Địa ốc Bình Dương: Tiền tỉ chôn vùi!
Ước tính số tiền các nhà đầu tư bỏ vào thị trường nhà đất Bình Dương nay đang bị “đóng băng” lên tới hàng chục ngàn tỉ đồng và chưa có lối ra.
Từng được xem là “mỏ vàng” của các nhà đầu tư vào thời kỳ hoàng kim của thị trường nhà đất nhưng trong 2 năm trở lại đây, Bình Dương đã không còn là “đất lành chim đậu”. Ngược lại, đây là nơi “vùi chôn” tài sản của nhiều khách hàng.
Thua lỗ và lừa đảo
Vụ giám đốc một đơn vị bị khởi tố về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và bị Công an tỉnh Bình Dương phát lệnh truy nã mới đây chỉ là một trong số những vụ việc vừa vỡ lở. Thực tế, hiện nhiều vụ việc liên quan đến nhà đất vẫn còn đang trong giai đoạn âm ỉ chờ bùng phát, bởi những người có liên quan còn kỳ vọng vào việc được xử lý những tranh chấp một cách êm thấm, thay vì phải kéo nhau vào vòng lao lý.
Cách đây 5 tháng, nhiều khách hàng ở Bình Dương và TPHCM đã đến một số cơ quan báo chí “khóc ròng” vì chuyện họ mất hàng tỉ đồng khi mua phải đất có sổ đỏ của một người tên Nguyễn Thị Đẹp nhưng chẳng chơi “đẹp” chút nào. Đẹp đứng tên nhiều sổ đỏ có diện tích đất hàng ngàn mét vuông ở phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một - Bình Dương rồi rao bán khắp nơi với giá 1 tỉ đồng. Xác minh bước đầu của cơ quan chức năng cho thấy nhiều sổ đỏ là giả, trong đó có những khu đất có đến... 5 sổ đỏ. Nguyên nhân là do người này thua lỗ nặng trên thị trường nhà đất nên... làm liều.
Cuối tháng 6-2012, TAND tỉnh Bình Dương đã tuyên án đối với “siêu lừa” Nguyễn Thanh Bình (ngụ ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Tân Uyên - Bình Dương) 16 năm tù và 4 đồng phạm về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau một năm phất lên thành “đại gia”, việc kinh doanh bất động sản của Bình dần bỗng ế ẩm do thị trường đóng băng. Từ đó, Bình nảy sinh ý định lừa đảo. Tổng cộng có 27 nạn nhân sập bẫy, trong đó Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương mới làm rõ được 8 vụ, xác định Bình và đồng bọn chiếm đoạt hơn 6,8 tỉ đồng...
“Mắc kẹt” ở Bình Dương
Theo số liệu tính toán mới đây của một công ty nghiên cứu thị trường, tại Bình Dương hiện có khoảng 24.400 căn nhà từ 71 dự án, chủ yếu là biệt thự, nhà phố và đất nền, trong đó riêng TP mới Bình Dương chiếm đa số là biệt thự và nhà phố. Giá bán trung bình của biệt thự, nhà phố khoảng 18 triệu đồng/m2, đất nền khoảng 2,4 triệu đồng/m2.
Nếu chỉ tính trung bình mỗi căn nhà khoảng 500 triệu đồng (cả nhà và đất) sơ bộ số tiền bỏ vào thị trường này và đang bị “đóng băng” ít nhất khoảng 12.200 tỉ đồng. Còn nếu căn cứ theo số liệu của một số nguồn khác thì số tiền “chôn” vào nhà đất ở Bình Dương còn cao gấp nhiều lần. Chẳng hạn, theo số liệu của Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, chỉ trong khoảng 5-6 năm trở lại đây, các nhà đầu tư đã thực hiện khoảng 220 dự án bất động sản với tổng diện tích lên đến trên 8.500 ha.
Do khả năng tài chính của cư dân địa phương không cao, khách mua là người đến từ các địa phương khác với mục đích kinh doanh nên tại các dự án này hiện đều thưa vắng bóng người. Ngay cả khu dân cư Chánh Nghĩa ở TP Thủ Dầu Một cũng còn rất nhiều đất nền bỏ hoang dù đã được xây dựng và hình thành cách nay hơn 10 năm.
Theo các chuyên gia địa ốc, nguyên nhân của tình trạng trên là do lỗi ở quy hoạch phát triển, khi hàng loạt dự án ra đời tràn lan và thiếu kiểm soát. Cộng thêm tình hình kinh tế khó khăn đã kéo theo sức mua giảm nghiêm trọng. Nhiều người am hiểu thị trường nhà đất Bình Dương cho rằng để được như “bức tranh” đô thị mà các doanh nghiệp bất động sản và “cò” nhà đất vẽ ra tại Bình Dương, người mua nhà đất tại khu vực này phải chờ nhiều năm nữa, thậm chí 10 năm, 20 năm tới.
Chỉ đến khi việc đi lại giữa TPHCM và các địa phương lân cận được hoàn thiện, người dân TPHCM mới tìm đến một không gian sống thích hợp. Đây là lý do vì sao thị trường nhà đất Bình Dương đang “đóng băng” nghiêm trọng, khiến hàng loạt nhà đầu tư, kể cả các nhà đầu tư thứ cấp, đang “mắc kẹt” ở các khu vực này.
Mua rồi... bỏ hoang
Trước đây, các đợt bán sản phẩm của các dự án khu đô thị Hoàng Gia, Hưng Phước, Rạch Bắp (Bình Dương)... thường thu hút hàng trăm khách hàng đến chen lấn nhau để đăng ký mua.Ngoài khách hàng ở TPHCM còn có không ít người đến từ các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL và cả khu vực phía Bắc.
“Hầu hết khách hàng đều nhằm “mua đi bán lại” để kiếm lời chứ ít ai có ý định mua để cất nhà ở” - bà Đỗ Thị Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho hay.
Hiện nhiều khu đô thị tại Bình Dương và nhiều khu dân cư ở Đồng Nai đang có tình trạng khách hàng mua xong rồi... để đó, mặc cho hạ tầng ngày càng xuống cấp.
|
Hoàng Tường
Người lao động
|