Mediplast tiếp tục bị cổ đông khiếu kiện
Ngày 17/7 vừa qua, Thanh tra Bộ Y tế đã có cuộc làm việc với nhóm cổ đông có đơn kiến nghị gửi Thanh tra Bộ Y tế, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam về một số vấn đề tại CTCP Nhựa y tế Mediplast.
Mediplast có trụ sở tại 89 Lương Định Của, quận Đống Đa, Hà Nội, là công ty con của Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, được cổ phần hóa từ cuối năm 2006, với vốn điều lệ 16,5 tỷ đồng, phần vốn Nhà nước do Tổng công ty Thiết bị Y tế Việt Nam nắm giữ. Sau cổ phần hoá, Mediplast tiếp tục sử dụng lô đất diện tích 2.800 m2 tại 89 Lương Định Của. Tuy nhiên, kể từ sau cổ phần hoá đến nay, hoạt động của Công ty có nhiều vấn đề gây ra sự chú ý của dư luận, cũng như cổ đông, vì tình trạng thiếu minh bạch thông tin và hiệu quả kinh doanh kém.
Dù có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng trong 3 năm liên tiếp 2007, 2008 và 2009, Mediplast thông báo kết quả kinh doanh không có lãi và không chia cổ tức cho cổ đông. Sau khi cổ đông phản ứng gay gắt tại ĐHCĐ thì năm 2010, Công ty mới bắt đầu trả cổ tức. Tuy nhiên, do Mediplast hoạt động kinh doanh không có lãi, nên tiền để trả cổ tức đến từ hoạt động thanh lý tài sản. Tại ĐHCĐ, cổ đông yêu cầu Công ty công bố thanh lý tài sản gì, được bao nhiêu, có đấu thầu đúng quy định hay không, song HĐQT Mediplast không công bố.
Cổ đông cũng phản ánh với Thanh tra Bộ Y tế về tình trạng thiếu minh bạch thông tin của Mediplast. Đến tận quý II/2012, Mediplast mới có website, dù quy định của Nhà nước là trong vòng 6 tháng kể từ khi trở thành công ty đại chúng thì DN phải thành lập website. Mediplast cũng không công bố thông tin theo quy định. Tại ĐHCĐ hàng năm, tài liệu Mediplast cung cấp cho cổ đông không đầy đủ như có năm thiếu báo cáo tài chính, có năm thiếu báo cáo kiểm toán…
Cổ đông đã từng chất vấn HĐQT Mediplast về phí bản quyền công nghệ. Mediplast sản xuất một số sản phẩm như xi lanh, dây truyền dịch…, theo HĐQT, mỗi xi lanh sản xuất ra phải trả 3 cent (tương đương 600 đồng) phí bản quyền, do phải mua công nghệ của nước ngoài. Quy định về phí bản quyền công nghệ là 3% giá bán tịnh (giá bán ghi trên hóa đơn trừ đi một số chi phí như thuế, chiết khấu, thuế nhập khẩu, chi phí khác…) và tối đa là 5% giá bán tịnh trong trường hợp chuyển giao công nghệ cao. Với giá bán lẻ hiện tại là 2.000 đồng/xi lanh, mức phí bản quyền 600 đồng, tương đương với 30%, nếu tính trên giá bán tịnh, thì tỷ lệ này còn cao hơn nữa. Cổ đông yêu cầu Công ty giải trình và khắc phục, song cho đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời thuyết phục từ Ban lãnh đạo.
Ngoài ra, cổ đông đề nghị Mediplast thông tin về giá đầu vào, đầu ra như giá hạt nhựa, giá cao su…, nhưng Công ty không công bố.
Nhóm cổ đông Mediplast kiến nghị Bộ Y tế và Tổng công ty Thiết bị y tế tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn bộ các vấn đề tài chính của Mediplast kể từ sau khi cổ phần hoá đến nay. Đồng thời, kiến nghị cơ quan quản lý vốn nhà nước tại Mediplast có biện pháp chấn chỉnh hoạt động của Mediplast để Công ty đạt hiệu quả sản xuất - kinh doanh cao hơn; kiến nghị Tổng công ty Thiết bị y tế bổ sung cán bộ có năng lực vào HĐQT Mediplast để giúp đỡ cho Ban lãnh đạo yếu kém hiện nay.
Trước bức xúc của cổ đông, đại diện Thanh tra Bộ Y tế ghi nhận phản ánh và cho biết, sẽ xử lý làm rõ theo đúng quy định của Nhà nước về khiếu nại, tố cáo. Theo vị đại diện này, Mediplast đã cổ phần hóa và Bộ Y tế đã phân cấp, giao cho Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam quản lý phần vốn Nhà nước. Đơn thư của cổ đông Mediplast, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ và báo cáo Bộ Y tế. Bộ sẽ xem xét báo cáo và trả lời cổ đông sau.
Hoàng Duy
đầu tư chứng khoán
|