm giá tại các dự án bất động sản (BĐS) đã trở thành “chuyện thường ngày”, phần lớn các dự án BĐS đều giảm giá, ít thì 10-15%, nhiều thì tới gần 50% và dường như việc giảm giá vẫn chưa dừng lại ở đây.
Nhiều người cho rằng, việc giảm giá của BĐS là hệ quả tất yếu, là quyết định đau lòng của chủ đầu tư sau 2 năm chịu đựng sức ép của tình hình kinh tế vĩ mô. Đúng là thị trường BĐS chịu tác động mạnh của khủng hoảng kinh tế, lạm phát tăng, tín dụng thắt chặt, lãi suất ngân hàng cao…, nhưng ở thời điểm này, khi chính sách tín dụng đã nới lỏng, hệ thống tín dụng đã tung nhiều gói vay, lãi suất giảm, nhưng giá BĐS vẫn giảm, thanh khoản chậm.
Những động thái giải cứu BĐS có độ trễ nhất định, song hiện trạng này lại bắt nguồn từ nhiều yếu tố khác mà những động thái giải cứu thị trường không thể ngay lập tức phát huy tác dụng.
Nguyên nhân chính là do phần lớn các chủ đầu tư phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn huy động từ khách hàng và vốn tín dụng. Có tới 70% chủ đầu tư các dự án chỉ có 10-20% tổng vốn thực hiện dự án. Nên khi thắt chặt tín dụng, sức mua giảm thì cũng là lúc chủ đầu tư lâm vào khốn đốn. Với lãi suất vay trên 20%/năm, chỉ 2-3 năm nếu không bán được hàng, thu hồi vốn thì chủ đầu tư sẽ lỗ nặng.
Thời kỳ BĐS “vào cầu” trong 2 năm 2008-2009 đã xuất hiện phong trào “Nhà nhà làm BĐS”, khi đó các tập đoàn có quỹ đất không kinh doanh BĐS cũng làm dự án, doanh nghiệp có vốn dư thừa cũng làm BĐS. Tài chính, năng lực điều hành kinh doanh dự án, dự báo thị trường đều hạn chế. Hệ quả là, hàng loạt dự án ra đời vào thời điểm này. Khi vòng đời dự án kết thúc vào thời điểm này, nhìn lại mới thấy sản phẩm của họ gặp hạn nặng.
Những sản phẩm BĐS xa xỉ, đắt tiền chỉ phục vụ cho một số ít khách hàng trong xã hội lại được xây tràn lan. Việc “lệch cầu” đã xuất hiện và chủ đầu tư phải trả giá.
Ở mặt khác, mảng căn hộ chung cư giá trung bình, bình dân cũng đang có sự gia tăng nguồn cung đáng chú ý. Đến thời điểm này, tại Hà Nội vẫn còn hơn 12.000 căn hộ chào bán đang ế ẩm.
Khách hàng mất niềm tin
Nếu xét một cách tổng thể, nguồn cung này sẽ không thấm tháp gì so với nhu cầu sở hữu nhà của khách hàng. nhiên, nghịch lý lại xuất hiện khi đầu nguồn cầu có vấn đề. Một thực tế đang xảy ra là, thời điểm này, giá đã giảm đáng kể, nguồn cầu tăng mạnh, lãi suất cho vay BĐS giảm mạnh, ngân hàng sẵn sàng chi tiền cho khách hàng mua nhà với lãi suất thấp, nhưng khách hàng cũng không mấy mặn mà. Tình trạng “teo tóp” nguồn cầu dẫn đến thanh khoản chậm có thể lý giải từ nhiều nguyên nhân, nhưng tựu trung vẫn là việc khách hàng mất niềm tin vào thị trường.
Đầu tiên là việc hàng loạt dự án chậm tiến độ, không xây dựng đúng hạn, trong khi đó áp lực đóng tiền đúng hạn vẫn đè nặng. Thêm vào đó, chất lượng xây dựng của nhiều dự án không đảm bảo, hạ tầng, các dịch vụ không được như kỳ vọng... Ở một góc độ khác, việc mất niềm tin còn thể hiện ở chỗ: dù rất muốn vay tiền mua nhà, nhưng khách hàng vẫn sợ mức lãi suất này không kéo dài, sợ chỉ sau một thời gian ngắn chính sách tín dụng lại thay đổi họ sẽ mất khả năng chi trả.
Thị trường BĐS sẽ không sụp đổ, nhưng chắc chắn, đây sẽ là cuộc thanh lọc lớn nhất, quyết liệt nhất từ trước tới nay. Sẽ có nhiều chủ đầu tư bị xóa sổ, nhiều dự án bị khai tử và có thể sẽ xuất hiện một mặt bằng giá mới sau cuộc thanh lọc này.
Hữu Tuấn
Đầu tư
|