Khủng hoảng nợ công: Khi các nước lớn bị gọi tên
Hai năm rưỡi đã trôi qua, khủng hoảng nợ công vẫn là câu chuyện dài được người ta nhắc đến gần như hàng ngày.
Hy Lạp vẫn đang phải trông chờ khoản cho vay tiếp theo từ các nhà tài trợ quốc tế, Tây Ban Nha được nhận định sẽ sớm xin trợ giúp từ bên ngoài và ngay cả nền kinh tế lớn thứ ba Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) là Italy cũng có nhu cầu tương tự.
Còn Pháp, một trong hai nền kinh tế lớn nhất khu vực, mới đây đã trở thành "tiêu điểm" mới của thị trường.
Trong bối cảnh đó, Đức và Pháp, sau thời gian như Mặt Trăng, Mặt Trời trong quan điểm đối phó với khủng hoảng, nay đã phải làm hòa vì sự tồn tại của một Eurozone thống nhất.
Khi vòng xoáy lan rộng
Hy Lạp là nơi khởi phát của khủng hoảng nợ công và cho đến nay đã nhận được hai gói cứu trợ từ các nhà tài trợ quốc tế. Hiện nước này đang chờ được giải ngân 31,5 tỷ euro khoản vay tiếp theo trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro từ Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Điều kiện để Hy Lạp nhận được số tiền này là dựa vào một báo cáo của các kiểm toán viên của bộ ba nhà tài trợ sẽ được công bố trong tháng tới về những nỗ lực của nước này trong việc thực thi các điều kiện cứu trợ. Nếu không nhận được khoản vay mới, Hy Lạp sẽ cạn tiền mặt, đối diện với nguy cơ vỡ nợ và sau đó có thể buộc phải ra khỏi Eurozone.
Để nhận được gói cứu trợ thứ hai, Hy Lạp đã cam kết tiến hành những cải cách sâu rộng và phải tiết kiệm chi tiêu 11,5 tỷ euro trong hai năm 2013-2014.
Khi thâm hụt ngân sách đã lên tới gần 14 tỷ euro và nền kinh tế đã suy thoái trong năm thứ năm, với mức suy giảm dự kiến khoảng 7% trong năm nay, Thủ tướng Hy Lạp Samaras muốn có thêm hai năm để thực hiện cam kết đó.
Tuy nhiên, tại các cuộc gặp vừa qua, cả hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã không có câu trả lời trực tiếp cho đề nghị này. Còn Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker lưu ý rằng Hy Lạp có “cơ hội cuối cùng” để lấy lại đà tăng trưởng cho nền kinh tế và khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư quốc tế.
Đối với Tây Ban Nha, ngân hàng Goldman Sachs mới đây nhận định nước này có thể sẽ phải tìm kiếm gói cứu trợ đầy đủ vào tháng Chín này, sau khi xin hỗ trợ 100 tỷ euro để cứu hệ thống ngân hàng trong nước.
Theo Goldman Sachs, ECB sẽ chưa mua trái phiếu của các nước thành viên đang gặp khó khăn trong Eurozone cho đến khi chính phủ các nước này đề nghị sự trợ giúp từ các quỹ cứu trợ của khu vực và Tây Ban Nha sẽ là nước đầu tiên phải làm điều đó.
Khi đối mặt với nghĩa vụ thanh toán một số nợ lớn đáo hạn trong tháng 10 tới, nhiều nhà đầu tư và nhà kinh tế cho rằng một đề nghị như vậy từ Tây Ban Nha sẽ phải được đưa ra trước thời điểm đó. Tuy nhiên, nước này sẽ chờ cho đến cuộc họp tiếp theo của Hội đồng điều hành ECB vào ngày 6/9 để biết những chi tiết trong kế hoạch can thiệp của ECB trước khi đưa ra quyết định.
Trong khi đó, Italy hiện cũng bị sức ép phải đề xuất xin sự hỗ trợ từ các quỹ cứu trợ của châu Âu, một động thái được coi là cách duy nhất có thể giúp nước này hạ thấp chi phí vay mượn vốn đã tăng mạnh trong những tháng gần đây.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ Italy hiện vẫn đang duy trì ở mức gần 6%, bất chấp các biện pháp thắt lưng buộc bụng đầy khắc nghiệt. Trong bối cảnh kinh tế Italy vẫn còn chìm trong tình trạng suy thoái sâu, các thị trường tỏ ý hoài nghi khả năng của nước này trong việc giảm bớt khối nợ công khổng lồ tương đương khoảng 123% GDP, mức cao thứ hai tại Eurozone, sau Hy Lạp.
Điều đáng lo ngại là một số chuyên gia kinh tế nhận định sau Hy Lạp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Italy, giờ đây đến lượt Pháp lại trở thành "tiêu điểm" mới của thị trường.
