Đất vàng bỏ hoang: Đại gia 'ôm'
Tiếp mạch “truy quét” gắt gao các dự án vi phạm pháp luật đất đai, cơ quan chức năng TP Hà Nội lại vừa điểm mặt hàng loạt địa chỉ có sai phạm. Thật bất ngờ, bên cạnh một số doanh nghiệp bất động sản tầm trung, danh sách các địa chỉ vi phạm đã xuất hiện nhiều đại gia.
Khu đất vàng của Vietcombank bị bỏ không từ năm 2008
|
La liệt vi phạm
Nằm giữa “tam giác” phát triển đô thị mạnh nhất Hà Nội (Thanh Xuân - Cầu Giấy - Từ Liêm), Khu đô thị mới Cầu Giấy từ nhiều năm nay được giới đầu tư quan tâm. Giá đất dự án ở đây luôn đứng hàng cao nhất trên địa bàn thành phố. Thời điểm giữa năm 2010, khi thị trường bất động sản lên “đỉnh”, đất liền kề, biệt thự ở Khu đô thị mới Cầu Giấy được chào bán trên 300 triệu đồng/m2, đắt nhất Thủ đô. Thế nhưng, những ngày này, dạo một vòng quanh khu đô thị mới Cầu Giấy, người ta bắt gặp hàng loạt ô đất vàng ở ngay mặt đường Trần Thái Tông nằm im lìm dưới lớp cỏ lác cao cả mét.
Gần cuối đường Trần Thái Tông, ô đất vàng rộng hơn 5.000m2 của Ngân hàng CP Ngoại thương Việt Nam là một ví dụ điển hình. Khu đất trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ cuối năm 2008 song nhiều năm qua vẫn được quây rào tôn kín mít, cao quá đầu người để “bảo vệ”... cỏ dại mọc tự do phía bên trong. Anh Nguyễn Văn Hoài, một người bán hàng rong phía ngoài tường rào dự án cho biết, nhiều năm nay dự án đã “nằm im” như vậy.
“Quây tôn kín mít như thế, đường vào còn không có thì xây dựng cái gì. Tôi đứng bán hàng ở đây hơn 3 năm rồi có thấy “động đậy” gì đâu...”. Cách khu đất của Vietcombank không xa, hàng loạt dự án khác thay vì bịt kín lại đàng hoàng mở rộng cửa cho tư nhân vào thuê mặt bằng kinh doanh. Có rất ít nhà hàng hay đơn vị kinh doanh lớn chấp nhận thuê đất dự án bỏ hoang. Hầu hết cơ sở đang “bám mặt đường” ở những lô đất này là các dịch vụ nhỏ lẻ như rửa xe, quán ăn, trông giữ xe, sân bóng mini, hàng giải khát... Ô đất ký hiệu D2 tại Khu đô thị mới Cầu Giấy do Ban quản lý dự án quận Cầu Giấy quản lý đang ở trong tình trạng như thế. Rộng hơn 1.100m2, khu đất này đang được cho thuê, cho mượn trái mục đích làm gara ô tô, rửa xe, quán ăn.
Điểm mặt đại gia
Nghiêm trọng hơn, cũng nằm ở “tam giác” Thanh Xuân - Cầu Giấy - Từ Liêm và quận Tây Hồ, rất nhiều khu đất vàng khác tại Khu đô thị mới Nam Trung Yên, Khu đô thị mới Mỹ Đình II, Khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng, dọc hai bên tuyến Lê Văn Lương, khu đấu giá quyền sử dụng đất 18,6ha quận Tây Hồ... cũng đang nằm phơi sương, phơi nắng hoặc bị cho thuê, cho mượn, sử dụng sai mục đích.
Kết quả kiểm tra mới nhất về tình trạng các “khu đất vàng” bị bỏ hoang trên địa bàn 4 quận, huyện (Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ, Từ Liêm) của Sở TN-MT Hà Nội đã chứng thực những gì phóng viên quan sát được tại hiện trường. Trong tổng số 32 khu đất trên địa bàn, với diện tích khoảng 488.545m2 của 23 chủ đầu tư, có 19 khu đất trống chưa sử dụng, diện tích 309.368m2; 10 khu đất các chủ đầu tư được giao quản lý nhưng hiện đang sử dụng sai mục đích (làm bãi đỗ xe, sân bóng đá, cửa hàng thu gom phế liệu, quán ăn, gara sửa xe ô tô...) với diện tích 159.328m2. Ngoài ra, có 2 khu đất đã được UBND TP quyết định giao đất, cho thuê đất, chủ đầu tư đang thực hiện xác định giá đất, ký hợp đồng thuê đất để thực hiện dự án và 1 khu đất chưa hoàn thành GPMB.
Ngoài Vietcombank, người ta có thể thấy, trong danh sách dài các đơn vị vi phạm có thêm những cái tên vốn “lẫy lừng” trong lĩnh vực bất động sản như Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex); Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD); Công ty CP Hacinco; Tổng công ty Xây dựng Hà Nội; Công ty CP Xây dựng dân dụng Hà Nội; Công ty CP Tu tạo và phát triển nhà; Tổng công ty Xây dựng Sông Đà; Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội... Đã qua rồi thời hào nhoáng của các đại gia bất động sản, các doanh nghiệp này có trong tay quỹ đất đắc địa bậc nhất Hà Nội nhưng lại bỏ không hoặc chấp nhận cho thuê làm các dịch vụ nhỏ lẻ.
Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội, ông Vũ Văn Hậu cho biết, có nhiều dự án do phải rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch hoặc do chủ đầu tư chưa đủ khả năng tài chính để thực hiện dự án do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Một số được TP giao làm chủ đầu tư các ô đất nhưng không tích cực lập dự án, lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất theo quy định. Đối với các đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất, sau khi được cấp “sổ đỏ” và được bàn giao đất ngoài thực địa, nhiều doanh nghiệp đã không triển khai dự án để đưa đất vào sử dụng. Không liên hệ với ngành chức năng để thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sơ bộ, hướng dẫn lập dự án đầu tư, cấp phép xây dựng... Đáng chê trách hơn, một số chủ đầu tư sau khi GPMB và xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật lại sử dụng đất sai mục đích như làm gara ô tô, trông giữ ô tô, xe máy, sân bóng đá mini, bán bia hơi...
Dự án khách sạn 5 sao thành... sân bóng
Theo kiểm tra của liên ngành thành phố, dự án Khách sạn 5 sao tại Khu X2 xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, sau khi GPMB xong, hiện đang có một số cá nhân, tổ chức đã xây dựng một... sân bóng, bãi để xe và kinh doanh ăn uống, giải khát. Từ đầu năm 2010, TP đã lựa chọn Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc làm chủ đầu tư dự án Khách sạn Hoa Sen tại vị trí đất này.
|
Chính Trung
an ninh thủ đô
|