Xuất khẩu gạo Thái Lan lâm cảnh “bết bát”
Thái Lan có thể sẽ mất ngôi vị nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào tay Ấn Độ trong năm nay, kết thúc quãng thời gian gần nửa thế kỷ liên tục đứng ở vị trí này.
Báo Bangkok Post của Thái dẫn số liệu do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố cách đây ít ngày cho biết, xuất khẩu gạo của Thái Lan có khả năng chỉ đạt 6,5 triệu tấn trong năm 2012, khiến nước này trượt xuống vị trí thứ ba sau Ấn Độ và Việt Nam. Theo dự báo của USDA, Ấn Độ sẽ xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm nay, còn Việt Nam sẽ xuất khẩu được 7 triệu tấn.
Thái Lan lần đầu được Cơ quan Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) công nhận là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào năm 1965, khi nước này xuất khẩu 1,89 triệu tấn gạo. Trước đó, vị trí này thuộc về Myanmar.
Nếu dự báo của USDA là chuẩn xác, thì lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trong năm nay sẽ giảm 39% so với năm 2010.
Chính phủ Việt Nam mới đây đặt mục tiêu xuất khẩu ít nhất 6-7 triệu tấn gạo mỗi năm cho tới năm 2015. Theo số liệu chính thức, năm 2011, Việt Nam xuất khẩu 7,2 triệu tấn gạo, mức cao kỷ lục.
Các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan đã đổ lỗi cho chương trình thu mua lúa gạo tạm trữ của Chính phủ nước này khiến lượng gạo xuất khẩu lao dốc. Nguyên nhân, theo các nhà xuất khẩu gạo Thái, nằm ở chỗ, chương trình can thiệp của Chính phủ khiến giá gạo Thái Lan cao phi lý, làm suy giảm sức cạnh tranh của gạo nước này trên thị trường toàn cầu.
Hôm 26/7, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra tuyên bố, Bangkok sẽ tiếp tục chương trình thu mua lúa gạo tạm trữ và rằng, Bộ Thương mại nước này đã có kế hoạch bán gạo từ kho tạm trữ.
Ước tính, Chính phủ Thái đã chi 250 tỷ Baht để mua khoảng 17 triệu tấn thóc kể từ khi chương trình can thiệp bắt đầu vào tháng 12 năm ngoái. Giá thóc thu mua theo chương trình này là 15.000 baht đối với thóc gạo trắng và 20.000 baht đối với thóc gạo Hom Mali, cao hơn nhiều so với giá thị trường.
Khối lượng xuất khẩu gạo của các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới qua các năm - Nguồn: USDA/Bangkok Post.
Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan Boonsong Teriyapirom thì vẫn tin tưởng rằng, Thái Lan sẽ xuất khẩu ít nhất 8,5 triệu tấn gạo trong năm nay vì Chính phủ Thái đã đàm phán bán tổng số 4-5 triệu tấn gạo cho nhiều quốc gia, với một phần số gạo này được giao hàng trong năm 2012. Ông Boonsong cũng tuyên bố, Chính phủ Thái Lan không có kế hoạch điều chỉnh chương trình thu mua lúa gạo tạm trữ.
“Gạo Thái được công nhận khắp thế giới là có chất lượng cao hơn gạo Việt Nam. Bởi thế, việc gạo Thái giá cao hơn là hợp lý”, báo Bangkok Post dẫn lời ông Boonsong.
Ông Yanyong Phuangrach, Thư ký Bộ Thương mại Thái Lan, thậm chí còn tin tưởng nước này sẽ xuất khẩu được 9,5 triệu tấn gạo trong năm nay. “Trong đó, 3 triệu tấn sẽ được bán theo kênh chính phủ”, ông Yanyong tuyên bố.
Trong số 9,5 triệu tấn gạo mà quan chức này nhắc đến bao gồm các hợp đồng 1,5 triệu tấn gạo bán cho Indonesia, 660.000 tấn bán cho Iraq, 240.000 tấn bán cho Bờ Biển Ngà, 2-3 triệu tấn bán cho một số nước châu Phi khác, bên cạnh 1,5 triệu tấn gạo cao cấp xuất khẩu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, Bộ Thương mại Thái Lan vẫn chưa xuất được tấn gạo nào theo các thỏa thuận giữa các chính phủ.
Với lượng gạo tồn kho ở mức thấp, các nhà xuất khẩu Thái Lan đang thúc giục Chính phủ bán ra gạo tạm trữ với giá rẻ hơn giá mua theo chương trình can thiệp. Các nhà xuất khẩu cho biết, khu vực tư nhân của Thái Lan hy vọng sẽ xuất khẩu được 3 triệu tấn gạo trong 6 tháng cuối năm nay, sau khi xuất 3,45 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, ông Yanyong trả lời rằng, Chính phủ Thái sẽ xả kho gạo dự trữ với điều kiện sẽ không ảnh hưởng giá gạo trong nước và chỉ nhằm mục đích giảm thiểu chi phí tạm trữ gạo. “Chương trình can thiệp thị trường là nhằm tăng giá gạo, và Chính phủ đã đạt được mục tiêu đó. Chúng tôi không ngại chịu lỗ”, ông Yanyong phát biểu.
Tính đến ngày 26/7, giá gạo trắng loại 5% tấm xuất khẩu của Thái Lan là 585 USD/tấn, so với mức 527 USD/tấn cách đây 1 năm. Giá gạo Hom Mali xuất khẩu của nước này cũng lên mức 1.084 USD/tấn, từ mức 1.010 USD/tấn cách đây 1 năm.
Ông Niphon Poapongsakom, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển Thái Lan, thì tỏ ra hoài nghi về nguồn gốc của số lúa gạo bán trong nước và xuất khẩu ở nước này. Theo ông Niphon, Thái Lan sản xuất 30 triệu tấn lúa mỗi năm, mà 17-18 triệu tấn đã được mua vào kho tạm trữ của Chính phủ. Bởi thế, ông nghi ngờ rằng, một lượng thóc gạo mua tạm trữ và gạo xuất khẩu của nước này có thể đến từ Campuchia và Việt Nam.
Ông Niphon đề nghị Chính phủ Thái Lan thực hiện kiểm tra chất lượng gạo để đảm bảo rằng, không có gạo từ nước ngoài xâm nhập vào Thái Lan để lợi dụng giá gạo cao của chương trình tạm trữ.
An Huy
tbktvn
|