Sơn Hà và cuộc phiêu lưu bán lẻ
Ra mắt đúng lúc thị trường bán lẻ đang trầm lắng, “tân binh” Hiway Supercenter vẫn mang theo nhiều dấu hỏi về tương lai của “ông chủ” Sơn Hà.
Siêu thị Hiway Supercenter (do Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà - SHI nắm 75,8% cổ phần) đã vừa chính thức khai trương.
Trong bối cảnh các chuỗi siêu thị trong nước khác, như Citimart, Intimex, Fivimart… đều duy trì mô hình nhỏ, tiện lợi, thì việc Sơn Hà chọn mô hình đại siêu thị cùng quy mô với BigC và Co.opMart được coi là phù hợp nhất hiện nay.
Cách đây không lâu, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT SHI và Hiway Việt Nam cho biết: “Nếu không gia nhập thị trường bán lẻ vào thời điểm này, thì cơ hội sẽ dần đóng lại sau vài năm tới. Chúng tôi xác định chấp nhận lợi nhuận thấp để tranh thủ cơ hội của thị trường”.
Song câu hỏi đặt ra là, liệu siêu thị bán lẻ có đảm bảo cho Sơn Hà phát triển bền vững?
Trước hết, ở góc độ khách quan, với quy mô dân số, tốc độ đô thị hóa và nhu cầu ngày càng tăng, siêu thị bán lẻ được coi là một trong các lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất trong 5 năm gần đây và tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tương lai. Hơn nữa, đây là lĩnh vực phục vụ nhu cầu hàng thiết yếu.
Mặc dù không có số liệu chính thức, nhưng theo báo cáo phân tích về lĩnh vực bán lẻ của Công ty TNHH Nexus, chuyên tư vấn quan hệ nhà đầu tư và M&A, hầu hết các siêu thị bán lẻ tại Việt Nam không lỗ và đây là một tín hiệu khách quan đối với triển vọng của Sơn Hà. Chẳng hạn, trung bình một siêu thị Co.opMart, BigC tại Hà Nội và TP.HCM có doanh thu từ 2 tỷ đồng/ngày trở lên.
Theo ông Sơn, nếu thành công, lĩnh vực này sẽ mang lại dòng tiền lớn cho công ty, có thể vượt qua lĩnh vực công nghiệp sản xuất Inox sau khi phát triển được từ 3 siêu thị trở lên. Lợi thế khác của lĩnh vực siêu thị bán lẻ là dòng tiền luôn dương (nợ tiền của nhà cung cấp, nhưng thu vào bằng tiền mặt), nên sẽ bổ sung và cân đối cho dòng tiền của lĩnh vực công nghiệp.
Thứ hai, xét ở góc độ chủ quan, nhìn vào lợi thế của SHI có thể thấy, một số tín hiệu khả quan. Chẳng hạn, SHI đang có một quỹ đất dự phòng tại nhiều vị trí đẹp ở Hà Nội, TP.HCM để phát triển thành chuỗi siêu thị với chi phí thấp, tính ổn định cao. Trong khi đó, các siêu thị lớn như BigC hay Co.opMart hiện gặp vấn đề lớn nhất là tìm được mặt bằng bán lẻ đủ lớn (3.000 – 5.000 m2) để mở rộng hệ thống tại 2 thành phố trên. Ngoài ra, những người quản lý cấp cao của SHI đã tham gia vào lĩnh vực bán lẻ hàng Inox trong nhiều năm gần đây, nên có một số kinh nghiệm, bí quyết thành công nhất định của lĩnh vực này.
Tuy nhiên, với những lợi thế và tiềm năng trên, nhưng để thành công với một chuỗi bán lẻ và khả năng hoàn vốn thông thường cũng cần từ 3 đến 5 năm, thậm chí lâu hơn. Trong khi đó, giới phân tích nhận định, việc góp tên vào thị trường bán lẻ vào thời điểm này có thể là một cách PR khá khôn khéo cho người chơi mới và tầm nhìn dài hạn của SHI khi lĩnh vực công nghiệp sản xuất Inox ngày càng cạnh tranh gay gắt và có thể bão hòa trong 10 năm tới.
“Sự ổn định về mặt lợi nhuận của Sơn Hà trong 2 năm 2012 – 2013, ngoài sự chờ đợi khả năng đột biến từ việc thoái vốn các dự án bất động sản sẽ phụ thuộc nhiều vào thành công của ngành hàng siêu thị bán lẻ”, vị đại diện Nexus cho biết.
Anh Hoa
đầu tư
|