Thứ Ba, 17/07/2012 21:46

DN với những ông chủ mới

Thời gian qua, tại nhiều DN đã xuất hiện những cổ đông mới. Một vài trong số đó trở thành cổ đông lớn nhất của DN. Họ là ai và hoạt động DN liệu có gì thay đổi?

Từ lớn…

Sau khi sáp nhập thành công với FLC Land, vốn điều lệ của Tập đoàn FLC (FLC) đã tăng vọt, từ 170 tỷ đồng lên 771,8 tỷ đồng. Kéo theo đó, cơ cấu cổ đông của FLC cũng thay đổi. Đáng chú ý, Công ty TNHH Bất động sản SGInvest từ chỗ không sở hữu cổ phần đã nắm giữ 62,38% vốn và trở thành cổ đông lớn nhất của FLC.

Tiếng là FLC có “ông chủ” mới, nhưng vị thế của “chủ cũ”, Chủ tịch HĐQT FLC, ông Trịnh Văn Quyết, vẫn không thay đổi, bởi ông Quyết nắm 98% cổ phần ở SGInvest. Vì thế, thông qua SGInvest, sở hữu của ông Quyết trực tiếp lẫn gián tiếp ở FLC là 67%, chứ không phải 6,09% vốn như danh nghĩa.

SGInvest là doanh nghiệp mới thành lập chưa được 2 năm, có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, bất động sản, xây dựng, XNK… Xét ra, SGInvest có hoạt động gần giống với FLC. Tuy nhiên, nếu so sánh vị thế, SGInvest có quy mô vốn, thâm niên hoạt động thua FLC. Ngoài ra, trong khi FLC đã niêm yết, công khai thông tin thì thông tin ở SGInvest lại không được phổ biến. Chỉ riêng điều này đủ thấy FLC khó đạt đến một thay đổi có tính đột phá từ “người chủ mới”.

 

CFR, một công ty dược của Chi Lê vừa trở thành cổ đông lớn nhất của Domesco (DMC)

Nếu như “chủ mới” ở FLC thực ra là “chủ cũ” thì với cổ đông CTCP XNK Y tế Domesco (DMC), CFR International Spa từng là một cái tên xa lạ. Cái tên này chỉ được nhắc nhiều từ cuối năm ngoái, khi chính thức nhận chuyển nhượng hơn 38% vốn DMC từ 5 cổ đông lớn khác. Từ đó đến nay, CFR không ngừng đăng ký mua thêm. Hiện tại, CFR là cổ đông lớn nhất ở DMC, nắm gần 46% vốn.

Theo đại diện lãnh đạo DMC, vẫn chưa có thay đổi gì ở DMC kể từ khi có “người chủ” mới này. Nhưng về lâu dài, theo những cam kết đã ký, một sự hợp tác thực sự trên nhiều phương diện, từ sản xuất, chuyển giao công nghệ, mở rộng thị trường xuất khẩu, đến hỗ trợ vùng nguyên vật liệu giữa DMC và CFR sẽ diễn ra. Với vị thế là DN dược phẩm hàng đầu ở Chi Lê, có địa bàn hoạt động rộng khắp 15 quốc gia, lãnh đạo DMC có cơ sở để tin “chủ mới” CFR sẽ giúp DMC rút ngắn chặng đường hướng tới mục tiêu trở thành DN xuất khẩu dược phẩm hàng đầu, một trong những DN dược lớn nhất Việt Nam.

… đến nhỏ

Mới đây, trong thông tin công bố, CTCP Khoáng sản Bình Thuận (KSA) cho biết, đã tìm được 2 đối tác nước ngoài tham gia mua 12 triệu cổ phần trong tổng số 12,35 triệu cổ phần mà KSA dự định phát hành. Nếu đợt chào bán thành công, Wanji Holding Group và Chengde Tianfu Titanium sẽ là 2 cổ đông lớn và mỗi tổ chức ước nắm 21,6% vốn sau phát hành ở KSA.

Được biết, 2 công ty này đều là doanh nghiệp Trung Quốc và đều tham gia khai thác khoáng sản. Nếu như Wanji Holding Group tập trung vào khai thác than, kim loại, vật liệu xây dựng, thì Chengde Tianfu Titanium chuyên về sản xuất quặng titan với sản lượng 50 nghìn tấn xỉ titan hàng năm. Đặc biệt, như chia sẻ của lãnh đạo KSA, 2 tổ chức này có góp vốn trong những dự án mà KSA đang tham gia.Trong đó, đáng chú ý là dự án Nhà máy chế biến xỉ titan Bình Thuận và Nhà máy chế biến xỉ titan Hòa Thắng. Đây cũng là 2 dự án quan trọng mà KSA cần huy động thêm vốn đầu tư thông qua phát hành thêm cổ phiếu. Như vậy, nếu diễn biến đúng theo kế hoạch, ngoài tham gia góp vốn cổ phần, 2 tổ chức kể trên còn là đối tác trong triển khai dự án với KSA.

Nói về những “ông chủ” giữ tỉ lệ sở hữu chưa chi phối DN, còn có thể kể thêm Platinum Victory PTE Ltd khi tổ chức này mua và nắm 10,24% vốn ở CTCP Cơ điện lạnh (REE). Hay Nawaplastic Indutrius (Saraburi) bất ngờ trở thành cổ đông lớn ở Nhựa Bình Minh (BMP) và Nhựa Tiền Phong (NTP) cuối tháng 6 vừa qua. Nhưng nếu như Platinum Victory PTE Ltd là công ty thuộc Jardine Cycle & Carriage (JC&C) - một công ty hàng đầu của Singapore trong lĩnh vực phân phối ôtô - ngành khác biệt với REE, thì Saraburi lại là nhà sản xuất và phân phối ống nhựa PVC lớn, thuộc Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC). Nhìn vào con số 50% thị phần ống nhựa PVC mà TPC chiếm lĩnh ở Thái Lan, đủ thấy mục tiêu muốn mở rộng thị trường sang Việt Nam của Saraburi trong quyết định mua cổ phiếu ở BMP, NTP.

Các DN có thể tận dụng cơ hội về thị trường, thị phần, vốn, công nghệ… từ những người “chủ mới”. Nhưng rủi ro và mâu thuẫn từ “chủ mới” liên quan đến cơ cấu quyền lực và quyền lợi trong DN vẫn có thể xảy ra.

Ngọc Thủy

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   KMR tăng vốn điều lệ lên gần 344 tỷ đồng (17/07/2012)

>   MSN: Bị "sờ gáy" vì vi phạm công bố thông tin phát hành 310 triệu cp (17/07/2012)

>   HVG: Thưởng cổ phiếu 20%, tăng vốn lên 792 tỷ đồng (16/07/2012)

>   VTF: Chào bán 3 triệu cp, giá 20,000 đồng/cp (16/07/2012)

>   THG bán 2 – 5 triệu cho đối tác chiến lược giá tối thiểu 10,000 đồng/cp (14/07/2012)

>   Vinatex tìm NĐT chiến lược cho công ty tài chính (14/07/2012)

>   HQC tăng vốn lên 600 tỷ đồng (13/07/2012)

>   TRA: 23/07 GDKHQ góp ý kiến tăng vốn điều lệ (13/07/2012)

>   Thị trường tài chính Việt Nam: Cuộc chơi của cáo và thỏ (13/07/2012)

>   SBT “thoát hiểm” ở BAC (12/07/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật