Giải quyết hàng tồn kho để khơi thông nguồn vốn
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ có ngân hàng mà cần phải có
những giải pháp đồng bộ, trong đó giải quyết hàng tồn kho là vấn đề cấp
bách.
Thép cũng là một trong những mặt hàng có lượng tồn kho nhiều.
|
Tại buổi tọa đàm “Chính sách tín dụng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển” tổ chức ngày 16/8 tại Hà Nội do Ngân hàng Nhà nước và Học viện Ngân hàng tổ chức, các chuyên gia tài chính ngân hàng đã chia sẻ như vậy.
Giảm giá cũng không bán được hàng
Tại buổi tọa đàm, một số doanh nghiệp phàn nàn, vẫn còn khó tiếp cận vốn ngân hàng vì thời gian qua, lãi suất ngân hàng quá cao và hàng tồn kho nhiều đã quá sức chịu đựng của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng còn rất ít tài sản thế chấp, trong khi đó, thế chấp bằng hàng tồn kho để vay thì rất khó, hàng thì không bán được.
Nguyễn Huy Khách, Giám đốc Công ty Vĩnh Hưng Thịnh cho biết, doanh nghiệp của ông chuyên nhập khẩu xe máy từ châu Âu. Hiện mặt hàng này đang tồn kho rất lớn vì không có người mua mặc dù đã giảm giá 20%.
"Ngày xưa, chúng tôi bán được lượng hàng rất nhiều là vì khách hàng thắng chứng khoán, mua không cần đắn đo, suy nghĩ, mua vài xe một lúc. Năm 2011, doanh nghiệp còn thu được khoảng 700 triệu đồng tiền doanh thu nhưng bây giờ chỉ thu được 400 triệu đồng.
Quan hệ tín dụng với OceanBank gần 10 năm, chưa bao giờ Vĩnh Hưng Thịnh bị đôn đốc trả nợ, nhưng thực sự trong năm 2011 và 2012, chúng tôi phải gồng mình để thực hiện việc này," ông Khách phân trần.
Tuy nhiên, ông Khách cũng chia sẻ, sau đợt điều chỉnh mạnh lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước từ 15/7, dư nợ của doanh nghiệp tại ngân hàng là 6 tỷ đồng, phải trả lãi vay là 100 triệu đồng nhưng giờ chỉ phải trả 70 triệu đồng tiền lãi. Như vậy, doanh nghiệp đã trích ra được 30 triệu đồng để trả lương cho công nhân.
Một lãnh đạo của Nhà máy chế biến thực phẩm Đồng Nai (D & F) cũng cho biết, hiện tại lượng tiêu thụ đã giảm khoảng 10% ở tất cả các nhóm hàng, doanh thu giảm 2-3 tỷ đồng/tháng so với trước. Ở ngành hàng thực phẩm chế biến, tồn kho cũng tăng ở dạng nguyên liệu và doanh nghiệp phải tìm cách giải phóng trong thời hạn sử dụng cho phép, nhiều khi chấp nhận thua thiệt để tìm đối tác bán hạ giá.
Còn chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh chia sẻ, chúng ta đã vạch ra nhiều khó khăn của doanh nghiệp nhưng chưa nhìn ra được bản chất của vấn đề. Ông Ánh cho rằng, cái gốc khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là vay vốn, lãi suất cao... chính vì vậy nợ xấu càng gia tăng.
Theo ông Ánh, mấu chốt của nợ xấu, tín dụng, lãi suất nằm ở hàng tồn kho. Còn trong chừng mực nào đó, nếu thiếu sự can thiệp của các cơ quan chức năng, để mặc trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước thì sẽ không xử lý được vấn đề. “Vấn đề tôi quan tâm là quy mô tồn kho thực sự là bao nhiêu, nếu làm ra 10 đồng mà tồn kho 8 đồng, cho dù có không tăng so với năm ngoái thì cũng ‘chết’ rồi”, ông Ánh nêu nhận định.
Câu chuyện tín dụng tăng thấp, theo quan điểm của ông, cũng là bình thường vì doanh nghiệp không trả được vay gốc và nợ lãi, dòng tiền tắc, phát sinh nợ xấu dẫn đến chuyện không muốn đi vay trong bối cảnh hàng tồn kho còn tăng cao.
