Thứ Tư, 11/07/2012 16:13

Mỹ đã hết cách?

Cuối cùng cuộc suy thoái toàn cầu đã hạ đo ván các nhà sản xuất Mỹ khi châu Âu tiếp tục xanh xao do cuộc khủng hoảng nợ công. Nhu cầu hàng hóa từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cũng đang hạ nhiệt. Báo cáo mới đây của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) về hoạt động sản xuất tại Mỹ đã cho thấy rất rõ điều này, làm dấy lên nỗi lo về khả năng suy thoái của Mỹ.

Tin dữ tiếp tục được tung ra khi đầu tuần qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khuyến cáo, nếu giới làm chính sách Mỹ vẫn tiếp tục bất đồng về các chính sách thuế và chi tiêu chính phủ, Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái.

Những con số đáng ngại

Theo báo cáo của ISM, sản xuất của các nhà máy Mỹ đã giảm mạnh trong tháng 6, mức giảm lần đầu tiên kể từ tháng 7.2009, tháng đánh dấu thời kỳ phục hồi tại Mỹ. Cụ thể, chỉ số sản xuất Mỹ của ISM đã giảm còn 49,7 trong tháng 6 từ mức 53,5 của tháng 5. Việc chỉ số ISM ở dưới mức 50 cho thấy hoạt động sản xuất tại Mỹ đang suy giảm (trên 50 là tăng trưởng).

Điều đáng ngại hơn là chỉ số các đơn hàng mới - cho thấy hoạt động sản xuất trong tương lai - đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn 1 thập kỷ qua, còn 47,8 trong tháng 6 từ mức 60,1 của tháng 5. Điều này cho thấy nhu cầu hàng hóa đã tụt dốc một cách đáng báo động. Nhu cầu giảm một phần là do các thị trường bên ngoài nước Mỹ bớt nhập hàng từ Mỹ. Theo khảo sát của ISM, các đơn hàng xuất khẩu mới đã giảm còn 47,5 từ mức 53,5 trong tháng 5. “Sản xuất đã ngưng nghỉ trong 1 tháng. Điều này khiến doanh nghiệp không biết chắc được về những gì sẽ xảy ra”, Brad Holcomb, người đứng đầu Ủy ban phụ trách báo cáo của ISM, cho biết.

Báo cáo của ISM là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu và đà tăng trưởng chậm lại tại Trung Quốc đang tác động mạnh đến Mỹ. Hoạt động sản xuất tại khu vực đồng euro trong tháng 6 giảm; thậm chí sản xuất tại Đức đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm qua. Nhìn sang châu Á, sản xuất tại Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan cũng đang giảm. “Mỹ đã bắt đầu thấm nỗi đau từ cuộc suy thoái toàn cầu”, Michael Feroli, chuyên gia kinh tế tại J.P. Morgan Chase, nhận xét.

Việc doanh số bán nước ngoài tiếp tục xấu đi đã khiến lợi nhuận hằng quý của các doanh nghiệp Mỹ giảm lần đầu tiên, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra vào cuối năm 2008. Không ít doanh nghiệp đã bắt đầu cảm thấy khó thở trước tình hình ảm đạm tại các thị trường nước ngoài. Cuối tháng 6, Ford dự báo sẽ lỗ khoảng 570 triệu USD ở bộ phận nước ngoài trong quý II của năm tài chính này. General Motors cũng khuyến cáo môi trường làm ăn tại châu Âu sẽ rất khó khăn.

Nền kinh tế hạ nhiệt đã tác động mạnh đến thị trường lao động Mỹ, nơi tốc độ tạo ra việc làm đã bắt đầu chậm lại kể từ đầu năm nay. Mới đây, nhà khai thác than đá Consol Energy cho biết sẽ ngưng khai thác mỏ ở West Virginia và sa thải 318 công nhân.

Nút thắt tài khóa của Mỹ

Trước tình hình sản xuất đang có dấu hiệu suy giảm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ phải tung ra một số biện pháp kích thích kinh tế mới để ngăn cản nguy cơ suy thoái. Ben Bernanke, Chủ tịch FED, cũng từng nói FED sẽ can thiệp mạnh hơn nếu thấy cần thiết. Nhưng có một sự thật là cơ quan này có thể sẽ lực bất tòng tâm vì cái mà ông Bernanke gọi là “bấp bênh tài khóa”.

Sự bấp bênh về tài khóa này sẽ diễn ra trong chưa đầy 6 tháng nữa. Đó là việc các chính sách cắt giảm thuế của cựu Tổng thống George W. Bush sẽ hết hạn vào ngày 31.12 tới cùng với việc khởi động chương trình cắt giảm chi tiêu chính phủ hơn 1.000 tỉ USD bắt đầu vào tháng 1.2013. Những điều này đang đặt các nhà làm chính sách Mỹ vào thế khó xử, nhất là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia này đang chậm lại. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tranh cãi nảy lửa giữa 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Ngày càng có nhiều người lo ngại đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ sẽ không thể đồng thuận với nhau về việc làm thế nào để giảm thâm hụt ngân sách vào năm 2013 cũng như việc tung ra kế hoạch dài hạn để giải quyết món nợ 15.000 tỉ USD của quốc gia này.

“Xua tan mối lo ngại về sự bấp bênh tài khóa này cùng với việc nâng trần nợ một cách thỏa đáng là cực kỳ quan trọng, để có thể theo đuổi chương trình giảm thâm hụt ngân sách mà không phải lo gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi của nền kinh tế”, IMF khuyến cáo trong một báo cáo vào đầu tuần qua.

IMF đã dự đoán một kịch bản tăng trưởng ảm đạm cho kinh tế Mỹ trong năm nay là 2% và 2,25% trong năm tới, nếu có thể tránh được nút thắt tài khóa nói trên.

Các chuyên gia kinh tế tại Bank of America ước tính việc siết chặt tài khóa trong năm 2013 có thể sẽ lên tới 4% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ. Và nếu Quốc hội Mỹ không nhanh chóng hành động trước ngày 31.12 thì quốc gia này sẽ quay trở lại thời kỳ suy thoái khi việc tăng thuế theo lộ trình và cắt giảm chi tiêu có hiệu lực.

Đàm Hoa (Theo WSJ và FT và Telegraph)

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   WB: Nguồn kiều hối vẫn tăng bất chấp khủng hoảng (11/07/2012)

>   Lời giải chống suy giảm của các nước (11/07/2012)

>   Vì sao châu Âu điều tra S&P, Fitch và Moody’s? (10/07/2012)

>   Trung Quốc nguy cơ giảm phát (10/07/2012)

>   Các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ nhận được 30 tỷ EUR vào cuối tháng 7 (10/07/2012)

>   IMF kêu gọi thúc đẩy quan hệ đối tác và phục hồi kinh tế (10/07/2012)

>   Năm ngân hàng nước ngoài đóng cửa tại Philippines (10/07/2012)

>   Eurozone trước sức ép hiện thực hóa các quyết định (09/07/2012)

>   "Kinh tế Italy sẽ sụt giảm khoảng 2% trong năm 2012" (09/07/2012)

>   Kinh tế Triều Tiên bất ngờ khởi sắc (09/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật