Doanh nghiệp bất động sản “vượt vũ môn”
Các doanh nghiệp BĐS trong Nam, ngoài Bắc đang oằn mình… “vượt vũ môn”.
Đua hỗ trợ lãi suất để bán nhà, giảm giá bán nhà về giá vốn hoặc chịu lỗ; thậm chí âm thầm thay đổi diện tích để đón đầu luật sửa đổi. Các doanh nghiệp BĐS trong Nam, ngoài Bắc đang oằn mình… “vượt vũ môn”.
Hà Nội: Đua hỗ trợ lãi suất
Ông Nguyễn Hữu Cường, Chủ tịch CLB BĐS Hà Nội, cho biết, để tồn tại trong bối cảnh thị trường khó khăn kéo dài, nhiều doanh nghiệp BĐS tại Hà Nội thời gian qua đã co cụm hoạt động để tiết giảm chi phí đến mức thấp nhất. Ngoài ra, vì khó khăn về tài chính, nhiều chủ đầu tư đã phải tạm dừng hoặc giãn tiến độ dự án. Trong khi không ít chủ dự án không muốn mất uy tín đã phải thỏa thuận hàng đổi hàng với các đối tác để có cơ hội hoàn thiện dự án đúng tiến độ.
Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT ConstreximHod, cho biết, trong bối cảnh thị trường khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải cơ cấu lại sản phẩm, trong khi nhiều doanh nghiệp khác vẫn phải triển khai dự án đang dở dang và bán sản phẩm ra ngoài thị trường. Để bán được sản phẩm, nhiều chủ dự án tiếp tục phải chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng việc hạ giá hoặc hỗ trợ lãi suất cho người mua nhà.
Hiện, trần lãi suất cho vay đã giảm xuống 15%/năm, nhưng để bán được hàng, nhiều chủ dự án (chủ yếu dự án căn hộ hạng A và B) đã hỗ trợ đến 50% lãi suất. Thậm chí, một số chủ dự án cạnh tranh bán hàng với các đối thủ bằng việc chấp nhận hỗ trợ 100% lãi suất, khiến lãi suất vay vốn mua nhà tại một số dự án giờ đã trở về con số 0%/năm. Nhờ chính sách hỗ trợ lãi suất của doanh nghiệp mà thanh khoản của thị trường căn hộ đã được cải thiện đáng kể, dù tỷ lệ hấp thụ so với lượng căn hộ bán ra là rất thấp.
Theo thống kê của Savills Việt
Nam
, tỷ lệ hấp thụ với phân khúc căn hộ hạng C trong quý II/2012 tại Hà Nội đạt 20%, hạng B là 10%, trong khi hạng A là 2%. Đây là một tỷ lệ rất thấp, nhưng cũng cho thấy việc cơ cấu lại sản phẩm và các chính sách hỗ trợ bán hàng của nhiều chủ dự án đã thu được kết quả rất lớn, nếu so sánh với thời kỳ thị trường gần như “đóng băng” một năm trước đó.
TP. HCM: Ồ ạt bán nhà dưới giá vốn
Tại phía
Nam
, do thị trường khó khăn từ năm 2008, nên các doanh nghiệp BĐS tại đây có phần căng thẳng hơn. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho biết, sức cầu của thị trường trong một năm qua rất thấp. Đặc biệt, thị trường đã “chết” ở phân khúc căn hộ từ 2 - 3 tỷ đồng trở lên. Song, với phân khúc căn hộ dưới 1 tỷ đồng/căn và giá dưới 15 triệu đồng/m2, các doanh nghiệp vẫn bán được hàng. Vì vậy, rất nhiều chủ dự án tại TP. HCM đã chấp nhận lỗ khi hạ giá bán nhà xuống 11 - 13 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn tự “chẻ nhỏ” căn hộ 80-90m2, rồi âm thầm bán hàng để duy trì tồn tại và đón đầu luật sửa đổi. Theo ông Đực, việc doanh nghiệp không tuân thủ quy hoạch, tự chia nhỏ căn hộ là sai quy định. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp vẫn vi phạm để bán được hàng, chấp nhận cắt độ cao dự án, nếu như sự “đi tắt, đón đầu” của doanh nghiệp không được luật sửa đổi chấp nhận.
Trao đổi với ĐTCK, ông Đỗ Phi Hùng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM cho biết, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quy mô nhỏ, vốn vay lớn rất khó khăn. Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, Sở Xây dựng và thành phố đã đề xuất nhiều cơ chế về tài chính, về thuế và nhiều chính sách khác nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đang kiến nghị thành phố mua lại một số lượng căn hộ của doanh nghiệp, nhưng chưa được thực hiện. Dẫu vậy, ông Hùng cũng chia sẻ một thông tin an ủi, đó là đến nay, TP. HCM chưa ghi nhận một doanh nghiệp BĐS nào chính thức phá sản!
Phương Anh
Đầu tư chứng khoán
|