Đọc báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp, ông Ánh kết luận, rất nhiều đơn vị trong nhiều năm có lợi nhuận, nhưng lại dùng tiền lợi nhuận đó đi đầu tư vào các lĩnh vực khác, trong đó có bất động sản, chứng khoán. Còn vốn để phục vụ chính cho sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp lại đi vay của nhà băng. “Giờ chứng khoán, bất động sản tắc, nên nếu nhận định doanh nghiệp khó khăn, cần phải nhìn lại dòng tiền, phải bóc tách quy mô đầu tư vào bất động sản và đánh giá thật sự bao nhiêu tiền của các doanh nghiệp này đã ném vào bất động sản, chứng khoán,” chuyên gia Vũ Đình Ánh nêu quan điểm.
Ngoài nêu nhận định, ông Ánh dẫn ví dụ, hiện có hai số liệu về dư nợ cho vay bất động sản của các nhà băng: Một số liệu là hơn 150.000 tỷ đồng tính đến hết 31/4 của các nhà băng báo cáo lên Ngân hàng Nhà nước, còn một con số khác do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cung cấp là trên 350.000 tỷ đồng. Ông Ánh bình luận, chỉ riêng con số này đã có thể đưa doanh nghiệp từ lãi sang lỗ, đây cũng là lý do khiến họ không dám tiếp tục đi vay ngân hàng.
Ông Ánh cũng nói, đã quen không dưới 10 người có dự án bất động sản tầm cỡ 1.000 tỷ đồng. “Bây giờ, phải bóc tách xem nếu tính cả bất động sản như một dạng tồn kho của doanh nghiệp, thì là bao nhiêu? Vừa rồi, chúng ta chỉ nói đến tồn kho trong công nghiệp chế biến chế tạo - nhân tố chiếm 75% công nghiệp xây dựng mà ngành công nghiệp xây dựng chiếm đến 40% GDP. Con số này nếu so với giá trị bất động sản đóng băng, thì không là gì. Câu chuyện không nằm ở hàng tồn kho của chế biến chế tạo,” chuyên gia Ánh kết luận.
Cần khơi thông nguồn vốn
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, Ngân hàng Nhà nước phải có lộ trình hạ dần lãi suất xuống dưới 10% vì lãi suất cho vay của Việt Nam hiện còn cao hơn các nước trong khu vực từ 3 đến 4% nên các doanh nghiệp nước ta cũng khó cạnh tranh với các doanh nghiệp trong khu vực và đầu tư dài hạn. Hơn nữa, khó khăn của doanh nghiệp không chỉ từ vốn, lãi suất mà từ sức cầu giảm sút nghiêm trọng. Nếu không xóa được tình trạng hàng tồn kho "đắp chiếu", dẫn đến nợ xấu trong nền kinh tế thì cả doanh nghiệp và ngân hàng đều hết sức khó khăn.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp không chỉ có ngân hàng mà cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó giải quyết hàng tồn kho là vấn đề cấp bách. Lãnh đạo Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng cùng đồng hành, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp để khơi thông nguồn vốn, bởi sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự phát triển của ngành ngân hàng, cứu doanh nghiệp cũng là cứu ngân hàng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong, để thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, bên cạnh các vấn đề khác như giảm lãi suất, ưu tiên cho vay, còn cần xử lý những vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, đặc biệt là các ngân hàng cho vay để kiếm lợi nhuận, bất chấp quản lý của Nhà nước. Điều này tạo ra các hệ quả như hiện nay mà toàn nền kinh tế phải xử lý, trong đó có vấn đề nợ xấu.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghệ OSB đã đưa ra kinh nghiệm doanh nghiệp phải tự thân vận động, phải tự chiến đấu và tự cứu mình. Do vậy, doanh nghiệp muốn phát triển tốt được cần nội lực của bản thân, nhưng môi trường kinh doanh tốt cũng rất quan trọng.
Ông Sơn lý giải, ngân hàng có kiến thức tài chính, kỹ năng quản lý tốt thì nên giúp doanh nghiệp kiểm soát tốt đồng vốn. Đưa ra cho doanh nghiệp những bài học mà giá phải trả không phải là phá sản đóng cửa, mà là chỉ là học để trả.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, doanh nghiệp cần phải xây dựng chiến lược kinh doanh bài bản hơn kết nối đầu vào đầu ra thị trường ổn định hơn, không nên quá phụ thuộc vào một thị trường cũng như sản phẩm. Doanh nghiệp nâng cao trình độ quản trị nói chung đặc biệt quản trị tài chính để có thể phân tích chính xác chi phí và lợi nhuận./.
Minh Thúy
Vietnam+
|