Xuất khẩu điều: “Dài cổ” chờ khách hàng thanh toán
“Doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng mấy chục triệu đôla, giao hàng tận cảng nhưng các nhà nhập khẩu thấy giá điều thế giới giảm (khoảng 6.800 USD/tấn so với giá 7.000 USD/tấn trong hợp đồng).
Nguồn cung từ Ấn Độ, Bờ Biển Ngà, Brazil dồi dào, lại lấy cớ chất lượng không đạt cùng nhiều lý do khác nên chưa chịu hoặc không nhận hàng” - ông Lưu Văn Ổn, Giám đốc Công ty TNHH Đỉnh Cao (Tây Ninh), chia sẻ. Ông cùng nhiều đại diện DN xuất khẩu điều Việt Nam đã tham dự Hội nghị sơ kết hoạt động thu mua, chế biến, xuất nhập khẩu ngành điều sáu tháng đầu năm và triển khai kế hoạch sáu tháng cuối năm 2012 do Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức ngày 25-7, tại TP.HCM.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Lê Chí Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP TM&ĐT Hợp Long (TP.HCM), cho biết: “Hiện tại ở cảng Rotterdam (Hà Lan) có hơn 200 container hàng của DN Việt Nam mắc kẹt vì sự bội tín của nhà nhập khẩu. Có DN bị giam hàng ở cảng 8-10 tháng trời, chịu mức phí bằng giá trị hàng, giờ coi như mất trắng, chẳng biết kêu ai”.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Phó Chủ tịch Vinacas, cũng nhận định: “Nhiều DN phải bán cắt lỗ để trả nợ ngân hàng, sẵn sàng bán giá thấp 7 USD/kg trong khi các DN khác đăng ký giá 7,5 USD/kg. Điều này sẽ tạo điều kiện cho nhà nhập khẩu ép giá “giết” chung ngành điều nước ta”. Tuy nhiên, theo ông, thời gian qua Hiệp hội không nhận được “tiếng kêu” của DN nào. Nếu được báo, dù không thể can thiệp trực tiếp, Hiệp hội có thể nêu tên nhà nhập khẩu mất uy tín đó lên trang thông tin đại chúng hoặc phản ánh với hiệp hội nhà nhập khẩu nước bạn nhờ cảnh báo giúp.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Vinacas, cho rằng DN không nên nhập điều nguyên liệu với số lượng lớn, cần chú trọng hơn đến chất lượng xuất khẩu và phát triển sản phẩm mới để nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, DN nên chủ động đàm phán ký hợp đồng giao hàng ngay “tiền trao, cháo múc” thay vì bán giao xa dễ gặp rủi ro. Sắp tới, Hiệp hội sẽ đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT đưa ra tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm đối với điều để DN xuất khẩu thuận tiện hơn.
Theo Vinacas, dự báo cả năm 2012 kim ngạch xuất khẩu điều chỉ đạt 1,1 tỉ USD, giảm khoảng 400 triệu USD so với mức dự báo hồi quý I-2012.
QUANG HUY
Pháp luật TPHCM
|