Thứ Ba, 17/07/2012 13:51

Xử lý tài sản đảm bảo: Khó, khổ và khẩn

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Quyền Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN), việc xử lý các TSĐB sẽ không phải là vấn đề dễ dàng vì còn vô vàn trở ngại, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay khiến giá trị của các TSĐB sụt giảm và thanh khoản của thị trường BĐS rất yếu trong khi đa phần TSĐB là BĐS.

Xử lý nhanh TSBĐ

NHNN vừa đưa ra các con số về nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Trong đó, theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thì con số này là hơn 202 ngàn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng tính đến ngày 31/3/2012. Việc trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) và tài sản đảm bảo (TSĐB) sẽ giúp cho nợ xấu không gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các TCTD. Thế nhưng, việc nhiều nghìn tỷ đồng không thể đưa vào lưu thông mà bị “chôn” ở các TSĐB rõ ràng đang gây ra những lãng phí lớn.

Ảnh: MH

Vấn đề đặt ra lúc này là làm sao xử lý nhanh các TSĐB này để giúp các TCTD thu hồi vốn, qua đó góp phần khơi dòng tín dụng cho nền kinh tế. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Quyền Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), một trong các giải pháp căn cơ cần làm ngay, làm quyết liệt hiện nay là phải xử lý nhanh những TSĐB để thu hồi nợ. Tuy nhiên, việc xử lý các TSĐB sẽ không phải là vấn đề dễ dàng vì còn vô vàn trở ngại, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay khiến giá trị của các TSĐB sụt giảm và thanh khoản của thị trường BĐS rất yếu trong khi đa phần TSĐB là BĐS.

Đối mặt với khó khăn

Theo các chuyên gia, trong xử lý TSĐB, vấn đề thường phát sinh ở nhóm các điều kiện về kinh tế. Tại Việt Nam, các yếu tố mang tính nguyên tắc và điều kiện như vậy vẫn có thể thiếu hoặc không kiểm soát được. Rất nhiều hồ sơ tín dụng có TSĐB nhưng khi đến kiểm tra thì TSĐB đó không còn hoặc không thể xác định được giá trị.

Một khó khăn khác là quy trình thanh lý tài sản, thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý trong giải quyết các TSĐB rất phức tạp vì tại Việt Nam, việc xử lý TSĐB thường phải ra tòa. Một lãnh đạo ngân hàng lấy dẫn chứng, có những món nợ người đi vay chết khá lâu rồi mà tài sản của họ ở ngân hàng vẫn không thanh lý được. Thậm chí có trường hợp khách hàng chây ỳ, không chịu bàn giao TSĐB. Đấy là chưa kể trong quá trình hoàn tất các thủ tục pháp lý còn có những biểu hiện gian lận, tiêu cực. Và khi đã phải xử lý các TSĐB ở tòa thì thường thời gian ít nhất cũng mất 18 tháng, nhiều có thể lên tới 60 tháng tùy tính chất nghiêm trọng và phức tạp của mỗi vụ việc, cùng với đó là những tổn thất về chi phí, nhân lực. Có lẽ vì vậy nên các ngân hàng khá ngại phải đưa các vụ việc tới tòa cho đến khi không thể chịu hơn được nữa. Nắm bắt được tâm lý này nên cũng có không ít khách hàng đã chây ỳ trong chuyện trả nợ.

Ngoài ra, vấn đề thẩm định, tái thẩm định - hiện vẫn chủ yếu do các ngân hàng tự tiến hành - cũng được các chuyên gia nhìn nhận là chưa chặt chẽ, làm cho công tác xử lý TSĐB thêm khó khăn.

Thay đổi tư duy và xúc tiến AMC quốc gia

Vậy giải pháp ở đây là gì? Trước hết, các ngân hàng nên tiến hành thẩm định lại và phân loại các TSĐB hiện tại. Đồng thời, cần làm rõ vị thế pháp lý, vị trí thế chấp của họ trong các tài sản đó.

Một điểm vô cùng quan trọng nữa là các ngân hàng cần thay đổi tư duy trong chiến lược kinh doanh cũng như trong từng hoạt động của mình. Từ lâu nay, khi nhìn vào chỉ tiêu kinh doanh của một chi nhánh ở ngân hàng nào đó, người ta đều dễ dàng nhận thấy chỉ tiêu số 1 là lợi nhuận, thứ 2 là nguồn vốn, thứ 3 là tăng trưởng tín dụng… Các tiêu chí về tỷ lệ nợ xấu và xử lý các khoản nợ xấu luôn đứng cuối bảng. Giờ đây, cần đưa vấn đề xử lý nợ xấu về số 1. Còn nếu vẫn cứ để lợi nhuận là số 1 thì chắc chắn vấn đề xử lý TSĐB vẫn chưa được giải quyết. Một số chuyên gia chia sẻ, nếu giải quyết được 30-40% số nợ xấu hiện tại đã có thể xem là tốt. Các khoản nợ xấu còn lại - dưới tác động lan truyền - sẽ phần nào hồi phục được theo hướng tích cực.

Cuối cùng, để giải quyết được một cách tổng thể, lâu dài trong vấn đề xử lý nợ của các ngân hàng ở tầm mức quốc gia và để có thể mua nợ trước khi các tài sản đó bị thanh lý thì vấn đề thành lập công ty mua bán nợ quốc gia (AMC) cần xúc tiến. Cùng với đó, nên tham khảo các quy định về luật pháp và thông lệ quốc tế để có thể áp dụng vào Việt Nam một cách hiệu quả nhất, giảm nhanh những thủ tục pháp lý còn quá nhiều rườm rà, phức tạp hiện nay - các chuyên gia nhìn nhận.

Tại Nghị định 112/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp được giao chủ trì, phối hợp với NHNN, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các quy định về xử lý TSĐB. Theo các chuyên gia, văn bản này ra đời hứa hẹn sẽ giải quyết những vướng mắc hiện nay trong vấn đề xử lý TSĐB để thu hồi nợ của các TCTD.

Bộ này cũng được giao xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật về giao dịch bảo đảm nhằm nâng cao tính an toàn pháp lý của hoạt động cho vay có bảo đảm; Chủ trì, phối hợp với NHNN Việt Nam kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về xác lập, thực hiện giao dịch bảo đảm; hướng dẫn, chỉ đạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về pháp luật trong lĩnh vực giao dịch bảo đảm cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.


Hồng Quân

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Lên Ba Vì mua đất được "biếu" thêm đất (17/07/2012)

>   Chuyển nhượng dự án: Người bán tiếp tục lùi (17/07/2012)

>   Đề nghị lập Hiệp hội Các DN xuất khẩu clinker và xi măng (16/07/2012)

>   Hà Nội kiến nghị công bố giá dịch vụ nhà chung cư (16/07/2012)

>   Điểm mặt những dự án tại Hà Nội bị thu hồi đất do sai phạm (16/07/2012)

>   Phía sau sự “hào hiệp” của Tập đoàn Nam Cường (16/07/2012)

>   Đại hạ giá vẫn ế ẩm (P1): Trung tâm thương mại đìu hiu (16/07/2012)

>   Bùng nổ phân lô bán nền (16/07/2012)

>   Đất vàng bỏ hoang: Đại gia 'ôm' (16/07/2012)

>   Cẩn trọng với những dự án nợ tiền đất (15/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật