"MUỐN CHO THUÊ NHÀ PHẢI LẬP DOANH NGHIỆP":
Không nên ép người dân lập doanh nghiệp
Công văn 995/BXD-QLN của Bộ Xây dựng hướng dẫn người cho thuê nhà phải lập doanh nghiệp (DN) và phải đáp ứng vốn pháp định trên 6 tỉ đồng đã khiến nhiều người lo lắng về tính khả thi.
Nặng nề hành chính
Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng yêu cầu người cho thuê nhà để kinh doanh phải lập DN là yêu cầu nặng nề về thủ tục hành chính.
Ông cho biết hiện nay người cho thuê nhà có thể đăng ký thành lập hộ kinh doanh, nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng khi cho thuê nhà. Rất nhiều người nộp thuế theo kiểu thuế khoán, cứ đến tháng, đến quý, đến năm là đi nộp thuế. Kiểu hoạt động này vừa tiện lợi cho người dân, không cần phải có sổ sách kế toán, không cần nhân viên kế toán hoặc thuê dịch vụ kế toán. Xét về mặt quản lý nhà nước thì cơ quan thuế không bị thất thoát thuế.
Trong khi đó, nếu bắt người dân lập DN thì đương nhiên DN phải có sổ sách kế toán, có chi phí đầu vào, đầu ra. Khi đó, DN tìm đủ cách để khai lỗ, không chịu thuế thì cơ quan thuế làm gì có thuế để thu! Về phía người dân thì mệt mỏi với sổ sách, chứng từ, phải thuê nhân viên hoặc thuê dịch vụ làm kế toán.
Ngoài ra, một DN thì phải có quy mô của nó, dù siêu nhỏ cũng không thể tồn tại DN chỉ có một người vừa làm giám đốc vừa kiêm luôn nhân viên làm tất cả mọi chuyện. Luật DN có quy định hộ kinh doanh trên 10 lao động thì mới phải lập thành DN, hiểu theo cách nào đó thì một DN cần có quy mô trên 10 lao động. Như vậy, yêu cầu một chủ nhà phải lập DN là phi lý.
Luật sư Xoa cho rằng nên để người dân cho thuê nhà lập thành hộ kinh doanh, không nên buộc lập DN và không nên đòi hỏi vốn pháp định 6 tỉ đồng. Cần có quy định rõ quy mô lớn, kinh doanh thường xuyên mới cần đăng ký DN.
Ở các thành phố lớn,. người dân cho thuê nhà để kinh doanh rất phổ biến ở mặt tiền đường. Ảnh chụp trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận, TP.HCM
|
Cho thuê nhiều căn mới nên lập DN
Cũng bàn về vấn đề này, luật sư Trần Văn Trí (Văn phòng luật sư Hùng và Cộng sự) cho rằng hướng dẫn của Bộ Xây dựng là đúng luật nhưng không phù hợp với điều kiện thực tế, sẽ gây khó cho người dân.
Ông cho rằng chỉ khi nào người dân cho thuê trên ba căn nhà thì mới nên xem là kinh doanh bất động sản, bởi lẽ lúc này có thể xác định rõ việc cho thuê nhà là hoạt động kinh doanh của chủ nhà. Trường hợp có một, hai căn nhà mà chủ nhà sử dụng không hết, tận dụng cho thuê kiếm thêm thu nhập thì không nên xem là kinh doanh bất động sản.
Nếu Bộ Xây dựng không hướng dẫn rõ ràng trường hợp nào cần lập DN, trường hợp nào chỉ cần lập hộ kinh doanh hoặc không cần lập gì cả, e rằng các cơ quan quản lý sẽ làm khó người dân trong việc cho thuê nhà.
Trấn an nỗi lo ngại này, một cán bộ quản lý kinh doanh cho rằng sẽ không có cơ quan nào ép người dân lập DN cả. Chủ nhà cứ cho thuê nhà ở như lâu nay, còn người thuê có kinh doanh gì tại nhà không thì xem như người thuê sử dụng ngoài mục đích để ở. Từ trước đến nay chuyện sử dụng sai mục đích này không được làm rõ ràng và cũng không bị phạt. Gần đây Bộ Xây dựng cũng có công văn hướng dẫn xem xét không xử phạt vi phạm hành chính đối với những trường hợp vừa kinh doanh, sản xuất vừa ở.
Cầm chắc lỗ
Tôi có một căn nhà, cho một cặp vợ chồng thuê, người chồng đi làm cho một công ty còn người vợ ở nhà lo nội trợ. Người vợ này có thời gian trống nên nấu chè bán tại nhà. Không lẽ chỉ có vậy thôi mà bắt tôi phải có 6 tỉ đồng và lập DN?
Lập DN ra chắc tôi phải đi thuê người làm giám đốc giùm chứ tôi có biết làm DN là làm cái gì đâu! Tiền cho thuê nhà 2 triệu đồng/tháng, phải trả cho những người nhân viên rồi làm sổ sách gì đó nữa thì tôi cầm chắc lỗ quá!
Bà LÊ THỊ HƯƠNG, quận Thủ Đức, TP.HCM
Không hợp thực tế
Quy định về cho thuê nhà phải lập thành DN, có vốn trên 6 tỉ đồng chưa phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh ở Việt Nam. Người dân cho thuê nhà để kinh doanh là rất phổ biến, nhất là ở thành thị, nhà mặt tiền đường. Văn hóa kinh doanh ở nhà mặt tiền đường rất lâu đời ở Việt Nam, khó thay đổi trong một sớm một chiều. Việc yêu cầu người dân khi cho thuê nhà vào mục đích phục vụ sản xuất, kinh doanh phải lập DN là đi ngược lại với văn hóa này. Hậu quả là người dân sẽ tìm mọi cách “lách” quy định của Nhà nước. Do đó hiệu quả thực thi của quy định rất thấp.
Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền nên tính đến việc quy định các nhóm điều kiện. Một là điều kiện nhà như thế nào thì được sử dụng cho mục đích sản xuất, kinh doanh và chủ nhà phải lập DN, có vốn trên 6 tỉ đồng. Hai là loại hình ngành nghề, quy mô hoạt động nào mà chủ sở hữu chỉ cần lập hộ kinh doanh.
Luật sư HÀ HẢI , Đoàn Luật sư TP.HCM
|
QUỲNH NHƯ
Pháp luật TPHCM
|