Vàng phục hồi gần 1% và đóng cửa trên 1,589 USD/oz
Nhà đầu tư mua vào kim loại quý với giá rẻ sau phiên lao dốc mạnh cuối tuần trước. Bên cạnh đó, sự suy yếu của đồng USD cũng tác động tích cực đến các kim loại.
* Lạm phát thấp nhất 29 tháng, Trung Quốc có thể tiếp tục nới lỏng chính sách
* Dầu vọt gần 2% do nguy cơ ngừng sản xuất dầu tại Na-Uy
Chỉ số đồng USD, thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền lớn khác, giảm từ 83.36 USD xuống 83.16 USD.
Giá vàng giao tháng 8 trên bộ phận Comex của sàn Nymex tăng 10.20 USD/oz (0.7%) lên 1,589.10 USD/oz.
Kim loại quý này rớt 30.50 USD/oz (tương ứng 1.9%) trong phiên thứ Sáu tuần trước và giảm 1.6%/tuần do bản báo cáo việc làm thất vọng của Mỹ.
Giá vàng giao ngay cộng 0.32% lên 1,587.51 USD/oz.
Các kim loại khác cũng có diễn biến tương tự giá vàng, trừ bạch kim. Giá bạc giao tháng 9 tăng 52 xu (2%) lên 27.44 USD/oz sau khi đánh mất 2.4% trong tuần trước.
Giá đồng giao tháng 9 nhận 2 xu (0.7%) lên 3.43 USD/lb. Giá palađi giao tháng 9 tiến 3.55 USD/oz (0.6%) lên 583.90 USD/oz.
Tuy nhiên, giá bạch kim giao tháng 10 giảm 3.6 USD/oz (0.3%) xuống 1,445.90 USD/oz.
Sáng ngày thứ Hai, Cơ quan Thống kê Trung Quốc (NBS) thông báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 2.2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với dự báo 2.3% của 32 nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Bloomberg và mức 3% trong tháng 5. Đồng thời, đây là mức tăng CPI thấp nhất kể từ tháng 1/2010.
Các nhà phân tích của HSBC nhận định lạm phát tại Trung Quốc giảm khá nhanh và dọn đường cho việc nới lỏng chính sách quyết liệt hơn trong bối cảnh các nhà làm chính sách nước này đang tích cực ứng phó để duy trì đà tăng trưởng kinh tế.
Vào ngày thứ Sáu tuần trước, HSBC tiếp tục bày tỏ quan điểm lạc quan về giá vàng trong trung hạn. Các nhà kinh tế của ngân hàng này nhận định bản báo cáo việc làm tháng 6 cho thấy tăng trưởng việc làm đã suy yếu trong quý 2 và có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục nới lỏng chính sách.
Phước Phạm (Vietstock)
FFN
|