Thứ Ba, 10/07/2012 20:04

Vì sao châu Âu điều tra S&P, Fitch và Moody’s?

Cơ quan điều hành Thị trường Chứng khoán châu Âu (ESMA) mới đây phát động cuộc điều tra vào ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn là Standard & Poor's (S&P), Fitch và Moody’s. Một lần nữa động thái này đã thu hút được sự quan tâm của toàn thế giới, đặc biệt là đối với những ai từng nghi ngờ về mức độ tin cậy của các tổ chức này.

* 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn bị điều tra

* Điều tra dàn xếp tỉ giá ngân hàng

Theo ESMA, mục đích của cuộc điều tra là nhằm xác định liệu quá trình đánh giá đối với từng ngân hàng của S&P, Fitch và Moody’s có nghiêm khắc và minh bạch. Được biết, cuộc điều tra này sẽ kết thúc trước thời điểm cuối năm nay.

Giới phân tích cho rằng cuộc điều tra thể hiện sự tức giận của châu Âu đối với hàng loạt động thái hạ bậc tín nhiệm của ba tổ chức này - một trong những nguyên nhân chính làm dấy lên nỗi lo sợ của nhà đầu tư về cuộc khủng hoảng nợ Eurozone.

Trong khi đó, vốn là một sản phẩm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, ESMA hy vọng tăng cường giám sát ba tổ chức tín nhiệm thông qua động thái mang tính thăm dò này.

Thời điểm điều tra nhạy cảm

Hôm 21/06, Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm của 15 ngân hàng lớn nhất thế giới, trong đó có Goldman Sachs, Citigroup, Deutsche Bank và Barclays vì cho rằng các ngân hàng này có liên quan chặt chẽ đến cuộc khủng hoảng nợ từng nhấn chìm một số nền kinh tế Eurozone.

Chỉ 4 ngày sau đó, Moody’s tiếp tục hạ bậc 28 ngân hàng Tây Ban Nha. Động thái này đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang bị tê liệt bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng.

Theo nhận định của Chủ tịch ESMA - Stephen Meyer - trên Financial Times, động thái hạ bậc hàng loạt như vậy đã châm ngòi cho mối lo ngại rằng liệu các tổ chức xếp hạng tín nhiệm có đủ nguồn lực để phân tích tình hình của các ngân hàng.

Trong khi đó, giới quan sát cho rằng cuộc điều tra của ESMA còn đóng vai trò như một biện pháp ứng phó trước các lời kêu gọi cần phải cải cách hệ thống xếp hạng tín nhiệm toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng nợ công Eurozone tiếp tục lan rộng và nỗi lo sợ về ngành ngân hàng ngày một sâu sắc.

Công và tội của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm

Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm từ lâu đã đóng một vai trò quan trọng trong thị trường tài chính toàn cầu vì đã cung cấp cho nhà đầu tư những đánh giá về mức độ tín nhiệm của nhà phát hành trái phiếu, có thể là của một doanh nghiệp hoặc một Chính phủ.

Các nhà phát hành sẽ không thể tiếp cận được tới các thị trường trái phiếu toàn cầu nếu không đạt được mức xếp hạng tín nhiệm tốt và chi phí vay mượn của các nhà phát hành này cũng chịu tác động trực tiếp bởi các mức xếp hạng tín nhiệm.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đến nay, ba tổ chức tín nhiệm lớn này luôn bị chỉ trích. Trong vòng hai năm qua, nhiều người thậm chí còn cho rằng ba tổ chức chính này là thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính Eurozone.

Ông Hans Martens, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chính sách châu Âu nhận định trên Tân Hoa Xã rằng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ trở thành các công cụ quan trọng để ngăn chặn nền kinh tế rơi vào tình trạng rối ren nhưng cũng là nguyên nhân khiến thị trường chao đảo.

Giáo sư kinh tế Đại học New York, Lawrence White, cho rằng các tổ chức xếp hạng tín nhiệm thường phản ứng chậm trước vấn đề nợ công của châu Âu.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác cho rằng không thể phủ nhận vai trò của những tổ chức xếp hạng tín nhiệm này trong việc cảnh báo rủi ro khi vụ bê bối thao túng lãi suất liên ngân hàng được phơi bày chỉ một tuần sau khi Moody’s hạ xếp hạng của 15 ngân hàng lớn nhất thế giới.

Cần tiến hành thêm các cuộc cải cách

Trên các thị trường tài chính quốc tế hiện nay, tất cả nhà đầu tư, các tổ chức phát hành cũng như các cơ quan điều hành ít nhiều đều tin tưởng vào ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới và vì thế giúp các tổ chức này duy trì được sức ảnh hưởng của mình.

Để làm giảm sự độc quyền của S&P, Fitch và Moody’s, vào cuối năm ngoái Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất thắt chặt quy định đối với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

Đề xuất cũng yêu cầu các tổ chức này công bố thêm thông tin dẫn đến các quyết định xếp hạng tín nhiệm nhằm giúp nhà đầu tư có thêm cơ sở để đưa ra đánh giá của riêng mình.

Giới phân tích cho rằng khó có thể thay thế được sự thống lĩnh của ba tổ chức xếp hạng tín nhiệm này trong ngắn hạn. Tuy nhiên cần phải thực hiện thêm một số cuộc cải cách thông qua các quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn.

Phước Phạm (Vietstock)

FFN

Các tin tức khác

>   Trung Quốc nguy cơ giảm phát (10/07/2012)

>   Các ngân hàng Tây Ban Nha sẽ nhận được 30 tỷ EUR vào cuối tháng 7 (10/07/2012)

>   IMF kêu gọi thúc đẩy quan hệ đối tác và phục hồi kinh tế (10/07/2012)

>   Năm ngân hàng nước ngoài đóng cửa tại Philippines (10/07/2012)

>   Eurozone trước sức ép hiện thực hóa các quyết định (09/07/2012)

>   "Kinh tế Italy sẽ sụt giảm khoảng 2% trong năm 2012" (09/07/2012)

>   Kinh tế Triều Tiên bất ngờ khởi sắc (09/07/2012)

>   Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha vượt ngưỡng nguy hiểm 7% trước cuộc họp Eurogroup (09/07/2012)

>   Goldman Sachs, Bank of America: Fed sẽ giữ nguyên lãi suất đến giữa 2015 (09/07/2012)

>   Nhật: Thặng dư vãng lai giảm tháng thứ 15 liên tiếp (09/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật