Loay hoay “thổi” vốn điều lệ cho các Cienco
Lợi nhuận tích lũy quá thấp khiến việc nâng vốn chủ sở hữu lên ít nhất 3 lần quy mô hiện hữu đang trở thành một thách thức quá lớn đối với các tổng công ty xây dựng ngành giao thông.
Thành công từ việc bán 130.000 cổ phiếu Công ty Đầu tư thương mại và Xây dựng giao thông 1 vào cuối năm 2011 để thu về gần 40 tỷ đồng là cơ sở để Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) tự tin đặt ra mục tiêu đến hết quý III/2012 sẽ thoái vốn xong tại 2 đơn vị thành viên khác là Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu và Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI).
Nếu kế hoạch này được thực hiện suôn sẻ, Cienco1 sẽ có thêm 50 - 60 tỷ đồng chênh lệch từ các đợt thoái vốn để mở rộng thêm quy mô vốn chủ sở hữu đang được đánh giá là khá “còm cõi”, với vỏn vẹn 220 tỷ đồng. Cienco 1 là một trong những tổng công ty xây lắp đầu tiên vừa được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) phê duyệt Đề án Tái cơ cấu giai đoạn 2012 – 2015, định hướng đến năm 2020. Hai đơn vị còn lại là Cienco 5, Cienco 4 cũng đang hoàn thiện đề án tái cơ cấu để có thể phê duyệt trong quý III/2012.
Do nhiều năm chỉ đi bằng “một chân” xây lắp, nên quá trình tái cơ cấu các cienco tới đây sẽ xoay quanh mục tiêu lớn nhất là làm thế nào để gia tăng vốn chủ sở hữu lên mức 500 tỷ đồng vào cuối năm 2012. Đây là bước đệm quan trọng để các tổng công ty 90 này tiếp tục “thổi” quy mô vốn chủ sở hữu lên khoảng 1.000 tỷ đồng vào năm 2015, thời điểm hoàn tất quá trình tái cơ cấu thông qua việc cổ phần hóa công ty mẹ.
Trên thực tế, không dễ để các cienco hoàn thành được mục tiêu này, bởi theo thống kê của Bộ GTVT, vốn chủ sở hữu của các cienco hiện chỉ vào khoảng 160 - 220 tỷ đồng/đơn vị.
Ông Đỗ Văn Quốc, Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết, do xuất phát điểm thấp, lại dính vào vòng xoáy đại hạ giá thầu và vấn nạn nợ đọng, biến động giá lớn, nên các cienco gần như không có tích lũy tài chính trong suốt 10 năm qua.
Vào thời điểm hiện tại, tình hình tài chính của các nhà thầu xây lắp chủ lực này còn khó khăn hơn, khi lợi nhuận trước thuế năm 2011 của phần lớn các cienco chỉ vài chục tỷ đồng, dù tổng doanh thu lên tới 4.000 – 5.000 tỷ đồng.
“Chi phí vốn quá cao do phải phụ thuộc vào vốn vay thương mại đã khiến cienco hụt hơi trong cuộc cạnh tranh với nhà thầu ngoại trên chính sân nhà”, ông Lê Ngọc Hoa, Tổng giám đốc Cienco 4 đánh giá. Không thể tích tụ vốn từ lợi nhuận, các Cienco đang đề xuất Bộ GTVT chấp thuận thêm những giải pháp “kỹ thuật” khác, để có nhanh chóng nâng quy mô vốn điều lệ lên gấp đôi so với số vốn hiện hữu.
Cienco1 đang kiến nghị Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép được cộng 30% trị giá tài sản cố định được hình thành từ dàn máy móc, thiết bị và nhà xưởng vào vốn điều lệ. Ông Cấn Hồng Lai, Tổng giám đốc Cienco 1 cho rằng, không ít giànn thiết bị đặc chủng, đắt tiền mà đơn vị đã trả được một phần đang là vốn vay thương mại, nên đề xuất này chẳng qua là việc hạch toán đúng và đủ phần vốn điều lệ của đơn vị. Điều đáng nói là, ngay cả khi được liên Bộ chấp thuận, thì tổng tài sản của DN sẽ không thể tăng thêm và vì vậy, năng lực tài chính của các cienco cũng sẽ không tăng lên một cách tỷ lệ thuận với sự gia tăng vốn điều lệ.
Đây cũng chính là lý do khiến Bộ GTVT đang cân nhắc phương án chuyển 8 DN quản lý sửa chữa đường bộ (thuộc Khu Quản lý đường bộ 2) về Cienco 1; chuyển 6 DN quản lý sửa chữa đường bộ (thuộc Khu Quản lý đường bộ 7) về Cienco 6.
Những DN sửa chữa đường bộ trên đều là những DN 100% vốn nhà nước, có quy mô vốn điều lệ 5- 20 tỷ đồng, có nhiệm vụ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng.
Theo các chuyên gia, việc sáp nhập các cienco thành một pháp nhân có năng lực lớn hơn cũng không phải là một đột phá về mô hình, bởi vào những năm 90 của thế kỷ trước, các đơn vị xây lắp và duy tu đường bộ đã từng ở chung một mái nhà: Liên hiệp Các xí nghiệp giao thông. Tuy nhiên, mô hình liên hiệp này đã lộ rõ bất cập do quá cồng kềnh, ôm đồm nhiều chức năng, nên sớm tan rã chỉ sau vài năm thành lập.
“Nếu không có giải pháp mới và có lộ trình cụ thể, thì việc sáp nhập cienco chưa chắc đã đủ sức cạnh tranh với các nhà thầu ngoại tại thị trường nội địa”, ông Nguyễn Ngọc Long, Phó chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật Cầu đường bình luận.
Anh Minh
đầu tư
|