Ngân hàng trung ương Pháp cảnh báo, nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu có thể lại lâm vào tình trạng suy thoái lần thứ hai trong vòng ba năm và có nguy cơ trở thành một mắt xích yếu trong Eurozone, khi GDP quý 2/2012 vẫn tăng trưởng 0% như trong quý 1. Trong khi đó, Pháp đang nỗ lực hạ thâm hụt ngân sách từ mức tương đương 4,5% GDP trong năm 2012 xuống mức giới hạn 3% GDP theo quy định của EU vào cuối năm 2013.
Đức-Pháp phải làm hòa
Pháp và Đức ngày 27/8 đã quyết định thành lập một nhóm làm việc chung nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa nhấn chìm nhiều nền kinh tế tại Eurozone. Nhóm làm việc không chỉ thực thi các quyết định được đưa ra nhằm cứu Hy Lạp và Tây Ban Nha, hai nền kinh tế mắc nợ lớn nhất và có nguy cơ bị loại khỏi Eurozone, mà còn giải quyết các vấn đề mang tính cơ cấu như giám sát hệ thống ngân hàng, liên minh ngân hàng và hội nhập châu Âu.
Hiện Paris và Berlin đang gia tăng nỗ lực tìm giải pháp cho vấn đề nóng này trước khi Hội nghị thượng đỉnh của EU dự kiến diễn ra trong các ngày 18-19/10 tới.
Trong quan hệ Pháp-Đức, việc Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trương phải thắt lưng buộc bụng để giải quyết khủng hoảng còn Tổng thống Pháp Francois Hollande ủng hộ các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng đã đẩy hai nước ra xa nhau. Tuy nhiên, hai nền kinh tế đầu tàu Eurozone cuối cùng lại phải bắt tay hợp tác khi cơn bão nợ có thể sẽ còn dữ dội hơn.
Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Tài chính Pháp Pierre Moscovici với người đồng cấp Đức Wolfgang Schaeuble mới đây là một phần trong một loạt hoạt động ngoại giao Pháp, Đức trong nỗ lực chung của châu Âu nhằm dập tắt cuộc khủng hoảng nợ kéo dài gần ba năm qua.
Kết thúc các cuộc gặp với Thủ tướng Hy Lạp lần lượt trong hai ngày 24-25/8, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp thống nhất quan điểm ủng hộ Hy Lạp tiếp tục ở lại Eurozone.
Bà Merkel khẳng định Hy Lạp là một phần của liên minh tiền tệ và muốn điều này sẽ tiếp tục, đồng thời cam kết về sự hỗ trợ của Đức cho nước này. Bà tin tưởng Hy Lạp sẽ làm tất cả để giải quyết những vấn đề của đất nước.
Ông Hollande cũng có cùng quan điểm với bà Merkel về tương lai của Hy Lạp trong Eurozone, song nói rằng nước này phải chứng minh được mức độ tin cậy của chương trình cải cách kinh tế và cắt giảm chi tiêu.
Thủ tướng Đức ngày 26/8 đã tìm cách trấn an dư luận trong bối cảnh có xuất hiện sự nghi ngờ về chiến lược của EU trong việc đối phó với khủng hoảng nợ công và chỗ đứng của Hy Lạp trong Eurozone.
Bà Merkel không xác nhận thông tin trên tạp chí Tấm gương nói rằng người đứng đầu Chính phủ Đức muốn đề xuất triệu tập hội nghị thượng đỉnh EU để soạn thảo hiệp ước mới, song khẳng định điều bà mong muốn hiện nay là EU không thể "giậm chân tại chỗ" trong quá trình củng cố liên minh.
Theo bà Merkel, vấn đề hiện nay là EU phải biết làm gì tiếp theo, phải cùng cam kết và cùng liên kết để giảm thiểu những bất đồng xoay quanh năng lực cạnh tranh của EU.
Một ngày sau đó, Tổng thống Pháp kêu gọi phải có sự thống nhất hơn nữa giữa các nước Eurozone và khẳng định Pháp sẵn sàng cho các cuộc thương lượng ngay lập tức bàn về một liên minh chính trị lớn hơn ở châu Âu, nhất là với Đức.
Ông Hollande nói châu Âu đang đứng trước sự phân rã về chính trị, nợ tăng và ngành công nghiệp sa sút, và hối thúc các nhà lãnh đạo 17 nước Eurozone gặp nhau nhiều hơn, thay vì chỉ hai lần mỗi năm như hiện nay; nhấn mạnh vai trò của Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone và Chủ tịch nhóm phải được tăng cường; kêu gọi việc thực thi Cơ chế bình ổn châu Âu để giúp hạ lãi suất, khi mức nợ của các nước hiện đang quá cao và hy vọng Hội nghị thượng đỉnh của EU sắp tới sẽ đạt được sự thỏa hiệp về vấn đề giám sát lĩnh vực ngân hàng./.
Lê Minh
vietnam+
|