Thứ Sáu, 06/07/2012 09:41

Chính sách đối với vàng miếng nên rõ ràng hơn

Trước việc các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang làm khó người dân khi bán vàng miếng ông Đinh Nho Bảng - Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhấn mạnh: “NHNN nên rõ ràng, minh bạch và sòng phẳng trong các chính sách quản lý thị trường vàng để người nắm giữ vàng miếng, đặc biệt là vàng miếng phi SJC không bị thiệt thòi khi mua bán, trao đổi”.

- Mặc dù NHNN đã khẳng định các loại vàng miếng vẫn được phép lưu thông mua bán bình thường, nhưng trên thực tế người dân đang chịu thiệt khi mua bán với doanh nghiệp. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

- Ngày 5-7, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã khẳng định lại một lần nữa rằng, tất cả các loại vàng miếng đã được NHNN cấp phép sản xuất trước đây vẫn được phép lưu thông và mua bán bình thường. Nghĩa là về mặt pháp luật, sau khi Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, tất cả các thương hiệu vàng miếng đều được nắm giữ, mua bán bình thường.

Tuy nhiên, thị trường vàng thời gian qua có hiện tượng là chênh lệch về giá lớn giữa các thương hiệu vàng khác so với SJC. Điều này dẫn đến việc người dân sở hữu các loại vàng phi SJC bị thiệt thòi và hoang mang.

Có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: đó là tâm lý người dân và sự không rõ ràng trong các chính sách.

Thứ nhất là tâm lý người dân, Nhà nước đã công bố tất cả các thương hiệu vàng đều được phép mua bán bình thường nhưng người dân vẫn bán ra. Bởi vậy, có tình trạng doanh nghiệp lợi dụng tâm lý người dân bán ra nhiều, chênh lệch giá giữa các thương hiệu lên cả triệu đồng. Nhưng cũng phải thông cảm cho doanh nghiệp vì nếu người dân đổ xô bán ra, doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm mua vào, mà vốn ở đâu, mua vào rồi bán cho ai? Trong bối cảnh chính sách còn chưa rõ ràng, việc doanh nghiệp thận trọng là điều dễ hiểu.

Thứ hai, những hoang mang trong tâm lý người sở hữu vàng miếng có nguyên nhân từ chính sách. Các công bố phải cụ thể, rõ ràng để tránh những lo lắng của người dân. NHNN chỉ nói là người nắm giữ vàng miếng được quyền mua bán bình thường. Nhưng mua bán cụ thể thế nào để dân không bị thiệt thì rõ ràng NHNN chưa đưa ra phương án.

- Theo ông, NHNN nên có chính sách nào để tránh những thiệt thòi không đáng có của người dân trong mua bán, chuyển đổi vàng phi SJC?

- Theo tôi, NHNN nên có chỉ đạo về việc mua vàng phi SJC thế nào để dân khỏi thiệt. Chẳng hạn, NHNN mua trực tiếp hoặc thông qua đại lý là các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp mua lại các thương hiệu vàng phi SJC theo giá thị trường, thêm phí gia công và các loại phí cần thiết như phí vận chuyển, bảo quản… Vì các thương hiệu vàng khác nhau nhưng giống nhau ở trọng lượng, chất lượng… tại sao lại để người dân chịu thiệt khi bán ra chênh nhau đến hơn triệu đồng như thế?

- Trên thực tế, vàng SJC bị cong, vênh cũng bị doanh nghiệp thu mua với giá rẻ. Phải chăng các doanh nghiệp đang cố tình làm khó khách hàng?

- Nghị định 24 có hiệu lực, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Bởi vậy, doanh nghiệp mua vào để làm gì trong khi giá vàng biến động liên tục, rủi ro rất lớn. Nên không thể trách doanh nghiệp được, vấn đề là phải có một cơ chế rõ ràng cho DN từ các cơ quan quản lý.

Theo tôi, chính sách nên rõ ràng và có lộ trình. Như vấn đề mua bán vàng phi SJC, Nhà nước cũng nên sòng phẳng. Mua lại vàng trong dân để làm nguyên liệu sản xuất vàng miếng sẽ đỡ phải nhập khẩu vàng nguyên liệu. Việc thu mua này cũng sẽ làm tăng nguồn dự trữ vàng quốc gia. Bởi vậy, nếu có chính sách rõ ràng, người dân sẽ không hoang mang mà Nhà nước cũng được lợi.

Tổng thể thì nên có một đề án cụ thể, minh bạch về việc chuyển đổi, mua bán các thương hiệu vàng phi SJC, về việc mua vào vàng méo và những tình trạng khác phát sinh trên thị trường vàng.

Hùng Anh (Ghi)

An Ninh Thủ đô

Các tin tức khác

>   Vàng xuống dưới 1,610 USD/oz sau động thái của các NHTW và đồng USD mạnh (06/07/2012)

>   Thị trường vàng lặng sóng (05/07/2012)

>   Vàng rút nhẹ khỏi mức cao hai tuần xuống 1,616 USD/oz (05/07/2012)

>   Giá vàng đi ngược với xu hướng thế giới (03/07/2012)

>   Ngân hàng "ngán" vàng? (02/07/2012)

>   Yêu cầu ngừng huy động vàng: Lãi suất giảm mạnh (01/07/2012)

>   Ngân hàng chưa muốn buông huy động vàng (29/06/2012)

>   Giá vàng trong nước lùi sát 42 triệu đồng mỗi lượng (21/06/2012)

>   Vàng giảm do biện pháp kích thích của Fed chưa đủ mạnh (21/06/2012)

>   Vàng giảm nhẹ do nhu cầu “tránh bão” suy yếu (20/06/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật