Lãi suất cho vay bất động sản thấp: Chỉ là mồi nhử
Từ tháng 4/2012, khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nới lỏng tín dụng bất động sản, hàng loạt ngân hàng rầm rộ tung ra các chương trình ưu đãi cho vay bất động sản, với lãi suất chỉ là 6-8%/năm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cảnh báo rằng, đây chỉ là mồi nhử.
Ngân hàng tung mồi
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) còn cho vay với lãi suất 0% trong năm đầu tiên cho khách hàng mua dự án mà ngân hàng này tài trợ.
Lý giải cho những mức lãi suất “sốc” trên, ông Phạm Thiện Long, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) cho rằng: “Công thức lãi suất cho vay bình thường là bằng lãi suất huy động, cộng với chênh lệch 3- 3,5%/năm. Hiện tại, lãi suất huy động là 9%/năm, tương ứng với lãi suất cho vay khoảng 12-13%. Tuy nhiên, lúc này các ngân hàng đang cần tăng trưởng tín dụng, nên giảm lãi suất cho vay 3-6 tháng để khuyến khích cho vay. Sau đó, mới điều chỉnh dần theo lãi suất thị trường”.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, mức lãi suất tưởng như hấp dẫn trên chỉ là mồi nhử với khách mua nhà. Bởi trên thực tế, hợp đồng vay tiêu dùng thường kéo dài ít nhất 3-4 năm, song khi ký hợp đồng, ngân hàng thường không ghi lãi suất cụ thể sau thời gian ưu đãi, mà chỉ ghi là điều chỉnh theo lãi suất thị trường. Và sau khi hết thời gian ưu đãi ít ỏi, mức lãi suất cho vay ít nhất cũng phải 13-15%/năm. Đây là lý do khiến các chương trình cho vay bất động sản vẫn được giải ngân rất chậm, dù đây là thời điểm khá tốt để mua nhà.
Chưa kể, nhiều dự án bất động sản mà ngân hàng tung mồi nhử lãi vay thấp hiện đều là các dự án mà ngân hàng đã trót góp vốn trước đó, hoặc các dự án có giá cao ngất ngưởng. Đơn cử, giá các căn hộ mà VCB cho khách hàng vay ưu đãi với lãi suất 0%/năm trong năm đầu tiên hiện xấp xỉ 40 triệu đồng/m2. Còn giá căn hộ các dự án tại Royal City, Vincom Village và Times City do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Namn (VietinBank) cho khách hàng vay ưu đãi với lãi suất 10%/năm cũng lên xoay quanh mức 35-45 triệu đồng/m2.
TS. Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận xét, việc các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng bất động sản là hướng đi đúng. Tuy nhiên, chỉ nên rót tín dụng cho những khách hàng có nhu cầu mua nhà ở thực sự, đặc biệt là những người thu nhập thấp. Việc ngân hàng tiếp tục rót vốn vào các dự án bất động sản yếu thanh khoản, với hy vọng thoát nợ xấu rất nguy hiểm, có thể khiến ngân hàng “chết chìm” cùng doanh nghiệp.
Cần chính sách hỗ trợ lãi suất
Trong 7 tháng đầu năm nay, thị trường bất động sản tiếp tục đóng băng, chỉ có phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình là còn giao dịch. Điều này cho thấy, nhu cầu về nhà ở vẫn còn rất cao và nguồn cung chưa được đáp ứng. Vì vậy, nếu ngân hàng và chủ đầu tư bắt tay nhau để “kích” đúng chỗ, thị trường tín dụng và bất động sản có thể khơi thông.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thị trường bất động sản Việt Nam chỉ xuống giá do thắt chặt tiền tệ. Vì vậy, khi Ngân hàng Nhà nước có động thái nới lỏng tín dụng bất động sản, khả năng phục hồi là rất lớn. Hiện thị trường đã xuống đáy chữ U. Nếu nợ xấu được xử lý hiệu quả và có các chính sách hợp lý, từ cuối tháng 4/2013 trở đi, giá và giao dịch bất động sản có thể phục hồi. Rất có thể, thị trường sẽ thực sự khôi phục vào cuối năm 2013.
“Cần có chính sách kích cầu tiêu dùng với thị trường bất động sản (đặc biệt là phân khúc thu nhập thấp và trung bình), như áp thuế suất và chính sách đặc biệt cho doanh nghiệp đầu tư vào phân khúc này. Hỗ trợ vay vốn, lãi suất ưu đãi với người tiêu dùng. Tăng quỹ đất giành cho phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp và trung bình. Ngoài ra, cần nới lỏng hơn nữa điều kiện cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam”, ông Nghĩa kiến nghị.
Ủng hộ phương án mà ông Nghĩa đưa ra, đại diện nhiều ngân hàng khẳng định, nếu không có phương án xử lý nợ xấu hiệu quả và chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, các ngân hàng sẽ không dám mạnh dạn cho vay bất động sản, bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, với tình hình nợ xấu tăng nhanh như hiện nay, ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro rất lớn. Trong đó, đáng lo nhất là tín dụng bất động sản. “Vì vậy, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay lên tới 6%/năm, nhiều ngân hàng cũng không thể chịu được, chứ đừng nói chỉ 3-4%/năm”, ông Bảo nói.
Hà Tâm
Đầu tư
|