Dự án Hanoi Time Tower: Giao dịch đóng băng, PVR tránh mặt
Cho dù không ít khách hàng đã ký hợp đồng đặt cọc, mua bán căn hộ, song do tiến độ triển khai chậm, nên giao dịch tại Dự án Căn hộ Hanoi Time Tower (Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội) gần đây hầu như đóng băng. Hơn nữa, chủ đầu tư đã cố tình tránh mặt, khi khách hàng đòi rút vốn.
Hàng chục khách mua căn hộ tại Dự án Căn hộ Hanoi Time Tower do Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam (PVR) làm chủ đầu tư, vừa tập trung tại trụ sở Công ty ở số 18 - Nguyễn Huy Tự (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đòi tiền góp vốn và tiền mua căn hộ tại Dự án này, với lý do dự án thi công chậm trễ nhiều tháng nay.
Trước đó, nhiều khách hàng đặt mua căn hộ tại Dự án này đã rao bán và chấp nhận mất khoản tiền “chênh” hàng trăm triệu đồng, mà trước đó họ phải trả cho Sàn giao dịch bất động sản (BĐS) C tại Mỹ Đình, nhưng không thể tháo lui được. Ngày 15/8 vừa qua, nhiều khách hàng đến trụ sở Công ty với mong muốn gặp lãnh đạo PVCR để tìm câu trả lời về tiến độ xây dựng dự án, nhưng lãnh đạo PVCR đã tránh mặt.
Ông Trần Hải T., một người mua căn hộ tại Dự án này cho biết, thoả thuận đặt cọc giữa ông với PVCR để giành quyền mua căn hộ tại Dự án Hanoi Time Tower ký ngày 31/12/2010. Trước đó, để được ký thoả thuận đặt cọc, ông T. đã phải đóng 158 triệu đồng tiền “chênh” cho sàn giao dịch BĐS C. Điều oái oăm là, sau khi ký hợp đồng, bà Hoàng Thu Hằng, Phó tổng giám đốc PVCR đã thu lại bản thoả thuận đặt cọc của khách hàng, với lý do “an toàn hồ sơ”. Với số tiền 425 triệu đồng (tương đương 20% giá trị căn hộ) đã nộp cho PVCR và 158 triệu đồng “tiền chênh” mà Sàn giao dịch BĐS C đã thu, ông T phải “ngậm ngùi” giao hồ sơ cho chủ đầu tư giữ hộ.
“Rất may, trước khi bàn giao hồ sơ, tôi đã kịp photocopy lại để làm bằng chứng. Nếu không, giờ chẳng biết lấy gì mà “kêu” với PVCR”, ông T nói.
Theo ông Nguyễn Văn K., một khách hàng khác của Dự án này, khi ký thoả thuận đặt cọc, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao căn hộ vào quý IV/2013. Nhưng gần 2 năm trôi qua, Dự án vẫn dừng lại ở hạng mục “làm móng” và nhiều tháng qua, hầu như không có “động đậy” gì. Người mua nhà hết sức lo lắng về tiến độ của Dự án. Nhiều người đã muốn rút lui, chấp nhận lỗ hàng trăm triệu đồng và khoản tiền chênh lệch mà họ phải trả qua Sàn giao dịch BĐS C, nhưng đều vô vọng. Cực chẳng đã, nhiều khách đã lập hội, mở diễn đàn trên webtretho và facebook để “đấu tranh” với chủ đầu tư.
Trong bức thư mà PVCR gửi khách hàng để giải thích về tiến độ thực hiện dự án (bức thư không đề ngày tháng, có đóng dấu của PVCR), Tổng giám đốc PVCR Nguyễn Tuấn Anh thừa nhận, thời gian qua, quá trình triển khai công trình CT10 - 11 (Dự án Hanoi Time Tower – PV) có chậm so với kế hoạch đề ra.
“Lý do chậm trễ là do công trình có quy mô lớn (40 tầng), nên việc thi công móng gặp nhiều khó khăn, chủ đầu tư và nhà thầu phải điều chỉnh thiết kế cho phù hợp. Hai cổ đông lớn của PVCR là Ocean Bank và VIBank đã cam kết thu xếp toàn bộ vốn cho Dự án và chủ đầu tư cam kết hoàn thiện công trình vào quý IV/2013”, ông Anh cho biết.
Tuy nhiên, trong buổi gặp khách hàng “bất đắc dĩ” vào ngày 15/8 vừa qua, ông Nguyễn Hoàng Long, Trưởng phòng Kinh doanh của PVCR lại đưa ra lý do khác để giải thích sự chậm trễ. Theo ông Lan, sự chậm trễ là do nhà thầu có năng lực quá kém.
PVCR cũng có những biểu hiện dây dưa, kéo dài thời gian thực hiện dự án, khi một số khách hàng được yêu cầu lên ký hợp đồng mua bán căn hộ gần đây đã bị yêu cầu kéo dài thời gian nhận nhà là 24 tháng kể từ ngày ký hợp đồng mua bán, chứ không phải là quý IV/2013, như chủ đầu tư cam kết tại thoả thuận đặt cọc trước đây.
Những uẩn khúc trong việc chủ đầu tư niêm phong và thu giữ hồ sơ đặt cọc, mua bán căn hộ Dự án, vai trò và trách nhiệm của Sàn giao dịch BĐS C trong vụ việc này ra sao. Báo Đầu tư sẽ tiếp tục cập nhật và phản ánh đến bạn đọc trong những số báo tới.
Hà Quang
Đầu tư
|