Sàn giao dịch bươn chải để tồn tại
Thông tin các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay hơn nữa đang được kỳ vọng mang lại động thái tích cực hơn cho thị trường bất động sản vốn khá ảm đạm trong suốt nửa đầu năm nay.
Bà Huỳnh Kim Đoan, Giám đốc Công ty bất động sản Eden. Ảnh: Đình Dũng
|
Mãi lực yếu không chỉ gây khó khăn cho các chủ đầu tư mà các sàn giao dịch cũng chung số phận khi đang phải chật vật để tồn tại. TBKTSG Online có dịp trao đổi với bà Huỳnh Kim Đoan , Giám đốc Công ty bất động sản Eden (Eden Real) về tình hình hoạt động của sàn giao dịch bất động sản hiện nay.
TBKTSG Online: Bà có thể chia sẻ tình hình hoạt động kinh doanh của sàn giao dịch hiện nay ra sao?
- Bà Huỳnh Kim Đoan: Trong giai đoạn nửa đầu năm nay trung bình mỗi tháng chúng tôi bán được trên dưới 30 căn hộ, và có thể nói mãi lực trong thời gian từ tháng 3, 4 khá tốt. Tuy nhiên, xu hướng thị trường giảm dần kể từ tháng 5, và đặc biệt trong tháng 7 này tình hình kinh doanh vô cùng khó khăn khi chúng tôi chỉ có vài giao dịch thành công.
Trong số các nguyên nhân gây giảm là vì nhiều thông tin trên thị trường không hỗ trợ cho việc bán hàng, khiến cho những người có nhu cầu hoang mang và tâm lý chờ đợi thay vì tìm mua nhà. Thêm vào đó những sản phầm tốt, người mua có thể vào ở ngay không nhiều, mà nếu có thì cũng thuộc phân khúc căn hộ trung và cao cấp, nghĩa là vượt quá khả năng tài chính của người mua có nhu cầu ở ngay.
Như bà nói thì tình hình kinh doanh đang ngày càng xấu đi so với thời gian trước?
- Tôi chưa thấy sàn bất động sản nào nói là họ đang làm tốt cả, cũng chẳng nghe ai nói là họ đang gặp thuận lợi. Tất cả đang rất khó khăn. Mãi lực kém khiến tình hình kinh doanh giảm khoảng 70% so với năm trước. Xét về độ khó thì tình hình kinh doanh năm nay khó gấp 10 lần những năm trước đây.
Chẳng hạn, chúng tôi vừa môi giới thành công căn nhà phố tại quận 1, TPHCM. Để bán hàng, chúng tôi đã giới thiệu cho khoảng 200 người, và chọn ra được 25 khách hàng quan tâm, trong số đó mới có một khách hàng quyết định mua. Ở phân khúc căn hộ càng khó hơn, cho dù đó là nhà giá thấp.
Có thể nói tại thời điểm này dự án nào có vị trí tốt, giao nhà ngay, giá cả hợp lý và tiến độ thanh toán phú hợp thì mới hỗ trợ được khâu bán hàng; ngược lại thì thì rất khó.
Van tín dụng đã được nới lỏng và lãi suất cho vay đang trên đà giảm kỳ vọng sẽ tạo cú hích để thị trường phục hồi. Bà nghĩ gì về điều này?
- Trong 100 khách hàng của chúng tôi chỉ có 2 người muốn đi vay. Họ không vay nhiều bởi hiện tại họ cũng rất khó khăn nên phải cân nhắc trong việc trả lãi vay ngân hàng. Lãi suất hạ nhưng vẫn là tiền lãi. Lúc trước làm ăn thuận lợi, vòng quay tiền tốt thì họ vẫn có thể trả lãi, cho dù lãi suất 18% vẫn không thành vấn đề. Nhưng hôm nay cho dù có xuống 10% vẫn là vấn đề bởi họ cũng đang gặp khó khăn trong việc kiếm tiền. Những giao dịch trong thời gian vừa qua cho thấy chỉ có những người có 300 - 400 triệu đồng mua căn hộ được trả góp từ chủ đầu tư thay vì phải đi vay ngân hàng.
Việc giảm lãi suất chỉ nâng đỡ các doanh nghiệp bất động sản, giúp họ có niềm tin vào thị trường trong thời gian tới, giúp họ nghĩ ra phương pháp bán hàng linh hoạt hơn để thu hút người mua.
Mãi lực giảm khiến việc môi giới khó khăn, vậy các sàn giao dịch trong đó có Eden Real làm gì để duy trì hoạt động kinh doanh?
- Theo như tôi biết một số sàn đã ngưng hoạt động, đang có ý định chào bán sàn của mình. Một số khác thì hoạt động cầm chừng và sa thải nhân viên.
Để đối phó với khó khăn, chúng tôi, bên cạnh việc cắt giảm chi phí, bắt đầu mở rộng sang nhiều lãnh vực khác thay vì chỉ tập trung vào phân khúc căn hộ. Trước đây chúng tôi không làm trong lãnh vực cho thuê căn hộ, nhà phố, cửa hàng kinh doanh thì nay đang đẩy mạnh lãnh vực này. Năm ngoái, chúng tôi không môi giới nhà phố, bất động sản thương mại thì năm nay mở rộng sang lãnh vực này để tìm kiếm cơ hội.
Thực ra, thị trường tốt hay không tốt đều có giao dịch. Sự kiên nhẫn, sáng tạo và có kỹ năng mềm là những yếu tố cần thiết để vượt khó trong thời điểm này.
Từ nay cho tới hết năm sau không có dấu hiệu nào cho thấy thị trường sẽ thuận lợi. Đó là quãng đường đầy chông gai, khó khăn mà các sàn giao dịch phải vượt qua. Doanh nghiệp nào có sức, yêu nghề mới có thể bám trụ nổi trên thị trường.
Theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, hiện có khoảng 320 sàn giao dịch bất động sản đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố.
Trong số các sàn trên có khá nhiều sàn được thành lập bởi các công ty địa ốc – sàn lập ra để phân phối dự án của mình là chính. Chưa có số liệu thống kê chính thức số sàn ngưng hoạt động, nhưng với tình trạng thị trường địa ốc ảm đạm kéo dài như hiện nay thì không ít sàn giao dịch đang trong tình trạng ‘chết lâm sàng’.
Đình Dũng
TBKTSG
|