Ngân sách Nhà nước: Nhẹ tay thu nhưng rộng tay chi
Hơn một nghìn tỷ đồng được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu về ngân sách trong năm 2010 cho thấy thu ngân sách còn chưa được thực hiện nghiêm. Ngược lại, phía chi ngân sách có nhiều trường hợp đã bố trí vốn đối với các khoản không đủ điều kiện chi, sử dụng ngân sách chưa hiệu quả, chưa đúng quy định...
Báo cáo kiểm toán Ngân sách Nhà nước niên độ năm 2010 vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy nhiều tồn tại lâu nay trong điều hành ngân sách, nhưng chưa được xử lý triệt để.
Nhẹ tay thu
Theo báo cáo trên, thu ngân sách năm 2010 đạt 588.428 tỷ đồng, vượt 27,5% so với dự toán thu Quốc hội chuẩn y; nếu loại trừ yếu tố tăng thu không ổn định thì vẫn vượt 16,4%. Tuy nhiên, đã có hơn một nghìn tỷ đồng được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị thu hồi về ngân sách.
Liên quan đến việc nộp ngân sách của các doanh nghiệp, Kiểm toán Nhà nước đã xác định có tình trạng kê khai sai thuế suất thuế giá trị gia tăng; hạch toán thiếu doanh thu, đưa vào chi phí một số khoản không hợp lý, hợp lệ, không đúng định mức.
Trong khi đó, việc áp dụng sai đơn giá, tính sai diện tích khi xác định tiền sử dụng đất phải nộp vẫn diễn ra phổ biến ở các doanh nghiệp được kiểm toán…
“Kết quả kiểm toán việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước của 129 DNNN và kiểm tra hồ sơ kê khai thuế của 1.155 DN ngoài quốc doanh tại 34 địa phương đã xác định các khoản phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 426 tỷ đồng, trong đó DNNN địa phương là 137 tỷ đồng và DN ngoài quốc doanh 289 tỷ đồng”, ông Đoàn Văn Dũng, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán nhà nước) cho biết tại cuộc họp báo sáng 18/7/2012.
Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc bộ, ngành, địa phương, tình trạng thất thu về thuế, phí, lệ phí… cũng chưa khắc phục được nhiều, không ít đơn vị hạch toán sai, thiếu doanh thu; hoạch toán các khoản chi phí không đúng chế độ, định mức vào hoạt động dịch vụ; không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ các khoản phải nộp ngân sách về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cao…
Kết quả kiểm toán 272 đơn vị thuộc bộ, ngành và 303 đơn vị thuộc 34 địa phương đã xác định các khoản thuế, phí phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm 238,4 tỷ đồng; trong đó, các bộ, ngành là 168,4 tỷ đồng và địa phương là 70 tỷ đồng.
Đề cập đến các khoản thu về đất, một số sai phạm cũng đã được Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ như việc ban hành giá cho thuê đất, đơn giá thu tiền sử dụng đất đối với một số dự án chưa phù hợp với quy định; tính thiếu tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước; miễn, giảm tiền sử dụng đất sai quy định; xét giao đất không qua đấu giá… đã làm thất thu ngân sách nhà nước.
“Kết quả kiểm toán tại các địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị tăng thu 339,66 tỷ đồng tiền sử dụng đất”, ông Dũng cho biết. Trong khoản kiến nghị thu kể trên, các địa phương có số phải thu lớn là: Hà Nội 52 tỷ đồng, Bình Dương 30 tỷ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu 8 tỷ đồng, Vĩnh Long 7 tỷ đồng…
Rộng tay chi
Về chi Ngân sách Nhà nước, quyết toán năm 2010 là 648.833 tỷ đồng, vượt 11,4% dự toán Quốc hội giao, trong đó ngân sách trung ương là 304.199 tỷ đồng, vượt 3,9% dự toán; ngân sách địa phương là 344.634 tỷ đồng, vượt 19% dự toán.
Làm rõ việc chi đầu tư phát triển vượt gần 46% dự toán, kết quả kiểm toán cho thấy trong số quyết toán chi đầu tư xây dựng đã bao gồm cả phần vốn không có trong dự toán đầu năm như các khoản chi chuyển nguồn lên tới gần 1.081 tỷ đồng.
Ngoài ra còn có các khoản chi tạm ứng năm trước hoạch toán vào năm sau là 4.580 tỷ đồng; bổ sung dự toán trong năm 1.839 tỷ đồng; vốn ngoài nước thanh toán vượt kế hoạch trên 7.258 tỷ đồng; vốn ghi kế hoạch cho Tập đoàn Dầu khí vượt 976 tỷ đồng; bù chênh lệch lãi suất vượt dự toán 1.884 tỷ đồng.
Thông tin đến báo chí, ông Dũng lưu ý thêm rằng: “Nếu loại trừ các khoản chi trên, chi đầu tư phát triển đã vượt 31,9% dự toán”.
Nhưng bất chấp chi ngân sách vượt dự toán rất lớn, tình trạng còn khá phổ biến là nhiều địa phương có hiện tượng phê duyệt dự án quá “rộng tay”.
Điển hình là các trường hợp của TP. Hải Phòng kế hoạch vốn chỉ đáp ứng được 12,8% nhu cầu vốn các dự án đã phê duyệt; tỉnh Gia Lai phê duyệt số vốn trong năm gấp 3,7 lần kế hoạch vốn đầu tư xây dựng (gấp 9,6 lần kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương); Ninh Thuận gấp 3,4 lần; Kon Tum gấp 5,7 lần…
Hệ quả là trong năm 2010 có 3.386 dự án chậm tiến độ, chiếm gần 10% số dự án thực hiện trong kỳ. Riêng số dự án phải điều chỉnh chiếm trên 15%. Ngoài ra còn có 221 dự án vi phạm quy định về quản lý đầu tư… - theo báo cáo tổng hợp công tác giám sát và đánh giá tổng thể đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện.
Thậm chí, có những dự án do khảo sát lập dự án không kỹ, không thực hiện được gây lãng phí chi phí đầu tư. Điển hình là dự án Trung tâm giống thủy sản cấp 1 tại Thuận Châu (Sơn La) lãng phí 4,44 tỷ đồng do phải dừng thi công; Trụ sở Quận ủy Hoàng Mai (Hà Nội) thi công xong phải phá đi làm lãng phí 205 triệu đồng; Dự án WB4 lãng phí 426 triệu đồng do thay đổi thiết kế…
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ nhiều dự án khi phê duyệt thiếu đồng bộ nên hoàn thành nhưng chưa được khai thác đã làm giảm hiệu quả đầu tư; điều chỉnh giá hợp đồng còn sai sót, chưa tuân thủ quy định và văn bản hướng dẫn; chỉ định thầu không phù hợp quy định…
Vũ Anh Quân
Thời báo ngân hàng
|